Trận tứ kết thứ 3 của EURO 2024 là cuộc gặp mặt giữa 2 đội Anh và Thụy Sĩ. Mặc dù 2 đội có thời gian kiểm soát bóng gần tương đương nhau, nhưng khoảng không gian kiểm soát bóng lại không giống nhau. Trong giai đoạn không kiểm soát bóng, thời gian đội hình ĐT Thụy Sĩ co về phòng ngự ở nửa dưới sân nhà là nhiều hơn của ĐT Anh.
Thời gian thực hiện pressing và độ cao thực hiện pressing của ĐT Anh cao hơn của ĐT Thụy Sĩ. Điều đó làm cho người xem có cảm giác rằng ĐT Anh chiếm ưu thế hơn. Nhưng với cách tiếp cận rất thận trọng của cả 2 đội, họ không có nhiều cơ hội nguy hiểm trước khung thành của nhau.
Về phía ĐT Anh, người xem chú ý đến các cầu thủ tấn công đắt giá như Harry Kane, Phil Foden hay Bellingham, nhưng trong 1 thế trận giằng co, hàng phòng thủ Thụy Sĩ tổ chức tốt và co thấp về sân nhà, các cầu thủ này chưa tạo ra được nhiều các tình huống nguy hiểm trong vòng 16m50 của Thụy Sĩ.
Bên đội Thụy Sĩ, người được quan tâm là tiền vệ phòng ngự Xhaka. Chúng ta đã thấy Xhaka cùng các đồng đội ở hàng hậu vệ phối hợp thoát pressing tốt thế nào trong các trận trước đó. Nhưng trong hiệp 1 trận này, trước các pha pressing quyết liệt của các cầu thủ Anh, cùng tính chất quan trọng của trận đấu, dường như hàng hậu vệ Thụy Sĩ đã thận trọng hơn, khi bị ép quá, họ không dám mạo hiểm phối hợp thoát pressing. Mỗi lần như vậy, ta thấy Xhaka không cố gắng di chuyển thoát sự kèm cặp của tiền đạo Anh nữa. Các trung vệ Thụy Sĩ hoặc chuyền về cho thủ môn Sommer hoặc tự chuyền dài 5 ăn 5 thua lên tuyến trên. Điều lạ là trong tình thế tổ chức tấn công bế tắc như vậy, ta không thấy cầu thủ cả 2 đội thực hiện các pha sút xa.
Trong thế trận chặt chẽ, thận trọng của cả 2 đội, có cảm giác rằng sẽ khó có bàn thắng, thì từ 1 pha căng ngang theo cảm giác nhiều hơn là ngắm vào địa chỉ cụ thể, bóng lọt qua chân 2 hậu vệ Anh để Embolo chọc mũi chân ghi bàn. Ngay lập tức, HLV Gareth Southgate 3 cầu thủ có xu hướng tấn công vào sân. Khi sự thay đổi chưa kịp phát huy tác dụng thi trong chỉ vài phút sau bàn thua, Saka - cầu thủ chơi hay nhất trong hiệp 1 của ĐT Anh tung ra 1 cú sút xa hiếm hoi trong trận này của cả 2 đội, và nó trở thành bàn thắng gỡ hòa cho ĐT Anh.
Có 1 chi tiết khá thú vị về mặt chiến thuật trong trận đấu này, và hẳn là nhiều người hâm mộ Việt Nam cũng sẽ thắc mắc, đó là mặc dù các pha phối hợp tấn công trung lộ của ĐT Anh tỏ ra khá bế tắc và ít nguy hiểm, nhưng tại sao không chỉ trong trận đấu này, mà ở cả các trận đấu gần đây, các cầu thủ Anh rất ít sử dụng các pha đi bóng sâu xuống biên ngang rồi lật cánh đánh đầu truyền thống của họ?
Thực tế, miếng lật cánh đánh đầu có lợi thế là việc đưa bóng xuống sát đường biên ngang gần cột phát góc dễ dàng hơn là đưa bóng vào khu vực vòng 5m50. Sau nữa, các pha lật bóng nhanh chóng và dễ dàng đưa bóng vào khu vực tranh chấp bóng vào gần cầu môn đối phương, tạo ra các tình huống có thể gây nguy hiểm cho cầu môn đối phương bằng các pha đánh đầu. Nhưng điểm yếu của phương án tấn công này là rất nghiêm trọng. Vì để có thể tận dụng các pha lật bóng, đội tấn công sẽ phải huy động nhiều người đón bóng trong vạch 16m50 của đối phương. Trong khi khả năng phòng thủ chống bóng bổng của các đội bóng ngày càng hoàn thiện thì ngay sau pha tổ chức lật bóng đánh đầu không thành công, sẽ là cơ hội phản công nhanh rất thuận lợi cho đội bóng phòng thủ, khi các các cầu thủ bên tấn công đang đứng quá cao và không thể hỗ trợ cho phòng thủ. Đó là lý do không chỉ ĐT Anh, mà cả các đội bóng Bắc Âu, những đội bóng từng dựa vào phong cách tấn công bằng lật cánh đánh đầu trước đây đều đã từ bỏ lối đá tấn công đã lạc hậu đầy rủi ro này.
Trở lại trận đấu, thực tế, cả khi đối phương lùi thấp phòng thủ, 2 đội đều thực hiện phòng thủ cả trong giai đọan họ kiểm soát bóng ép sân đối phương. Họ hạn chế các pha tấn công của đối phương bằng cách cầm giữ bóng chắc chắn. Đó có lẽ cũng là lý do ta ít thấy các pha sút xa của cả 2 đội, đặc biệt là trong hiệp 1.
Giống như 2 trận tứ kết trước đó, 2 đội dắt nhau vào loạt luân lưu. Và ở đó, người chiến thắng là các cầu thủ Anh. Họ sẽ gặp Hà Lan ở trận bán kết EURO 2024.