Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất bị tước danh hiệu và những quy định mới về phục hồi danh hiệu

Mộc Cầm Thứ sáu, ngày 05/07/2024 11:35 AM (GMT+7)
Mặc dù là Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất bị tước danh hiệu trong lịch sử ngành nghệ thuật biểu diễn nhưng nhắc đến nghệ sĩ Mạnh Linh vẫn rất nhiều người quý mến và hâm mộ.
Bình luận 0

Vinh quang và cay đắng của Nghệ sĩ Nhân dân bị tước danh hiệu

Nghệ sĩ Nhân dân là danh hiệu cao nhất mà Nhà nước trao tặng cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Danh hiệu này phổ biến ở Liên Xô, Đông Âu và hệ thống các nước Xã hội Chủ nghĩa trước kia và hiện nay vẫn còn được trao tặng tại Nga và Việt Nam.

Từ năm 1984 đến 2023, Việt Nam đã tổ chức tất cả 9 đợt trao tặng danh hiệu này, lần lượt vào các năm 1984, 1988, 1993, 1997, 2001, 2007, 2011, 2015, 2019 và 2023 với 451 nghệ sĩ được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân. Đợt phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đầu tiên được tổ chức năm 1984, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định số 44-CT phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho tất cả 40 nghệ sĩ hoạt động trong 4 lĩnh vực: ca nhạc, điện ảnh, múa và sân khấu.

Nghệ sĩ Nhân dân bị tước danh hiệu và những quy định mới về phục hồi danh hiệu- Ảnh 1.

Nghệ sĩ Mạnh Linh từng đóng vai chính trong "Tướng về hưu" năm 1988. Ảnh: TL

Trong lần phong tặng này, có nghệ sĩ Thanh Huyền là nữ ca sĩ đầu tiên và Trà Giang là diễn viên điện ảnh đầu tiên được trao tặng danh hiệu. Đặc biệt là nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn trở thành nghệ sĩ trẻ tuổi nhất được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trong dịp này, khi đó ông mới 26 tuổi.

Trong tổng số 451 nghệ sĩ đã được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, có nghệ sĩ Mạnh Linh bị tước danh hiệu vào năm 1996 và nghệ sĩ Y Moan được đặc cách trao tặng danh hiệu vào năm 2010.

Nghệ sĩ Mạnh Linh vốn là một nghệ sĩ sân khấu - điện ảnh tài năng của làng nghệ thuật phía Bắc. Ông được xem là thế hệ diễn viên sân khấu thứ hai của Việt Nam sau Thế Lữ, Đào Mộng Long, Song Kim. Ông từng được phân công làm Đoàn trưởng Đoàn kịch Bắc, Phó Giám đốc rồi Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Nam nghệ sĩ từng để lại nhiều dấu ấn qua hàng loạt vai diễn ấn tượng trong các vở: Chuông đồng hồ điện Kremlin, Khúc thứ ba bi tráng, Người cầm súng, Bài ca Điện Biên… 

Bên cạnh vai trò diễn viên, Mạnh Linh còn là người dàn dựng cho nhiều vở kịch đặc sắc của Nhà hát Kịch Việt Nam như vở Người thầy cũ của Thiết Vũ, Sư già và em bé của Kính Dân, Chiếc vuốt cọp của Thanh Hương. Ông cũng là diễn viên chính trong phim truyện nhựa đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam Chung một dòng sông năm 1959. Ngoài ra, ông còn tham gia hàng loạt phim điện ảnh như: Một ngày đầu thu, Khói trắng, Con chim biết chọn hạt, Đất mẹ, Cuộc chia tay không hẹn trước, Đứa con và người lính, Phận đời không muốn nhớ, Vụ áp phe Đông Dương…

Đặc biệt, ông từng đóng vai ông Thuấn – vai chính trong phim truyện điện ảnh Tướng về hưu của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi năm 1988. Ông Thuấn - một vị tướng rời quân ngũ trở về gia đình và hoàn toàn lạc lõng trong một đời sống đang thay đổi với những giá trị bị đảo lộn hàng ngày. Ông như người xa lạ trong chính ngôi nhà của mình trước người con trai nhu nhược, cô con dâu sắc sảo và một bà vợ lẩn thẩn. Đảm nhận vai ông Thuấn, nghệ sĩ Mạnh Linh đã làm nên một vị tướng về hưu trên màn ảnh không thể nào quên. Năm 1988, với nhiều đóng góp cho sân khấu kịch nghệ, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân.

Tuy vậy, năm 1996, khán giả lại vô cùng bất ngờ khi nghe tin nghe tin Mạnh Linh liên quan đến vụ án xù nợ của con gái. Ông bị buộc tội đồng phạm với con gái trong việc vay tiền mà không trả được và phải nhận án 8 năm tù giam. Nhưng vì tuổi cao sức yếu (lúc này ông đã 70 tuổi) mà ông được về quê Bắc Ninh để dưỡng bệnh cho đến khi hưởng lệnh đặc xá. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho ông bị tước danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Tính đến năm 2024, trường hợp của Mạnh Linh được xem là trường hợp duy nhất bị tước danh hiệu này. 

Được biết, sau khi được đặc xá, nghệ sĩ Mạnh Linh chuyển về sống tại Hà Nội cùng vợ và các cháu. Những năm tháng tuổi già, vợ chồng ông phải sống trong một căn hộ khá chật chội, rộng chỉ vỏn vẹn 12m. Bản thân ông phải đối diện với rất nhiều bệnh như: tiểu đường, huyết áp cao, rối loạn tiêu hoá.... Cuộc sống của hai vợ chồng nghệ sĩ Mạnh Linh rất thiếu thốn, chỉ có lương hưu mà phải nuôi tới 5 đứa cháu nội.

Những quy định mới về phục hồi danh hiệu sau khi bị tước

Điều 74 của Nghị định 98/2023/NĐ-CP ban hành 31/12/2023 quy định, tập thể, cá nhân, hộ gia đình có hành vi thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 93 của Luật Thi đua, khen thưởng bị hủy bỏ quyết định tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và bị thu hồi hiện vật, tiền thưởng đã nhận.

Cụ thể, Quyết định hủy bỏ danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và thu hồi hiện vật khen thưởng cộng tiền thưởng trong các trường hợp:

- Có hành vi gian dối trong việc kê khai công trạng, thành tích để được tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng;

- Cung cấp thông tin sai sự thật hoặc làm giả hồ sơ, giấy tờ để đề nghị tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng;

- Thẩm định, xét, duyệt, đề nghị danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trái quy định của pháp luật;

- Có kết luận, quyết định, bản án của cơ quan có thẩm quyền về việc người đã được tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng có vi phạm, khuyết điểm dẫn đến không bảo đảm tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trong khoảng thời gian tính thành tích hoặc liên quan đến công trình, tác phẩm là cơ sở để tặng giải thưởng.

Điều 76 của Nghị định này quy định rõ, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định tước danh hiệu vinh dự Nhà nước, hủy bỏ quyết định khen thưởng của Chủ tịch nước, quyết định tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tập thể, cá nhân có trách nhiệm nộp lại đầy đủ hiện vật khen thưởng và tiền thưởng đã nhận cho bộ, ban, ngành, tỉnh nơi đã trình khen và chi tiền thưởng cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình.

Bộ, ban, ngành, tỉnh có trách nhiệm đôn đốc cá nhân, tập thể, hộ gia đình nộp lại hiện vật khen thưởng đã nhận đúng thời hạn và gửi về Bộ Nội vụ trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hiện vật thu hồi; tiền thưởng bị thu hồi được nộp vào ngân sách nhà nước hoặc quỹ thi đua, khen thưởng theo quy định.

Điều 75 của của Nghị định 98/2023/NĐ-CP cũng quy định, cá nhân, pháp nhân thương mại bị tước danh hiệu vinh dự Nhà nước mà sau đó có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên không có tội, miễn trách nhiệm hình sự hoặc không thuộc trường hợp quy định tại các khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 93 của Luật Thi đua, khen thưởng thì được phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự Nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem