Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Thu T. (47 tuổi, ngụ xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp) để điều tra tội cướp tài sản.
Theo điều tra, sáng 17/6, người phụ nữ đến cửa hàng tạp hóa của bà T. ở xã Nhân Cơ trộm 2 cây thuốc lá. Bà T. phát hiện liền tát kẻ trộm nhiều cái, nói nhân viên dắt xe máy của người phụ nữ vào nhà kho rồi đóng cửa lại.
Ngoài ra, bà T. còn lấy 200 nghìn đồng cùng giấy tờ tùy thân của người phụ nữ, bắt viết tường trình với nội dung "bồi thường cho chủ tạp hóa số tiền 10 triệu đồng". Người phụ nữ sau đó gọi điện nói con gái chuyển cho T. 10 triệu đồng.
Bà T. chụp ảnh kẻ trộm, gọi điện trình báo Công an xã Nhân Cơ. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định chuỗi hành vi của bà T. là phạm tội cướp tài sản nên đã thực hiện các thủ tục tố tụng nêu trên.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mọi công dân. Những hành vi xâm phạm trái pháp luật đến quyền sở hữu tài sản của công dân như lén lút để chiếm đoạt tài sản, dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản đều là những hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo ông Cường, trong vụ việc nêu trên, kết quả xác minh ban đầu cho thấy chủ tiệm tạp hóa đã bắt quả tang người phụ nữ trộm cắp tài sản trong cửa hàng của mình (trộm 2 cây thuốc lá).
Với tình huống như vậy, chủ tiệm tạp hóa hoàn toàn có quyền bắt giữ người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để trình báo với cơ quan chức năng xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trộm cắp tài sản.
Tuy nhiên vì thiếu hiểu biết pháp luật hoặc vì coi thường pháp luật mà chủ tiệm tạp hoá đã tự mình xử lý hành vi vi phạm của người khác một cách trái pháp luật, không đúng thẩm quyền.
Hành vi của chủ tiệm tạp hóa đã đi quá giới hạn mà pháp luật cho phép, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm và tài sản của người khác, có dấu hiệu của tội cướp tài sản.
Vị chuyên gia nói thêm, pháp luật nghiêm cấm sử dụng hành vi vi phạm pháp luật để đáp trả lại hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, nạn nhân bị đối tượng khác trộm cắp tài sản chỉ có quyền đề nghị cơ quan chức năng xử lý đối tượng đã xâm phạm tài sản của mình về hành vi trộm cắp tài sản.
Vấn đề bồi thường thiệt hại (nếu có) do hành vi trộm cắp tài sản gây ra phải do thỏa thuận tự nguyện giữa các bên, nếu không thỏa thuận tự nguyện được có thể đề nghị tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Việc chuyển giao tài sản, chuyển quyền sở hữu tài sản từ người này sang người khác chỉ có thể là hợp pháp, được pháp luật bảo vệ nếu như việc chuyển quyền sở hữu đó là tự nguyện, tỉnh táo, minh mẫn…
Pháp luật nghiêm cấm hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Vì vậy, với kết quả xác minh như trên, việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với đối với chủ tiệm tập hóa này về tội cướp tài sản là có căn cứ, đúng pháp luật. Tội danh này có khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
"Vụ việc này là bài học cho nhiều người về việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu tài sản cũng như hành vi ứng xử đối với các tình huống trong đời sống xã hội" – ông Cường nêu quan điểm.