Vì sao ở một xã của Bình Định chả còn cảnh “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”?

Diệp Thị Diệu Thứ hai, ngày 04/03/2024 08:38 AM (GMT+7)
Chỉ với 1ha trồng dâu tằm đã đem lại thu nhập gần 20 triệu đồng mỗi tháng. Nhiều năm qua, nông dân trồng dâu nuôi tằm ở xã An Hòa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định rất phấn khởi vì có thu nhập ổn định với hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Nằm trong vùng hạ lưu của sông An Lão, xã An Hòa có địa hình trũng thấp, cứ đến mùa mưa, nước sông dâng cao, người dân lại khốn khổ vì ngập lụt. Lúa, ngô, hoa màu,… không bị chết vì úng thì sản lượng cũng chẳng là bao.

Từ gần chục năm nay, thấy nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển nở rộ trở lại, người dân trên địa bàn xã bắt đầu chuyển đổi diện tích trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm.

Gia đình bà Đặng Thị Mai (thôn Vạn Khánh, xã An Hòa) đã có hơn 30 năm theo nghề trồng dâu nuôi tằm. Với khoảng 10 sào đất trồng dâu, mỗi tháng gia đình bà thu được gần 150kg kén. Từ cuối năm 2021 đến nay, giá kén dao động từ 120.000 - 140.000 đồng/kg đem lại thu nhập khoảng 18 triệu đồng/tháng cho gia đình.

Vì sao ở một xã của Bình Định chả còn cảnh “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”?- Ảnh 1.

Nông dân xã An Hòa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định có thu nhập ổn định từ trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: P.V

"Nghề trồng dâu nuôi tằm này có chi phí đầu tư thấp, xoay vòng vốn nhanh nên chúng tôi có thể tái sản xuất và đầu tư liên tục. Hơn nữa, mình có thể tận dụng nhân công nhàn rỗi trong gia đình nên rất hiệu quả" - bà Mai phấn khởi chia sẻ.

Nói nghề trồng dâu nuôi tằm vất vả đã là chuyện từ thời xa xưa. Ngày nay, người dân An Hòa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên việc trồng dâu nuôi tằm dễ dàng hơn rất nhiều. Gia đình ông Trần Văn Tâm (ở thôn Vạn Long, xã An Hòa) có 4 lao động trồng 2ha dâu để nuôi tằm, thu nhập gần 60 triệu đồng/tháng.

Ông Tâm cho biết: "Ngày xưa mình phải băm dâu bằng tay rồi bưng từng nong tằm lên xuống cho ăn, bây giờ mình có máy thái lá, hệ thống khay trượt, kéo ra kéo vào cho ăn rất dễ dàng. Khi thu kén cũng có thiết bị lấy kén chuyên dụng nên nhanh chóng, đơn giản vô cùng".

Được biết, hiện nay toàn xã An Hòa có trên 60 hộ dân trồng dâu nuôi tằm, với tổng diện tích gần 46ha, tập trung ở các thôn Vạn Khánh, Vạn Long, Vạn Xuân và Trà Cong. Hội ND xã An Hòa cũng đã thành lập được 1 HTX, 1 chi hội nghề nghiệp và 2 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm. Từ năm 2023 đến nay, nhân dân trong xã An Hòa nuôi trên 200 vòng tằm, sản lượng kén gần 1,5 tấn/ha, mang lại nguồn thu gần 10 tỷ đồng. Cây dâu, con tằm trở thành cây, con chủ lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo nơi đây.

Bà Trần Thị Đông - Chủ tịch Hội ND xã An Hòa cho biết: Vì cây dâu ưa đất phù sa, độ ẩm cao, rất phù hợp với địa hình trũng thấp dọc hai bờ sông An Lão chảy qua địa bàn xã. Hơn nữa, nếu mùa mưa có ngập lụt thì khi nước rút, cây dâu vẫn không ảnh hưởng gì nên địa phương cũng đang khuyến khích bà con mở rộng mô hình này.

Để nhân rộng và phát triển hơn nữa nghề trồng dâu nuôi tằm, Hội sẽ tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp hướng dẫn nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; vận động bà con tiến hành trồng cây dâu hữu cơ không sử dụng chất hóa học; đưa máy móc hiện đại vào các quy trình làm đất, làm cỏ cho cây dâu. Tuyên truyền, hướng dẫn thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm. Đây chính là các đầu mối trung gian kết nối giữa hộ nông dân với doanh nghiệp trong thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem