Chia sẻ tại tọa đàm "Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh", TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng đưa ra kết quả một số khảo cứu về biến động khí hậu đang đưa toàn cầu vào một rủi ro rất lớn.
Ông nêu rõ, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1%, những thành phố ven biển sẽ ngập nước. Nếu nhiệt độ tăng 2% thì ngay cả những thành phố trung tâm bên trong đất liền, cũng sẽ ngập nước.
"Do đó, vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng, là tương lai của thế giới, tương lai của chúng ta và thế hệ sau này. Làm sao chặn được biến đổi khí hậu là vấn đề không chỉ riêng Chính phủ, chuyên gia mà là của toàn dân", ông Hiếu khẳng định.
Tại Việt Nam, tín dụng cho vay xanh để tài trợ cho dự án về môi trường, biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn đang chiếm 4,5% dư nợ trên cả hệ thống. Ông Hiếu đánh giá, dư nợ tín dụng xanh hiện đang ở mức "khiêm tốn" so với các nước lân cận, đặc biệt là các nước phát triển.
"Mặc dù mỗi năm, dư nợ tín dụng cho vay xanh tăng trưởng 20%, nhưng 20% đó là bắt nguồn từ zero (số 0). Theo đó, chúng ta không nên quá lạc quan trước con số 20%", ông Hiếu nói.
Ngoài ra, còn có một số công ty, doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh tài trợ các dự án cải thiện môi trường, dự án về môi tường. Tổng dư nợ trái phiếu rất yếu, hiện nay chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam phát hành trong 10 năm đổ lại.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Tường Vân - Giám đốc tư vấn, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động để tiếp cận được nguồn tín dụng xanh. Trong đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm ra cách thức kinh doanh, làm việc thế nào để tăng hiệu quả và cần cần chủ động trong việc tìm nguồn vốn vay.
"Hiện, các ngân hàng đều sẵn sàng trong việc cho vay xanh và cũng muốn tìm khách hàng phù hợp để cho vay xanh, mong muốn mở rộng danh mục tín dụng xanh", bà Vân nói.
Trước ý kiến của bà Vân, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ông không thực sự thuyết phục trước ý kiến của bà Vân. Vị chuyên gia nêu ra, tỷ lệ của tín dụng xanh cho tổng dư nợ hiện nay rất thấp. Thứ hai, các ngân hàng hiện không có đủ thanh khoản để tài trợ tín dụng xanh.
"Tín dụng xanh là những dự án dài hạn có thể là 5 năm, 10 năm, thậm chí là 20 năm với một lãi suất thấp. Trong khi vốn huy động của các ngân hàng là vốn ngắn hạn đến 12 tháng, chiếm khoảng 80% tổng huy động của hệ thống", ông Hiếu chia sẻ.
Theo đó, ông Hiếu cho rằng, với vốn ngắn hạn của ngân hàng mà phải tài trợ cho những dự án dài hạn mà chúng ta biết rằng hiện tại tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống rất thấp. Các ngân hàng đang bị "bó tay" bởi tỷ lệ đó.
"Ngân hàng mà phải cho vay với các dự án tín dụng xanh dài hạn, lãi suất thấp và đặc biệt rủi ro lớn. Trừ trường hợp tạo ra kinh doanh, lợi nhuận tức, còn những dự án về cải tạo môi trường, năng lượng sạch… chưa có đủ tiêu chuẩn để thẩm định kết quả. Nếu không có bảo trợ của Chính phủ cho những dự án đó, khả năng dự án vỡ nợ là... có", ông Hiếu nhận định.
Ông nói thêm, ngân hàng hiện không có nhiều vốn cho vay trung và dài hạn đối với các dự án xanh. Đặc biệt, rủi ro và lợi nhuận của dự án này thấp. Do đó, ông cho rằng, không thể kỳ vọng nhiều lắm vào hệ thống ngân hàng cho tín dụng xanh, thay vào đó nên tìm đến nguồn tài trợ từ các tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức tài chính lớn như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)…, để tài trợ dự án tín dụng xanh ở Việt Nam.
"Hoặc các tổ chức tư nhân, trong đó có ngân hàng cho vay hoặc các tổ chức kinh tế phát hành trái phiếu cần phải có sự bảo lãnh của Chính phủ", vị chuyên gia chia sẻ.