Mô hình nuôi gà trong phòng lạnh của nông dân giỏi đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo nhà nông Bình Định

Võ Mỹ Hạnh (Hội ND huyện Tây Sơn) Thứ hai, ngày 29/04/2024 18:51 PM (GMT+7)
Anh Trần Văn Mười (ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), là hội viên nông dân tiêu biểu của xã. Mô hình nuôi gà trong phòng lạnh của anh Mười được ghi nhận tính sáng tạo và đoạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định năm 2023.
Bình luận 0

Anh Mười cho biết: Năm 2021, anh biết đến giống gà Ai Cập siêu trứng. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng và nhận được sự tư vấn của các cấp ngành, anh quyết định đầu tư xây dựng trang trại theo chuỗi khép kín, có đầu tư hệ thống máy làm lạnh để cải thiện môi trường chăn nuôi.

Sau 4 năm nuôi gà Ai Cập trong phòng lạnh, anh Mười đã chọn được thiết kế phù hợp nhất để làm hệ thống máy lạnh. 

Khu vực chăn nuôi rộng 2.500m2 hiện có 2 chuồng nuôi: Một chuồng diện tích 350m2, đang nuôi hơn 3.500 con gà mái giai đoạn đẻ trứng; một chuồng diện tích 380m2, đang nuôi hơn 4.000 con gà 2 tháng tuổi. 

Hệ thống làm mát mỗi chuồng gồm 1 máy bơm công suất 1,5HP bơm nước từ giếng lên hệ thống ống, máng dẫn nước chảy xuống các tấm làm mát, phía đối diện đặt các máy hút công suất 1,5HP/máy để không khí mát được tản đều khắp trại.

Mô hình nuôi gà trong phòng lạnh của nông dân giỏi đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo nhà nông Bình Định- Ảnh 2.

Anh Trần Văn Mười thu trứng gà trong phòng lạnh. Mô hình nuôi gà trong phòng lạnh của nông dân giỏi tỉnh Bình Định đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định. Ảnh: Mỹ Hạnh

Ngoài ra, anh còn lắp đặt hệ thống phun sương tưới mái để giảm nhiệt khu chuồng trại vào các ngày nắng nóng. 

Cùng với đó, anh Mười cũng bố trí đệm lót sinh học ở nền chuồng nuôi để thúc đẩy quá trình xử lý chất thải chăn nuôi. 

Để việc thu gom trứng được dễ dàng hơn, giảm tỷ lệ rơi vỡ, tăng tỷ lệ đẻ trứng, anh thiết kế máng đẻ trứng bằng bê tông, có màng che ngăn cách với khu ăn uống của gà.

Với việc nuôi gà trong phòng lạnh, nhiệt độ trong chuồng nuôi luôn được duy trì từ 22 - 26 độ C, môi trường nuôi gà hoàn toàn được đảm bảo, nâng tỷ lệ gà sống đạt trên 95% so với gà con, cao hơn từ 3 - 4 lần so với nuôi thường; tỷ lệ gà đẻ trứng cao và ổn định, có thể đạt tới 95%, trong khi nuôi thông thường chỉ đạt 80 - 85%. 

Việc sử dụng đệm lót sinh học đã giúp giảm được hơn 70% công sức lao động và chi phí điện, nước rửa chuồng trại, gia tăng nguồn thu từ phân gà thải ra để bán cho các trang trại trồng cây. Bên cạnh đó, dùng đệm lót còn góp phần giảm triệt để mùi hôi của phân gà, không gây ô nhiễm môi trường.

Mô hình nuôi gà trong phòng lạnh của nông dân giỏi đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo nhà nông Bình Định- Ảnh 4.

Anh Trần Văn Mười (ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) phát biểu tại Hội thi Sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định năm 2023.

Để có được hệ thống chuồng nuôi như vậy, anh Mười đã mạnh dạn đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng. Anh Mười cho biết: Gà nuôi từ 3,5 - 4 tháng sẽ bắt đầu đẻ trứng. Hiện tại mỗi ngày anh thu hơn 3.000 trứng gà, giá bán sỉ dao động từ 2.800 - 3.300 đồng/quả, tiền bán trứng từ 9 - 10 triệu đồng/ngày. 

Ngoài ra có khoản phụ thu là tiền bán phân gà hơn 20 triệu đồng mỗi tháng. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng anh Mười có lợi nhuận gần 40 triệu đồng. Ngoài tạo thu nhập cho gia đình, anh còn tạo việc làm cho 20 lao động địa phương trong những lúc nông nhàn.

Ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hội ND huyện Tây Sơn cho biết: "Mô hình nuôi gà trong phòng lạnh của anh Trần Văn Mười là mô hình có kỹ thuật tiên tiến, được thực hiện đầu tiên trên địa bàn huyện Tây Sơn, đã được ghi nhận tính sáng tạo và đoạt giải nhì tại Hội thi Sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định năm 2023. Năm 2024, sáng tạo của anh Mười là 1 trong 3 sáng tạo đã được Hội ND tỉnh chọn để tham gia Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông toàn quốc lần thứ X.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem