Dân Việt

Gặp khó trong tiêu thụ nông sản, vướng quy hoạch khoáng sản, nông dân Lâm Đồng mong được hỗ trợ

Văn Long 10/07/2024 11:17 GMT+7
Hội Nông dân một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị, phản ánh cũng như nêu thực trạng về việc người dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do vướng quy hoạch khoáng sản, giá nông sản xuống thấp, ảnh hưởng đến đời sống.

Người dân gặp khó vì quy hoạch khoáng sản

Sáng ngày 10/7, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 6, khóa IX (nhiệm kỳ 2023-2028), sơ kết công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Tại hội nghị, ông Đa Cát Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, phản ánh nêu những khó khăn, vướng mắc của người dân tại địa phương về việc tiêu thụ nông sản cũng như ảnh hưởng của hạn hán đến đời sống sản xuất của người dân.

Tại hội nghị, ông Bùi Đình Tưởng – Chủ tịch Hội Nông dân TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, thời gian vừa qua, cơ quan chức năng TP. Bảo Lộc cũng như Hội Nông dân thành phố đã nhận được nhiều phản ánh của người dân địa phương liên quan đến Quyết định 866/QĐ-TTg về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Gặp khó trong tiêu thụ nông sản, vướng quy hoạch khoáng sản, nông dân Lâm Đồng mong được hỗ trợ- Ảnh 1.

Ông Bùi Đình Tưởng - Chủ tịch Hội Nông dân TP. Bảo Lộc nêu những khó khăn, bất cập về quy hoạch khoáng sản trên địa bàn thành phố.

Theo ông Tưởng, hiện nay có phường tại TP.Bảo Lộc có đến hơn 60% diện tích đất nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít. Liên quan đến việc này, nhiều người dân không được xây nhà, không được nâng cấp sửa chữa nhà và các công trình đầu tư công cũng không được đầu tư, xây dựng. Chính vì vậy, quy hoạch trên đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương.

Trong khi đó, ông Lê Hùng Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Lâm cho biết, liên quan đến Quyết định 866/QĐ-TTg, huyện Bảo Lâm cũng có đến 51.000ha bị vướng quy hoạch này. Trong đó, 4 xã Lộc Thành, Lộc Nam, Tân Lạc và Lộc An không khảo sát, còn lại tất cả các xã tại huyện Bảo Lâm đều vướng vào quy hoạch khoáng sản.

Gặp khó trong tiêu thụ nông sản, vướng quy hoạch khoáng sản, nông dân Lâm Đồng mong được hỗ trợ- Ảnh 2.

Giá bơ 034 tại huyện Bảo Lâm trong thời gian qua xuống thấp khiến đời sống sản xuất của người dân gặp khó khăn.

"Tại các xã bị vướng quy hoạch khoáng sản, người dân có đất ở nhưng cũng không thể xây dựng. Hội Nông dân huyện cũng như người dân địa phương mong muốn cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, làm sao để người dân xây dựng được nhà ở, công trình dân sinh và cung cấp dịch vụ cho khách du lịch...", ông Lê Hùng Anh cho hay.

Ngoài ra, ông Lê Hùng Anh cũng cho biết, giá bơ 034 thời gian qua giảm sâu, xuống còn 3.000 - 4.000 đồng/kg, trước tình hình đó, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bảo Lâm thực hiện hỗ trợ tiêu thụ bơ cho nông dân. Trong đó, có một công ty thu mua được trên 20 tấn với giá 11.000 đồng/kg nên đã phần nào giải quyết được khó khăn cho người dân địa phương.

Thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm

Tại hội nghị, bà Trần Thị Oanh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã kết nạp được 2.952 hội viên mới. Tổng số hội viên toàn tỉnh đến nay là hơn 165.000 hội viên, toàn tỉnh đã thành lập mới 8 chi hội nghề nghiệp có 160 hội viên tham gia, 13 tổ hội nghề nghiệp với 214 hội viên tham gia.

Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã bầu bổ sung 17 ủy viên Ban Chấp hành, 9 ủy viên Ban Thường vụ; 1 Chủ tịch Hội Nông dân huyện; 1 Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện và 4 Chủ tịch, 7 Phó Chủ tịch Hội Nông dân cấp cơ sở. Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho 85 cán bộ Hội cơ sở.

Gặp khó trong tiêu thụ nông sản, vướng quy hoạch khoáng sản, nông dân Lâm Đồng mong được hỗ trợ- Ảnh 3.

Bà Trần Thị Oanh phát biểu tại hội nghị.

Trong 6 tháng cuối năm 2024, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cường bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng, những bức xúc của hội viên nông dân, phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu thi đua công tác Hội.

Song song với đó là tăng cường công tác phối kết hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT tạo nguồn hỗ trợ cho nông dân được vay vốn đầu tư vào sản xuất. Đồng thời tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp triển khai chương trình cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp trả chậm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của hội viên nông dân. Phối hợp chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, lập các điểm trình diễn, tổ chức hội thảo, dạy nghề cho hội viên nông dân, hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ nông sản cho hội viên nông dân.

Gặp khó trong tiêu thụ nông sản, vướng quy hoạch khoáng sản, nông dân Lâm Đồng mong được hỗ trợ- Ảnh 4.

Hội Nông dân xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng thực hiện tuyến đường môi trường xanh - sạch - đẹp.

"Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cần nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp bằng nhiều hình thức giúp đỡ các hộ nghèo, hộ khó khăn cả về vật chất và tinh thần, kinh nghiệm...vận động nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị nông sản", bà Trần Thị Oanh thông tin.