CTCP Tasco (HNX: HUT) tiền thân là đội cầu Nam Hà, được thành lập năm 1971. Sau đó, Tasco chính thức được thành lập ngày 27/3/1976 với tên gọi là Công ty Cầu Hà Nam Ninh, trên cơ sở sáp nhập đội cầu Nam Hà và Xí nghiệp Xây dựng Cầu đường Ninh Bình.
Tháng 11/2000, Công ty tiến hành cổ phần hóa, chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang hoạt động theo mô hình CTCP. Đến tháng 12/2007, Công ty đổi tên thành CTCP Tasco. Tháng 4/2008, Tasco niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán HUT. Tasco dưới sự chèo lái của ông Phạm Quang Dũng là một trong những ông lớn về các dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) và BT (xây dựng - chuyển giao). Có thể kể đến các dự án BOT quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Quảng Ninh và Quảng Bình; BOT 39, Thái Bình; BOT Lê Đức Thọ, Hà Nội; BOT Hải Phòng; cải tạo BOT Đông Hưng, Thái Bình… Thế nhưng sự mở rộng ngành nghề kinh doanh đã khiến cho ông trùm BOT này hao tổn quá nhiều tài lực và dẫn đến đổi chủ.
Dữ liệu thống kê Báo cáo tài chính hợp nhất năm của Tasco cho thấy, bức tranh tài chính của "ông trùm" BOT Tasco không mấy tươi sáng, thậm chí có giai đoạn lao dốc không phanh. Cụ thể, năm 2018, Tasco báo lãi sau thuế 65,7 tỷ đồng, giảm 78% so với năm 2017. Đến năm 2019, lợi nhuận sau thuế của Tasco tiếp tục giảm 32% so với năm 2018 về 44.7 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2020, Tasco báo lỗ 243 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến "ông trùm" BOT lao dốc trong giai đoạn này một phần đến từ doanh thu bất động sản giảm do một số dự án mới của công ty đang trong giai đoạn đầu tư, thực hiện giải phóng mặt bằng, chưa đủ điều kiện bán hàng.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác được cho là đến từ một số dự án BOT. Đơn cử năm 2019, Tasco cho biết hoạt động thu phí tự động không dừng lỗ 123,8 tỷ đồng (tăng lỗ 176%) do trong năm, Tasco tiếp nhận mới các trạm thu phí từ các Nhà đầu tư BOT để thực hiện thu phí tự động không dừng. Tuy nhiên, doanh thu những năm đầu chưa cao trong khi chi phí phát sinh lại lớn do phải thực hiện thu phí hỗn hợp.
Từ năm 2021, Tasco bắt đầu thực hiện kế hoạch tái cấu trúc toàn diện, từ chuyển đổi hệ sinh thái phát triển đến thay đổi toàn bộ ban lãnh đạo. Theo đó, ông trùm BOT Phạm Quang Dũng đã rời ghế Chủ tịch, trở thành cổ đông và là thành viên quan trọng trong Ban cố vấn chiến lược của Tasco. Nhóm cổ đông lớn mới xuất hiện là ông chủ Công ty Nhựa Đồng Nai Vũ Đình Độ. Màn "thay máu" này có mang lại khoản lãi cho Tasco nhưng vẫn ở mức thấp, đạt 44 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, Tasco đã thông qua mở rộng kinh doanh sang dịch vụ ô tô, bất động sản nghỉ dưỡng và lấn sân thêm cả thị trường tài chính bằng việc mở công ty bảo hiểm.
Trong năm 2022, Tasco đã M&A Công ty bảo hiểm Groupama của Pháp và chuyển thành Công ty Bảo hiểm Tasco. Công ty này được cấp phép hoạt động tại Việt Nam từ năm 2001 với trụ sở đặt tại TP.HCM. Ngoài ra, Tasco thành lập Tasco Land và đầu tư vào NVT Holdings - công ty mẹ của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, doanh thu thuần của Tasco chỉ đạt 1.073 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp đạt 143,8 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 57% kế hoạch lợi nhuận năm.
Hiện, Tasco Auto đang sở hữu 54,1% vốn CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico, HoSE: SVC).
Đến tháng 8/2023, Tasco đã chính thức sở hữu 100% vốn của SVC Holdings - công ty mẹ của Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) và đổi tên thành Công ty TNHH Tasco Auto. Tasco Auto cũng là doanh nghiệp vừa "thâu tóm" Sweden Auto - công ty nhập khẩu và phân phối thương hiệu ô tô hạng sang Volvo duy nhất tại Việt Nam.
Kết thúc năm 2023, doanh thu thuần của Tasco đạt 10.981 tỷ đồng, gấp khoảng 10 lần năm trước. Nhưng lợi nhuận sau thuế lại "bốc hơi" 61% so với 2022, vỏn vẹn 56 tỷ đồng và đạt 8,6% kế hoạch năm.
Giải trình kết quả trên, Tasco cho biết do trong năm 2023, Tasco tăng mạnh số lượng công ty sau khi hoàn thành hợp nhất. Bên cạnh đó, việc Công ty TNHH Tasco Auto trở thành công ty con của Tasco từ ngày 8/9/2023 giúp doanh thu tăng mạnh chủ yếu đến từ mảng hoạt động kinh doanh xe ô tô.
Nhưng cũng vì nguyên nhân trên, doanh thu tài chính và chi phí tài chính lần lượt tăng 63% và 53%, chi phí doanh nghiệp tăng 247%.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Tasco đạt 26.748 tỷ đồng, tăng khoảng 130% so với năm trước. Đồng thời, dư nợ tài chính cũng ghi nhận tăng 70% lên mức hơn 8.224 tỷ đồng, chiếm 53% tổng nợ phải trả (15.647 tỷ đồng) và 31% nguồn vốn của doanh nghiệp. Đây đều là các khoản vay ngân hàng và vay tổ chức tài chính.
Hàng tồn kho tại Tasco đến cuối năm 2023 là 2.487 tỷ đồng, gấp 25 lần so với đầu kỳ. Trong đó, chiếm khoảng 70% tương ứng gần 1.699 tỷ đồng là hàng hóa xe ô tô và xe máy. Ngoài ra, tài sản dở dang dài hạn cũng tăng gấp 3 lần, lên mức 2.548 tỷ đồng.
Tính đến hết quý I/2024, Tasco có 6 công ty con trực tiếp, 63 công ty con gián tiếp và 13 công ty liên kết, hoạt động trong các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông, bất động sản, dịch vụ thương mại, bảo hiểm, dịch vụ thu phí, dịch vụ tài chính...
Một cái tên đáng chú ý trong hệ sinh thái của Tasco là CTCP VETC - công ty do Tasco sở hữu 99,26% vốn. Đây hiện là nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động đường bộ (VETC) với hơn 75% thị phần, 117 trạm thu phí trên cả nước. VETC từng được Tasco kỳ vọng là dự án "gà đẻ trứng vàng" nhưng trái lại, dự án hoạt động không như kỳ vọng.
Năm 2019, VETC lỗ 126 tỷ đồng. Tại thời điểm này, Tasco đã đòi trả lại toàn bộ dự án cho Bộ Giao thông vận tải vì lo phá sản nhưng không thành. Đến năm 2020, VETC ghi nhận khoản lỗ 300 tỷ đồng.
Năm 2022, sau thời gian miễn phí, VETC chính thức thông báo mức phí dán thẻ thu phí tự động không dừng (ETC) vào tháng 8, đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ phải trả 120.000 đồng/xe khi dán thẻ ETC của VETC, áp dụng với tất cả phương tiện dán mới hoặc thay thẻ (dán lại).
Hành động này mang lại doanh thu cao đột biến cho VETC trong năm 2022, qua đó giảm mức lỗ lũy kế mà VETC đang "gánh". Kết quả, năm 2022, doanh thu của VETC đã tăng gần gấp đôi lên 346 tỷ, đưa doanh nghiệp chỉ còn lỗ 132,6 tỷ. Giai đoạn 3 năm từ 2020 - 2022, VETC đã lỗ tổng cộng 691 tỷ đồng. Đơn vị phải đứng ra “ôm” khoản lỗ lũy kế của VETC chính là Tasco.