Nóng bỏng cuộc đua ô tô nhập khẩu vào Việt Nam: "Miếng bánh" phân chia ra sao?
Nóng bỏng cuộc đua ô tô nhập khẩu vào Việt Nam: "Miếng bánh" phân chia ra sao?
Nguyễn Thịnh
Thứ ba, ngày 09/07/2024 11:26 AM (GMT+7)
Thị trường ô tô nhập khẩu vào Việt Nam được phân chia theo thị phần: Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc chiếm tới trên 90%, còn lại "miếng bánh" thuộc về một số nước khác như Pháp, Mỹ, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ,…
"Miếng bánh" ô tô nhập khẩu vào Việt Nam phân chia ra sao?
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam nhập khẩu tổng cộng 118.942 ô tô nguyên chiếc, giá trị kim ngạch đạt 2,83 tỷ USD.
Theo đó, ô tô sản xuất tại Thái Lan đã vươn lên dẫn đầu thị trường nhập khẩu vào Việt Nam với 53.942 xe với giá trị kim ngạch hơn 1,14 tỷ USD (giảm 25,1% về lượng và giảm 20,3% về giá trị kim so với 2022). Giá trị đơn chiếc trung bình của xe nhập khẩu từ Thái Lan là xấp xỉ 21.100 USD/chiếc (khoảng 520 triệu/chiếc).
Một số mẫu xe nhập khẩu từ Thái Lan được người Việt quan tâm như: Toyota Corolla Cross, Camry, Corolla Altis, Fortuner (một số phiên bản), Ford Everest, Honda HR-V, Civic, Mazda 2, CX-30, CX-3, Forester Subaru...
Mới đây,CTCP Tasco Auto (tiền thân là SVC Holdings) công bố thông tin đã sở hữu 100% Công ty TNHH Sweden Auto – đơn vị nhập khẩu và phân phối chính hãng xe Volvo duy nhất tại Việt Nam.
Indonesia bị tụt xuống vị trí thứ hai với 42.676 xe và kim ngạch 607,55 triệu USD (tương đương giảm 41,2% về lượng và giảm 42,1% về giá trị so với năm 2022). Giá trị đơn chiếc trung bình khá thấp, chỉ xấp xỉ 14.200 USD/chiếc (khoảng 350 triệu/chiếc).
Ô tô nhập khẩu từ Indonesia bị sụt giảm một phần đến từ việc các hãng xe đã đưa một số dòng xe bán chạy về lắp ráp trong nước, ví dụ như Toyota Veloz Cross hay Hyundai Creta. Còn lại một số mẫu xe vẫn đang được nhập khẩu từ xứ sở Vạn đảo như Mitsubishi Xpander, Suzuki XL7, Toyota Yaris Cross, Innova Cross, Wigo,... hay mới đây nhất là Mitsubishi Xforce.
Ô tô sản xuất tại Trung Quốc đứng thứ ba với 11.002 xe, kim ngạch 394,2 triệu USD (giảm 36,5% về lượng và 44,8% về giá trị so với 2022). Xe Trung Quốc chiếm 9,25% về lượng và chiếm 13,93% về giá trị kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của cả nước.
Như vậy, "miếng bánh" ô tô nhập khẩu vào Việt Nam được chia phần lớn cho 3 quốc gia lân cận là Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc, chiếm tới 90,48% tổng lượng ô tô nhập khẩu của cả nước trong năm 2023. Phần còn lại 9,52% thuộc về một số nước khác như Pháp, Mỹ, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ,...
Trong khi đó, theo thống kê mới đây của Tổng cục Hải quan về lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024, "bảng xếp hạng" có sự thay đổi khi Indonesia đã tìm lại vị thế khi dẫn đầu về lượng xe với 26.233 xe, kim ngạch đạt 380 triệu USD.
Thái Lan đứng thứ 2 về lượng xe nhập khẩu 18.495 xe và 357 triệu USD. Thị trường Trung Quốc đứng thứ 3 về lượng xe nhập khẩu nhưng đứng đầu về kim ngạch với kết quả 11.869 xe và 373 triệu USD. Sở dĩ kim ngạch nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc dẫn đầu, bởi xe nhập từ thị trường này chủ yếu là ô tô tải, ô tô chuyên dụng nên trị giá cao.
"Nước cờ" của xe Trung Quốc và cơ hội mới với xe châu Âu
Có thể thấy xe Trung Quốc dồn dập "đổ bộ" thị trường Việt Nam. Nhưng "chiến thuật" đã có sự thay đổi khi khác với trước đây, các dòng ô tô Trung Quốc vào Việt Nam dưới diện chính hãng chứ không phân phối thông qua một bên thứ 3, thậm chí còn bắt tay với công ty sở tại để lắp ráp trong nước.
Mới nhất, BYD, Omoda & Jeacoo rầm rộ kế hoạch gia nhập thị trường Việt. Aion - hãng xe thuần điện của Trung Quốc, trực thuộc Tập đoàn Ô tô Quảng Châu (GAC) - đã có nhà nhập khẩu và phân phối tại nước ta, dự kiến bắt đầu hoạt động kinh doanh vào tháng 8.
Trước đó, tháng 8/2023, thương hiệu con của Tập đoàn Ô tô Trường Thành (GWM) - gia nhập thị trường Việt Nam với mẫu H6 HEV. Tháng 12 cùng năm, 2 thương hiệu ô tô Trung Quốc tiếp theo "đổ bộ" Việt Nam là Haima và Lynk & Co.
Hồi tháng 7/2023, Tập đoàn Ô tô Thượng Hải (SAIC) tiếp quản việc phân phối các dòng xe MG tại Việt Nam, mở rộng danh mục sản phẩm bằng cách nhập khẩu MG5 MT và MG RX5 từ Trung Quốc.
"Phát súng" đầu tiên có lẽ là Wuling với mẫu xe điện cỡ nhỏ Mini EV, được TMT Motors lắp ráp và ra mắt vào ngày 29/6/2023.
Trong năm 2024, nhiều mẫu xe mới của Trung Quốc cũng được lên kế hoạch ra mắt Việt Nam, như GWM Tank 300, Baojun YEP, Haval Jolion…
Nhìn tổng quan, xe Trung Quốc tại Việt Nam dần từ bỏ xe giá rẻ, tập trung vào phân phối các sản phẩm đắt tiền hơn. "Nước cờ" này được kì vọng có thể giúp các thương hiệu Trung Quốc xóa mờ định kiến về chất lượng, nhưng tất nhiên sẽ không phải việc sớm thành.
Cạnh tranh ngày càng gia tăng, các nhà sản xuất ô tô ở châu Âu đang tìm kiếm cơ hội tại các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Sở dĩ Thái Lan và Indonesia chiếm đa số lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam nhờ ưu đãi thuế nhập khẩu 0% theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2022 - 2027, áp dụng cho ô tô nhập khẩu nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng ô tô.
Trong khi đó, xe nhập khẩu từ châu Âu bị áp thuế nhập khẩu 44,5% (năm 2023). Do đó, nhiều hãng xe lựa chọn "đi đường vòng", đó là sản xuất, lắp ráp tại Thái Lan, sau đó nhập về Việt Nam để được hưởng thuế suất ưu đãi 0%.
Tại Việt Nam, những mẫu xe sang thương hiệu từ châu Âu như Mercedes-Benz, BMW, Porsche, Audi, Landrover đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng từ hàng chục năm nay. Trong đó, Mercedes-Benz, BMW đang ngày càng đẩy mạnh chuyển đổi từ xe nhập khẩu nguyên chiếc sang sản xuất, lắp ráp trong nước.
Tuy nhiên, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có thể sẽ làm thay đổi xu hướng. Theo đó, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam sẽ giảm khoảng 6,4%/năm, liên tục trong vòng 10 năm. Năm 2024, thuế nhập khẩu được áp dụng là 38,1%. Dự kiến đến năm 2030, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU xuống còn 0%.
Đối với dòng xe "thuần" điện (BEV), các mẫu xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu từ EU cũng được giảm thuế TTĐB từ 15% xuống còn 3%, áp dụng đến 28/2/2027. Từ 01/3/2027, thuế TTĐB được điều chỉnh lên 11%. Đồng thời, xe BEV cũng được hưởng ưu đãi, giảm 100% lệ phí trước bạ, áp dụng đến 28/2/2027. Từ 01/3/2027, giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô điện so với mức thu của các loại xe dùng động cơ đốt trong có cùng số chỗ ngồi.
Rõ ràng cơ hội dành cho các hãng xe nhập khẩu từ EU tại thị trường Việt Nam sẽ ngày càng rộng mở. Nhưng các hãng xe Trung Quốc cũng không ngừng tìm hướng đi chiến lược. Cuộc đua tranh giành thị phần xe nhập khẩu vào Việt Nam hứa hẹn sẽ không ngừng "nóng", và khi ấy người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.