Ở một xã của TP Huế có hai mộ cổ bí ẩn, chứa đầy ân oán lịch sử giữa nhà Nguyễn với nhà Tây Sơn
Ở một xã của TP Huế có hai mộ cổ bí ẩn, chứa đầy ân oán lịch sử giữa nhà Nguyễn với nhà Tây Sơn
Thứ ba, ngày 09/07/2024 18:50 PM (GMT+7)
Hai ngôi mộ bí ẩn, chứa đầy ân oán lịch sử ở Huế được cho là thuộc về hai nhân vật lịch sử đặc biệt, có liên quan mật thiết tới mối thâm thù giữa hai triều đại nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn.
1: Nằm xã Thuỷ Bằng, thành phố Huế, lăng Cơ Thánh là ngôi mộ cổ- nơi an nghỉ của Hưng Tổ Khang Hoàng Đế Nguyễn Phúc Luân (1733 – 1765), cha đẻ của vua Gia Long.
Khu lăng mộ cổ này còn có tên dân gian là lăng Sọ , gắn với một giai thoại được lưu truyền trong sử sách.
Theo Đại Nam Liệt Truyện, Nguyễn Phúc Luân là con thứ hai của Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Khi chúa Nguyễn qua đời, do muốn thâu tóm quyền lực, quyền thần Trương Phúc Loan đã giả mạo di chiếu, lập Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi và bắt giam Nguyễn Phúc Luân.
Sau khi được thả về nhà ông buồn rầu sinh bệnh mà mất ở Phú Xuân (Huế). Sau khi quân Tây Sơn chiếm Phú Xuân năm 1790, tướng Nguyễn Văn Ngữ đã sai người đào mồ Nguyễn Phúc Luân, lấy xương cốt vứt xuống dòng sông Hương gần đó.
Khi đánh cá ở khúc sông này, ngư dân tên Nguyễn Ngọc Huyên hoảng sợ khi một chiếc sọ người mắc vào vó của mình hai lần. Ông ném sọ đi và khấn "nếu đây là chiếc sọ của ngài nào có quyền lực linh thiêng thì xin trở lại trong vó của tôi". Khi sọ mắc vào vó lần thứ ba, ông tìm nơi chôn cất.
Sau khi lên ngôi vào năm 1802, vua Gia Long cho người đi tìm lại hài cốt của thân phụ. Nghe lời kể của dân địa phương về ngư dân tên Huyên và chiếc sọ người kỳ bí, vua yêu cầu đưa người này đến gặp và chỉ chỗ chôn hài cốt. Khi sọ được đào lên, vua chích máu của mình và nhỏ vào sọ.
Máu không sượt ra mà thấm vào xương sọ. Tin rằng chiếc sọ này là của cha mình, vua lệnh cho cải táng hài cốt tại nơi chôn cất cũ, đặt tên là lăng Cơ Thánh. Do lăng chỉ chôn hộp sọ của người đã khuất nên dân địa phương vẫn quen gọi là lăng Sọ.
2: Cũng nằm ở xã Thủy Bằng (TP Huế) như lăng Cơ Thánh, lăng Ba Vành là một khu lăng mộ có quy mô lớn, với chiều dài khoảng 60 mét, rộng 40 mét, gồm 3 vòng thành tròn ghép lại.
Khu mộ có các dấu tích của một nơi an táng bậc đế vương như hồ bán nguyệt, nhà bia, tam quan, vườn lăng…
Vòng thành trong cùng ôm nấm mộ cổ có hình mai rùa – loại mộ dành cho bậc công thần, đế vương theo quan niệm thời xưa. Nấm mộ có vách rất dày, bị bạt góc trái theo kiểu chém “tả đao” dành cho tử tù thời phong kiến, để kéo quan tài ra khỏi mộ.
Bia đá trước mộ bị chặt gãy và vứt chỏng chơ dưới đất, những năm gần đây mới được dựng lại một cách tạm bợ. Các dòng chữ trên bia đã bị đục phá một cách tàn bạo và không thể đọc được.
Ngôi mộ cổ có quy mô to lớn khác thường, những yếu tố kiến trúc đặc biệt cùng sự trừng phạt thảm khốc và lãng quên trong suốt triều Nguyễn khiến trong cư dân Huế lan truyền lời đồn lăng Ba Vành chính là nơi an nghỉ của hoàng đế Quang Trung.
Theo “Đại Nam thực lục chính biên” của Quốc sử quán triều Nguyễn, vào tháng 11 năm Tân Dậu (1801), sau khi thu phục được Phú Xuân, Nguyễn Ánh đã trả thù nhà Tây Sơn một cách tàn nhẫn bằng việc phá hủy mộ Quang Trung, bổ hòm, phơi thây, bêu đầu ở chợ.
Còn “Đại Nam liệt truyện” ghi rằng mùa đông năm 1801, xa giá trở về kinh đô báo cáo với tông miếu và dâng hiến tù binh; tội phạm Tây Sơn đều bị giết để trừng trị, đào phá mộ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, giã nát và đổ bỏ, nhốt xương sọ vào nhà ngục...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.