Theo Hiệp hội Hạt tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), xuất khẩu hạt tiêu của nước ta trong tháng 6/2024 đạt 28.162 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 24.988 tấn, tiêu trắng đạt 3.174 tấn. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 141,1 triệu USD, trong đó tiêu đen đạt 122,2 triệu USD, tiêu trắng đạt 18,9 triệu USD, so với tháng trước lượng xuất khẩu giảm 10,2%, tuy nhiên kim ngạch lại tăng nhẹ 0,1%.
Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng 6 đạt 5.067 USD/tấn, tiêu trắng đạt 6.922 USD/tấn, tăng 11,5% đối với tiêu đen và 13,4% đối với tiêu trắng so với tháng trước.
Do thị trường khan hiếm nguồn cung nên hiện nay, giá tiêu tại các vùng nguyên liệu trong nước duy trì mức cao, dao động từ 151.000 - 152.000 đồng/kg. Trong đó, giá tiêu hôm nay 8/7 cao nhất tại Đắk Lắk và Đắk Nông, đạt 152.000 đồng/kg.
Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường mua hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam, trong tháng 6 đạt 6.969 tấn, giảm 9,4% so với tháng 5. Tiếp theo là các thị trường UAE: 2.749 tấn, Trung Quốc: 2.582 tấn, Đức: 1.994 tấn, Ấn Độ: 1.240 tấn… Trước đó, trong tháng 5, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở lại vị trí dẫn đầu về thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam, với khối lượng đạt 30.466 tấn, chiếm 26,6% thị phần và tăng 44,4% so cùng kỳ.
Hạt tiêu Việt Nam đang chiếm thị phần lớn tại Mỹ nhờ mức giá tốt và chất lượng ngày càng cao nên được thị trường này ưa chuộng. Ngành hạt tiêu Việt Nam cũng được đánh giá cao về năng lực chế biến với tỷ lệ hàng qua chế biến chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Xét về nhu cầu tiêu thụ, Mỹ hiện đang là quốc gia nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới. Trong 3 năm trở lại đây, nước Mỹ chi từ 320 - 440 triệu USD/năm để nhập khẩu mặt hàng gia vị này, tương đương 19 - 20% thương mại hạt tiêu toàn cầu.
Trong số các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hồ tiêu, Công ty CP Phúc Sinh đã vươn lên trở thành doanh nghiệp xuất khẩu đứng đầu trong tháng 6, tăng 43,4% so với tháng 5, đạt 3.688 tấn. Đáng chú ý, đây cũng là khối lượng hàng xuất khẩu cao nhất trong tháng của một doanh nghiệp - tính từ đầu năm đến nay.
Tiếp theo là các doanh nghiệp: Olam Việt Nam: 2.516 tấn, Haprosimex JSC: 1.941 tấn, Simexco Đăk Lăk: 1.630 tấn, Nedspice Việt Nam: 1.600 tấn… Vài năm gần đây, Phúc Sinh thường mất vị thế top đầu vào tay các doanh nghiệp nước ngoài như Olam Việt Nam, Nedspice Việt Nam.
Theo đánh giá của Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu Phúc Thịnh (PTEXIM Corp), mức tồn kho mặt hàng hạt tiêu của các thương lái trung gian hiện nay đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Điều này dẫn đến tình trạng một số đại lý khan hàng, thậm chí hết hàng để bán khi thị trường tăng giá nhanh.
Tình trạng người dân găm hàng, bán ra thị trường “nhỏ giọt” sẽ tác động lên giá tiêu trong thời gian tới. Hiện giá tiêu đen tại các kho giao ngay đã thiết lập mặt bàng giá sàn mới so với trước đây.
Cũng theo PTEXIM Corp, trước đây nhiều nhà nhập khẩu, chế biến tiêu kỳ vọng nguồn cung nguyên liệu sẽ được bổ sung từ Brazil và Indonesia. Tuy nhiên, cả Brazil và Indonesia hiện gần như không chào bán hạt tiêu do tình trạng mất mùa vì hạn hán, thu hoạch chậm. Đặc biệt, bang Espirito Santom - vùng sản xuất tiêu chính của Brazil đang bị mất mùa diện rộng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì không có đủ nguyên liệu cho hoạt động sản xuất cũng như phục vụ giao hàng.
Phân tích về diễn biến giá tiêu trong nửa đầu năm nay, ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh cho biết, là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu ở Việt Nam, chưa bao giờ ông thấy giá tiêu, cũng như giá cà phê gây hết bất ngờ này tới bất ngờ khác, nằm ngoài mọi dự đoán.
"Diễn biến giá cả như hiện nay khiến cả thế giới kinh ngạc, chứ không chỉ riêng Việt Nam. Chỉ trong vòng 3 tuần đầu của tháng 6/2024, giá tiêu tăng gấp đôi so với năm ngoái, gây sửng sốt với người mua toàn cầu. Ngay cả các doanh nghiệp cũng không hiểu vì sao giá lại tăng đến vậy" - ông Thông nói.
Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 3 về xuất khẩu gia vị trên thế giới và đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu (cung cấp khoảng 50% sản lượng hồ tiêu và 60% thị phần toàn cầu). Đồng thời, Việt Nam còn là nhà xuất khẩu tiêu số 1 thế giới hơn 20 năm qua. Hiện cả nước có 100.000 nông dân trồng tiêu, 200 doanh nghiệp xuất khẩu và 35 nhà máy chế biến tiêu.
Thị trường gia vị được đánh giá là đang và sẽ có nhu cầu cao trên toàn cầu. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng đặt ra bài toán nâng cao chất lượng, chú trọng sơ chế, chế biến để đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế.