Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2024, xuất khẩu điều của Việt Nam đạt 65.000 tấn, trị giá 388 triệu USD, tăng 8,4% về lượng và tăng 13% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 350.000 tấn hạt điều, trị giá 1,92 tỷ USD, tăng 25% về lượng và tăng 17,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 6/2024, giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ước đạt 5.973 USD/tấn, tăng 9,2% so với tháng 5/2024 và tăng 4,2% so với tháng 6/2023.
Mỹ, Trung Quốc, EU là những thị trường nhập khẩu nhiều nhất hạt điều của Việt Nam, trong đó tại thị trường Mỹ, thị phần hạt điều của Việt Nam gần như chiếm đại đa số.
Cụ thể, theo số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, trong 4 tháng đầu năm 2024, Mỹ nhập khẩu 47.730 tấn hạt điều, trị giá 252,96 triệu USD, tăng 18,5% về lượng và tăng 9,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
4 tháng đầu năm 2024, giá bình quân nhập khẩu hạt điều của Mỹ đạt mức 5.300 USD/tấn, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá bình quân nhập khẩu hạt điều của Mỹ từ Việt Nam giảm 7,7%, xuống còn 5.263 USD/tấn.
4 tháng đầu năm 2024, Mỹ nhập khẩu hạt điều từ trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các nguồn cung hạt điều chủ yếu cho Mỹ gồm: Việt Nam, Bờ Biển Ngà, Brazil, Indonesia, Ấn Độ;…
Theo đó, nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam đạt 41.980 tấn, trị giá 220,92 triệu USD, tăng 11,5% về lượng, nhưng giảm 7,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 86,22% trong 4 tháng đầu năm 2023 lên 87,95% trong 4 tháng đầu năm 2024.
Đối với thị trường Trung Quốc, theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 14.120 tấn hạt điều, trị giá 70,91 triệu USD, giảm 17,2% về lượng và giảm 6,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Trung Quốc tăng nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam và Myanmar.
Về giá, 5 tháng đầu năm2024, giá bình quân nhập khẩu hạt điều của Trung Quốc đạt mức 5.021 USD/tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thị trường EU, theo Eurostat, Việt Nam là nguồn cung hạt điều ngoại khối lớn nhất cho EU trong 4 tháng đầu năm 2024, lượng đạt xấp xỉ 35.390 tấn, trị giá 182,77 triệu EUR (tương đương 195,63 triệu USD), tăng 10,2% về lượng, nhưng giảm 2,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối chiếm 71,24% tổng lượng và chiếm 70,66% tổng kim ngạch trong 4 tháng đầu năm 2024, cao hơn so với thị phần 69,09% tính theo lượng và 68,19% tính theo kim ngạch trong 4 tháng đầu năm 2023.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, dù xuất khẩu ghi nhận tốc độ tăng trưởng 2 con số trong nửa đầu năm 2024, nhưng ngành điều Việt Nam đang đối mặt với tình hình biến động giá nguyên liệu.
Thời gian gần đây, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) nhận được thông tin phản ánh từ phía doanh nghiệp về việc không nhận được đầy đủ nguyên liệu từ đối tác là các nước Tây Phi trước tình hình giá điều thô tăng mạnh.
Nguyên nhân là do sản lượng hạt điều tại khu vực Tây Phi giảm và một số nước như Bờ Biển Ngà áp dụng chính sách tạm ngưng xuất khẩu hạt điều thô để hỗ trợ các nhà máy sản xuất hạt điều nội địa.
Trước tình hình trên, Hiệp hội Điều ViệtNam (Vinacas) có văn bản kiến nghị lên Chính phủ, các bộ ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn cho ngành điều, trong đó có tác động các nước châu Phi gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu điều thô.
Với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vinacas kiến nghị quan tâm phát triển vùng nguyên liệu điều, phát triển bộ giống điều chất lượng, năng suất cao. Điều này sẽ giúp các nhà chế biến điều giảm bớt phụ thuộc nguồn nhập khẩu.