Anh Bùi Thúc Thuận kể, tôi vốn theo nghề sản xuất gạch, ngói thủ công. Khi nhà nước có chủ trương tiến tới ngừng hẳn hoạt động này gia đình tôi rất lo lắng. Tuy nhiên, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và Hội Nông dân xã, huyện, tôi hiểu ra vấn đề, tin tưởng và chủ động ủng hộ chủ trương của Nhà nước, gương mẫu đi đầu tháo dỡ lò gạch, ngói thủ công.
Năm 2010, sau khi chuẩn bị chu đáo, anh Thuận quyết định bán hết nhà cửa, ruộng vườn ở Tây Bình để mua 12ha đất đồi tại khu kinh tế mới được quy hoạch thuộc thôn Đồng Quy, xã Tây An để chuyển nghề.
Anh đầu tư san ủi hạ độ dốc, cải tạo 12ha đất đồi để trồng keo lai và trồng một số loại cây ngắn ngày. Sau một thời gian nhận thấy các loại cây ngắn ngày cho hiệu quả thấp nên năm 2014, anh Thuận vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Tây Sơn, để trồng 500 cây ổi nữ hoàng, nuôi bò 3B vỗ béo và nuôi gà thả đồi. Anh thực hiện theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, lấy lãi từ bán ổi, bò để đầu tư mở rộng đàn bò, cải tạo đất.
Mặc dù cuộc sống gia đình dần khá lên, nhưng anh Thuận vẫn ấp ủ mong muốn trồng thêm được nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao. Năm 2016, anh Thuận quyết định đầu tư trồng 500 cây cam và 500 cây bưởi trên diện tích khoảng 2ha.
Để nâng cao kỹ thuật, anh Thuận tiếp tục tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, chủ động tìm đọc sách báo về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, đi tham quan các mô hình trồng cây có múi trong và ngoài tỉnh để có thể áp dụng vào mảnh vườn của gia đình. Nhờ vậy, các loại cây trồng, vật nuôi trong trang trại của anh luôn sinh trưởng và phát triển ổn định, lợi nhuận thu được ngày càng cao. Từ năm 2018 đến năm 2021, anh đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, nhưng từ năm 2022 đến nay anh đã đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Anh Thuận chia sẻ: Thông qua quá trình canh tác, tôi rút ra kết luận các loại cây ăn trái như ổi, cam thì càng "tơ" sẽ cho trái càng ngon, nhưng bưởi hoàn toàn ngược lại, càng già thì cho trái vỏ sẽ càng mỏng, các chất vi lượng tích tụ trong đất càng nhiều nên bưởi càng ngon. Hơn nữa chăm bưởi so với chăm cam, ổi thì ít nhọc công hơn. Chính vì vậy, đến giữa năm 2023 tôi đã chặt bỏ dần cây ổi và cam trong vườn, chỉ chuyên canh bưởi để thu được hiệu quả kinh tế cao hơn.
Trong giai đoạn sản xuất nông nghiệp đối mặt nhiều thách thức, nhất là điệp khúc mất mùa, được giá và ngược lại diễn ra thường xuyên. Vì vậy, anh Thuận nảy ra suy nghĩ không nên làm theo số đông, mà cần phải có sự khác biệt phải làm sao để có thể cung ứng bưởi quanh năm, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Anh Thuận tâm sự: Để cây bưởi ra trái quanh năm cũng rất khó, mặc dù trên sách, báo, đài có nhắc đến nhiều biện pháp, nhưng làm sao để chọn ra phương pháp thích hợp với mình, vừa phải đảm bảo an toàn sinh học mà lại phù hợp đất đai, khí hậu địa phương. Sau khi thử nghiệm nhiều lần tôi mới có thể chọn ra thời gian, lượng nước thích hợp để áp dụng phương pháp siết nước để "ép" bưởi ra hoa.
Anh Thuận cắt nước luân phiên để lá bưởi héo và rụng, mỗi lần áp dụng cho 100 cây bưởi. Trong quá trình này, anh phun 3 lần phân bón lá hữu cơ để hỗ trợ tạo mầm hoa, mỗi lần cách nhau 10 ngày. Sau 1 tháng tôi cho nước vào, từ 1 đến 2 ngày đầu, anh cho ngập nước sau đó ngắt nước. Tiếp theo cứ 3, 7, 10, 15 ngày thì anh cấp lượng nước giảm dần đến khi hoa thụ phấn và đậu trái thì chăm sóc cây như bình thường.
Đi một vòng quanh khu vườn được trồng kín bưởi, chúng tôi thấy được công sức anh Thuận đổ vào mảnh vườn này, cây lá xanh mướt, hàng trăm cây bưởi da xanh cây nào cũng có hoa, trái to, nhỏ các lứa khác nhau.
Để giảm chi phí, tăng chất lượng cây bưởi da xanh, anh Thuận đã tận dụng nguồn phân gà, phân bò và các phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp ủ với chế phẩm vi sinh Trichoderma để làm phân bón cây, tăng độ màu cho đất. Ngoài ra để bưởi ngọt hơn, anh còn ủ bánh dầu (sản phẩm sau khi ép dầu phộng) để lấy nước tưới cây, bã bánh dầu trực tiếp làm phân bón gốc.
Về cách tuyển trái thì mỗi cây bưởi mỗi đợt cho từ 20 - 50 trái, mỗi nhành ra hoa thường có 5 quả, anh Thuận chỉ tuyển một trái đẹp nhất trên cành, không ham nhiều trái. Các trái hình dạng không đẹp là phải cắt bỏ hết dù cây ít trái, nên cũng có trường hợp cây chỉ cho 5 quả cũng có. Mỗi trái khi thu hoạch thường nặng từ 1,8 - 2,5 kg. Sau khi thu hoạch trái, anh tiến hành cắt tỉa cành.
Về khoảng cách trồng thích hợp, các hộ khác thường trồng các cây với khoảng cách 4 x 5 m, riêng anh Thuận hiện đang trồng 5 x 6 m, nhưng theo anh Thuận khoảng cách lý tưởng nhất là 6 x 6 m, vì cây bưởi nếu chăm sóc tốt, cây có thể sống rất lâu, mà bưởi càng già thì cho trái càng ngon.
Trồng bưởi đặc biệt, thương lái tranh nhau mua
Mô hình trồng bưởi của anh Thuận là mô hình áp dụng theo hướng hữu cơ đầu tiên của xã Tây An. Nhờ sự chăm chỉ, tư duy sáng tạo, từ tháng 3 - 7 và các tháng Tết trong năm, mỗi tháng vườn bưởi của anh xuất cho thị trường trong tỉnh 2 - 3 tấn bưởi.
Vào các tháng khác, vườn bưởi cho năng suất đều đặn từ 3 - 4 tạ bưởi, với giá sỉ thu mua tại vườn là 30.000 đồng/kg. Trong năm 2023, sản phẩm bưởi da xanh của anh đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Chị Trần Thị Trang, một thương lái thường xuyên thu mua các sản phẩm nông nghiệp của anh Thuận cho biết: Anh Thuận rất khéo tay, nên chăm cây gì cũng cho trái ngon, nuôi con gì cũng tốt, hơn nữa anh lại áp dụng phương pháp hữu cơ nên sử dụng sản phẩm rất yên tâm. Hồi anh còn trồng ổi muốn mua cũng có rất ít, giờ đến bưởi cũng vậy, chúng tôi phải đặt hàng trước vì sản phẩm của anh thường gặp tình trạng cung không đủ cầu.
Ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn cho biết: Anh Bùi Thúc Thuận là một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh tiêu biểu, là hộ có mô hình trồng bưởi da xanh cho trái quanh năm đầu tiên trên địa bàn huyện. Năm 2023, anh Bùi Thúc Thuận đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tặng Bằng khen theo Quyết định số 806/QĐ-UBND ngày 11/3/2024 vì đã lập được nhiều thành tích trong lao động, sản xuất từ năm 2022 đến năm 2023. Năm 2024, Hội Nông dân huyện và xã tiếp tục hướng dẫn anh Thuận làm hồ sơ xây dựng dự án chuỗi giá trị, đồng thời làm hồ sơ tham gia 2 Hội thi Sáng tạo nhà nông và Khởi nghiệp sáng tạo do Hội Nông dân tỉnh Bình Định tổ chức.
Ngoài trồng bưởi, anh Thuận còn có nguồn thu nhập từ trồng 10ha keo lai, 80 cây mít thái, 1.000 con gà thả vườn. Đến tháng 8 hàng năm, anh tận dụng cỏ mọc tự nhiên trong vườn để nuôi vỗ béo từ 20 - 30 con bò 3B. Từ hoạt động chăn nuôi và trồng trọt anh Thuận lãi mỗi năm khoảng 250 triệu đồng. Cùng với đó anh còn tạo việc làm cho 3 đến 5 lao động phổ thông với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng. Không chỉ có vậy anh còn hướng dẫn cách thức sản xuất phù hợp đạt hiệu quả cao để 10 hộ khá lên; giúp 5 hộ khác giảm nghèo bền vững; thường xuyên ủng hộ Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ đền ơn đáp nghĩa.