Dân Việt

Hai nghệ sĩ được đề nghị truy tặng Nghệ sĩ Nhân dân trong lễ truy điệu và quy định mới về phong tặng danh hiệu

Hà Tùng Long 08/07/2024 09:51 GMT+7
Trong lịch sử phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú có nghệ sĩ Phương Thanh và Bùi Cường là hai trường hợp được đề nghị linh động truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân để công bố trong Lễ truy điệu.

Hai nghệ sĩ được đề nghị truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trong Lễ truy điệu

Trong 10 kỳ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú qua các năm 1984, 1988, 1993, 1997, 2001, 2007, 2011, 2015, 2019 và 2023, có hai trường hợp được truy tặng Nghệ sĩ Nhân dân khá đặc biệt. Đó là trường hợp của nghệ sĩ Phương Thanh và Bùi Cường. Cả hai đều là đồng môn Lớp Diễn viên khóa II, Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội và đều qua đời khi đang trong quá trình chờ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Hai nghệ sĩ được đề nghị truy tặng Nghệ sĩ Nhân dân trong lễ truy điệu và quy định mới về phong tặng danh hiệu- Ảnh 1.

Nghệ sĩ Phương Thanh được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân sau 2 năm qua đời. Ảnh: TL

Theo đó, nghệ sĩ Phương Thanh – người nổi danh với vai Hiền "cá sấu" trong bộ phim Tội lỗi cuối cùng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1993. 12 năm sau, tức năm 2005, bà lại làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Tuy nhiên, không rõ lí do gì mà hồ sơ của bà chưa được thông qua. Trong quá trình chờ làm hồ sơ đề nghị phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân đợt mới thì năm 2009, nghệ sĩ Phương Thanh đột ngột qua đời vì nhồi máu cơ tim.

Rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp tiếc nuối cho nghệ sĩ Phương Thanh vì bà quá xứng đáng để được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân nhưng lại chưa kịp nhận thì đã mãi mãi đi xa. Ngay sau đó, các nghệ sĩ thuộc Lớp Diễn viên khóa II, Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đã nhanh chóng ký tên vào lá đơn đề nghị linh động truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho bà với mong muốn quyết định đó được công bố ngay tại Lễ truy điệu. Thời điểm đó, đích thân Cục trưởng Cục Điện ảnh Lại Văn Sinh đã ký vào văn bản đề nghị linh động truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho Phương Thanh. Tuy nhiên, phải 2 năm sau khi qua đời, tức năm 2011, NSƯT Phương Thanh mới được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Tương tự, nghệ sĩ Bùi Cường – người nổi danh với vai Chí Phèo trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy (đạo diễn Phạm Văn Khoa) cũng được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân sau 1 năm qua đời. Chia sẻ với Dân Việt, đạo diễn Trần Vũ Thủy – con rể của NSƯT Bùi Cường cho biết, 3 năm sau khi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, xét thấy mình đủ điều kiện, bố vợ anh đã làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Tuy nhiên, trong lúc hồ sơ của ông đang được Bộ VHTTDL trình lên Hội đồng cấp Nhà nước thì ông qua đời vì bệnh tai biến mạch máu não. Sự ra đi của ông khiến nhiều bạn bè, đồng nghiệp… tiếc nuối vì chưa kịp nhận phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Hai nghệ sĩ được đề nghị truy tặng Nghệ sĩ Nhân dân trong lễ truy điệu và quy định mới về phong tặng danh hiệu- Ảnh 3.

Nghệ sĩ Bùi Cường được truy tặng Nghệ sĩ Nhân dân sau 1 năm qua đời. Ảnh: TL

Ngay sau đó, NSND Minh Châu đã đại diện cho tập thể Lớp Diễn viên khóa II đứng ra soạn văn bản gửi lên Bộ VHTTDL đề nghị linh động truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho nghệ sĩ Bùi Cường ngay trong Lễ truy điệu. Chia sẻ với Dân Việt, NSND Minh Châu cho biết, thời điểm đó bà cầm văn bản lên gặp trực tiếp lãnh đạo Bộ VHTTDL đề nghị linh động truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho Lớp trưởng Bùi Cường vì lúc đó hồ sơ của ông đã được thông qua vòng bỏ phiếu của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, chỉ còn một cấp Hội đồng Nhà nước. Dẫy vậy, phải 1 năm sau khi mất, năm 2019, NSƯT Bùi Cường mới chính thức được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Đạo diễn Trần Vũ Thủy cho biết: "Khi hay tin bố tôi được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, gia đình vừa xúc động, vừa có chút tiếc nuối cho bố. Lúc bố tôi còn sống cũng nhận được thông báo nằm trong danh sách xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2018. Khi ấy, thông báo là tháng 6/2018 sẽ công bố nhưng chờ mãi không thấy công bố và trao tặng, và rồi trong thời gian ấy bố tôi qua đời".

Những quy định mới về phong, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân

Theo Thông tư 06/2010/TT-BVHTTDL ban hành ngày 16/7/2010, quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú thì trường hợp đặc cách xem xét phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú phải đạt 100% số phiếu đồng ý của tổng số thành viên Hội đồng mới được lập danh sách đề nghị Hội đồng cấp trên xét. Đặc cách phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú được xét trong trường hợp: "Nghệ sĩ có tài năng đặc biệt xuất sắc, đoạt giải thưởng cao tại các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp lớn của quốc tế hoặc có thành tích nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, đạt nhiều giải thưởng cao ở cấp quốc gia" (Điều 7).

Phát biểu trong lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Nghị định số 40/2021/NĐ-CP ngày 30/3/2021 của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Theo đó, đã có Quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn giải thưởng trong danh hiệu; Quy định cụ thể hơn về cách tính quy đổi giải thưởng; Bổ sung xem xét, xét tặng danh hiệu cho đối tượng: Có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; Quy định về cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của cá nhân hướng tới những nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật tự do; Quy định về tỷ lệ phiếu bầu…

Trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, dù việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú đã qua nhiều vòng với nhiều bước đánh giá, nhưng việc có thêm một tiêu chí về sự công nhận, đánh giá của công chúng đối với các nghệ sĩ cũng là rất cần thiết.

"Tôi đồng ý rằng, nghệ sĩ là người của công chúng, phải được công chúng biết đến thông qua tác phẩm, tài năng nghệ thuật của mình, vì thế đóng góp cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật cách mạng của người nghệ sĩ thì cũng cần phải đến được với công chúng.

Thế nên, tôi nghĩ, dù việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú đã qua nhiều vòng, với nhiều bước đánh giá, nhưng việc có thêm một tiêu chí về sự công nhận, đánh giá của công chúng đối với các nghệ sĩ cũng là ý tưởng thú vị, cần tham khảo và nghiên cứu áp dụng. Và điều này cũng sẽ khắc phục được tình trạng nhiều nghệ sĩ có cống hiến, có sức ảnh hưởng, có sức lan tỏa… nhưng chưa đủ tiêu chí cứng nên chờ mãi năm này đến năm khác vẫn chưa được xét phong tặng danh hiệu, đến lúc qua đời rồi mới được truy tặng", PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, qua 10 mùa xét tặng, dù có nhiều sửa đổi trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thi đua khen thưởng, chúng ta vẫn thấy có nhiều vấn đề bất cập vẫn đang xảy ra, khiến cho việc phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú chưa đáp ứng được sự mong đợi của Đảng, Nhà nước cũng như của Nhân dân và đặc biệt là các nghệ sĩ.

Một số nghệ sĩ được biết đến rộng rãi nhưng không được phong tặng. Một số nghệ sĩ được phong tặng lại chưa nhận được sự đồng tình cao. Cơ chế xin cho trong xét duyệt hồ sơ. Thành tích ảo từ những cuộc thi chủ yếu dành để trao huy chương phục vụ xét tặng danh hiệu. Rồi những đơn thư kiện cáo liên quan… Tất cả ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh đẹp của người nghệ sĩ, cũng như sự phát triển của cả nền nghệ thuật.

Theo Nghị định số 61/2024/NĐ-CP ban hành ngày 6/6/2024, với những nghệ sĩ có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật tiêu biểu xuất sắc, chưa đáp ứng tiêu chí cứng theo quy định tại điểm a hoặc điểm b nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho một trong các trường hợp cụ thể sau đây:

Cá nhân là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi; có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tăng thêm 10 năm so với quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này; có nhiều đóng góp tiêu biểu xuất sắc trong loại hình, ngành, nghề nghệ thuật được tôn vinh, đặc biệt là trong giai đoạn những năm kháng chiến cứu nước;

Cá nhân có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tăng thêm 10 năm so với quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này; có nhiều đóng góp tiêu biểu xuất sắc trong loại hình, ngành, nghề nghệ thuật được tôn vinh; hiện vẫn tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, phục vụ các hoạt động nhiệm vụ chính trị cấp tỉnh, thành phố, cấp bộ, cấp quốc gia;

Cá nhân có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tăng thêm 10 năm so với quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này; có nhiều đóng góp tiêu biểu xuất sắc trong loại hình, ngành, nghề nghệ thuật được tôn vinh; hiện vẫn tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp trong loại hình nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc vũ kịch, nhạc kịch…