9X Lâm Đồng lãi 2 tỷ/năm nhờ bán hoa lan đột biến, tham vọng làm khu bảo tồn lan rừng quý hiếm
9X Lâm Đồng lãi 2 tỷ/năm nhờ bán hoa lan đột biến, tham vọng làm khu bảo tồn lan rừng quý hiếm
Văn Long
Thứ hai, ngày 08/07/2024 05:33 AM (GMT+7)
Dù cơn sốt đã qua lâu, nhưng nhờ trồng hoa lan đột biến mà chàng trai Vũ Đức Nghi (27 tuổi, xã Lộc Thanh, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đã có thu nhập khoảng 2 tỷ đồng/năm. Chàng trai này mong muốn mở một khu bảo tồn lan rừng, trong đó có các loại phong lan tại Việt Nam và trên thế giới.
Đầu tháng 7 năm 2024, phóng viên Dân Việt có cơ hội trở lại thăm chàng trai Vũ Đức Nghi trồng phong lan có tiếng tại Lâm Đồng.
Mô hình trồng hoa lan rừng hiệu quả của anh Vũ Đức Nghi đã được báo Dân Việt thông tin đến đông đảo bạn đọc trên cả nước vào năm 2019.
Đến nay, sau 5 năm, vườn hoa lan rừng của anh Vũ Đức Nghi đã được mở rộng, khang trang và trồng trong khu nhà kính với nguyên vật liệu được nhập trực tiếp từ nước ngoài.
Điều đặc biệt, khi nhiều người "vỡ nợ", khổ sở vì hoa lan đột biến thì thu nhập của anh Vũ Đức Nghi vẫn chủ yếu từ một số loại hoa lan đột biến như Thủy tiên trắng, Dendro chớp Vàng Đỏ Xưa, Dendro chớp Burana Pink Saphia (cây nhập Đài Loan), Dendro chớp Susan hay Hoàng Hậu Trăm Hoa.
Anh Vũ Đức Nghi bên những chậu phong lan đột biến và các chậu tác phẩm có giá trị kinh tế cao trong vườn của mình.
Cầm trên tay chậu hoa lan đột biến Dendro chớp Vàng Đỏ Xưa vẫn đang được nhiều người sưu tầm, mua bán trong thời gian qua, anh Vũ Đức Nghi cho biết: "TP. Bảo Lộc có khí hậu ôn hòa nhất, phù hợp nhất cho phong lan. Có đến 90% loài phong lan tại Việt Nam cũng như thế giới có thể cho hoa khi trồng tại TP. Bảo Lộc. Chính vì vậy, khi bắt đầu trồng phong lan, tôi đã chọn TP. Bảo Lộc để làm thay vì làm ở quê nhà Đồng Nai. Đến nay, tôi đã có khoảng 1ha nhà kính công nghệ cao để trồng hoa phong lan các loại.
Hiện nay, thời "hoàng kim" của phong lan đột biến đã qua nhưng mỗi tháng tôi vẫn cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 chậu phong lan các loại. Các loại hoa tôi bán ra thị trường đều đã trồng thuần, là những loại sai hoa, đẹp, được người chơi ưa chuộng".
Anh Nghi cho biết, quan điểm của anh là người trồng hoa phải chăm sóc thật tốt thì người chơi sẽ ủng hộ và yêu thích dù đó là lan quý hay bình dân. Lấy ví dụ, phong lan Kim điệp là một loại lan khá bình dân, nhiều người chơi nhưng anh chăm sóc những chậu to, cây phát triển tốt, dịp Tết cho hoa sai thì sẽ rất nhiều người đặt hàng.
Theo anh Nghi, để một chậu phong lan đẹp và tốt đến tay người chơi, anh phải mất từ 2-3 năm, thậm chí 7-8 năm đối với những cây lâu lớn. Tuy nhiên, những chậu phong lan càng lâu năm, phát triển mạnh, cho hoa đẹp thì sẽ càng giá trị.
Chỉ tay vào giàn phong lan thủy tiên trắng đột biến anh Vũ Đức Nghi cho biết: "Hàng trăm chậu thủy tiên trắng được xếp ngăn nắp trên giàn kia đã có người mua và họ đang gửi lại tại vườn của mình.
Đến cuối năm gần đến Tết, hoa ra nụ thì họ sẽ lấy về và tiếp tục bán ra thị trường. Cách làm của tôi cũng rất linh động, làm sao để hoa đến tay người tiêu dùng luôn thật đẹp".
Trong thời gian sắp tới, anh Vũ Đức Nghi mong muốn sẽ làm một khu bảo tồn các loại lan tại Việt Nam cũng như trong khu vực.
Theo anh Nghi, tại Việt Nam hầu như chưa có khu bảo tồn hoa lan, trong đó có hoa phong lan nào chuẩn, có các loại lan cho ra hoa khi được trồng.
Chính vì vậy, anh Nghi đang ấp ủ làm một khu bảo tồn các loại lan, 4 mùa đều có hoa để cho người chơi, du khách tham quan, giúp quảng bá ngành hoa lan của Việt Nam. Tuy nhiên, làm được dự định trên theo anh Nghi phải mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như chi phí.
Hiện nay, vườn hoa lan anh Vũ Đức Nghi đang tạo công ăn việc làm cho 6 lao động chính thức với mức lương từ 6-8 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ với mức thu nhập 200-300 ngàn/ngày tùy thời điểm.
Với quy mô trồng lan rừng và thị trường ổn định, hàng năm anh Nghi có doanh thu từ 2,5 – 3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí anh Nghi có lợi nhuận từ 1,5-2 tỷ đồng mỗi năm.
Trực tiếp cùng phóng viên tham quan vườn trồng phong lan của anh Vũ Đức Nghi, ông Nguyễn Minh Hiếu – Chủ tịch UBND xã Lộc Thanh (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: "Mô hình trồng hoa lan, trong đó có nhiều loài lan rừng của anh Vũ Đức Nghi gắn với chương trình phát triển nông thôn mới, là mô hình điển hình tại địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao. Trong thời gian qua, anh Nghi cũng đã nhân rộng cách làm ra được khoảng 10 mô hình tương tự, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Hiện, xã Lộc Thanh đang kiến nghị các cấp có thẩm quyền để hỗ trợ vốn để người dân mở rộng hệ thống nhà lưới, nhà kính nhằm phát triển, nhân rộng mô hình trồng hoa phong lan, trồng lan rừng.
Bên cạnh đó là hỗ trợ chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất đa mục đích sử dụng để mở rộng diện tích nhà kính cho người dân phát triển kinh tế. Từ đó, địa phương cũng phấn đấu để sớm cán đích nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.