Xã Nga My (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) hiện có 107 hộ nghèo (chiếm 3,82%) và 136 hộ cận nghèo (chiếm 4,86%). Thời gian qua, bằng nhiều nỗ lực của địa phương, cộng với nguồn lực hỗ trợ của các cấp từ Trung ương đến địa phương, nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã đã có điều kiện để phát triển, ổn định sản xuất.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đặng Văn Ngọ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nga My thông tin, sau khi huyện Phú Bình triển khai hai tiểu dự án 1 và 3, xã cũng đã triển khai về các xóm. Trên cơ sở rà soát các hộ có nhu cầu, xã đã triển khai hai dự án hỗ trợ giảm nghèo tại xã, đó là dự án trồng cây trám đen và dự án chăn nuôi bò sinh sản vào cuối năm 2023.
Đối với dự án trồng cây trám đen, Hội Nông dân xã đã tham mưu với huyện triển khai ở các hộ nghèo và cận nghèo có diện tích đất và có nhu cầu, có điều kiện chăm sóc. Sau khi rà soát, đã có 28 hộ tham gia dự án, tập trung ở các xóm như: Kén, Bờ Trực, Phú Xuân, Núi Ngọc, Đình Dầm, Làng Nội… Trong đó, mỗi hộ trồng trên diện tích 1 sào với tổng số 15 cây trám đen. Dự án triển khai đã nhận được sự đồng thuận và hào hứng của các hộ dân.
Trong quá trình trồng và chăm sóc, các hộ đã được tập huấn về khoa học kỹ thuật, cùng với sự chú trọng chăm sóc của các hộ gia đình, do đó đến nay, số lượng cây trám đạt tỷ lệ sống lên tới trên 90%. Hiện, tổng diện tích trồng trám theo dự án hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn xã Nga My khoảng 1ha.
Từ dự án này, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Phòng Nông nghiệp huyện Phú Bình tiếp tục triển khai thêm 1 tiểu dự án trồng trám của Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên trên diện tích 2ha với tổng số gần 400 cây trám ghép.
"Đến nay cây trám phát triển tốt. Với cây trám ghép, nếu chăm sóc tốt, sau 5 – 7 năm sẽ bắt đầu cho quả. Như vậy sau 5 năm mỗi cây trám sẽ cho sản lượng khoảng 5kg/cây, giá bán tại vườn trung bình từ 50.000 – 70.000 đồng/kg, còn mang ra chợ bán có giá cao hơn, từ 100.000 – 120.000 đồng/kg. Theo tính toán, mỗi cây trám cho giá trị khoảng 500.000 đồng sau 5 năm, do đó cây trám mang lại tiềm năng và giá trị kinh tế rất cao. Đây sẽ là tiền đề giúp các hộ dân trên địa bàn xã có cơ hội thoát nghèo", ông Ngọ cho biết.
Theo ông Ngọ, hiện nay Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Bình đang làm thêm vườn ươm tại xã Nga My với trên 1.000 cây trám nữa để triển khai hỗ trợ trên địa bàn xã Nga My, Hà Châu và Úc Kỳ.
Còn đối với dự án hỗ trợ bò sinh sản, sau khi có công văn hướng dẫn, địa phương đã triển khai rà soát các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã. Sau đó, xã đã triển khai hỗ trợ đến các hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương không có bò nhưng có điều kiện về chuồng trại, về đất trồng cỏ. Đến nay đã có 10 hộ gia đình đủ điều kiện tham gia và đã được hỗ trợ 10 con bò nái sinh sản (mỗi hộ 1 con).
"Qua theo dõi, từ đầu năm đến nay đã có 3 con bắt đầu phối giống và đang mang thai. Nhìn chung, dự án này bước đầu đã cho hiệu quả tương đối tốt, bà con rất phấn khởi" - ông Ngọ chia sẻ.
Chị Triệu Thị Mạnh (xóm Kén, xã Nga My, huyện Phú Bình. tỉnh Thái Nguyên) một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ bò nái sinh sản.
"Chồng tôi vừa mới mất nên kinh tế của gia đình 4 mẹ con phụ thuộc chính vào tôi, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Gia đình tôi đang thuộc diện hộ cận nghèo của xóm. Khi dự án hỗ trợ hộ nghèo được triển khai, xóm có đăng ký hỗ trợ cho gia đình tôi 1 con bò nái để chăn nuôi. Từ khi được hỗ trợ bò đến nay, gia đình tôi tích cực chăm sóc vì thế bò lớn rất nhanh, phát triển tốt. Gia đình tôi sẽ cố gắng chăm sóc để bò sớm sinh sản, tạo thêm thu nhập cho mấy mẹ con, giúp gia đình thoát nghèo" - chị Mạnh cho hay.
Việc thực hiện hai dự án hỗ trợ cây giống trám đen và hỗ trợ bò sinh sản trên địa bàn xã Nga My, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên sẽ giúp mở ra cơ hội thoát nghèo cho bà con nơi đây, góp phần tích cực vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.