Bình Phước sở hữu một "báu vật" về hạt điều, nhưng doanh nghiệp không mặn mà

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 12/07/2023 19:00 PM (GMT+7)
Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) hạt điều có thể coi là “báu vật” của tỉnh Bình Phước. Nhưng từ khi có được văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đến nay, tài sản quý báu này vẫn chưa phát huy hết giá trị vốn có của nó.
Bình luận 0

Doanh nghiệp không mặn mà với chỉ dẫn địa lý

Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ CDĐL "Hạt điều Bình Phước" có hiệu lực vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đến nay, toàn tỉnh có 9 doanh nghiệp sản xuất hạt điều được cấp quyền sử dụng CDĐL "hạt điều Bình Phước". 

Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước cho biết, qua các đợt kiểm tra, giá bán các sản phẩm mang CDĐL có tăng cao hơn so với trước đây. CDĐL đã giúp cho các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, và trên các kênh thương mại điện tử lớn ở trong nước và quốc tế.

Có chỉ dẫn địa lý, điều Bình Phước vẫn lo  - Ảnh 1.

Hạt điều Bình Phước được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ CDĐL từ năm 2018. Ảnh: N.V

Bình Phước hiện có 152.000ha điều, chiếm gần 50% diện tích cây điều của cả nước. Năng suất điều bình quân niên vụ 2022 - 2023 ước đạt 1,1 tấn/ha. Tỉnh có 1.416 cơ sở chế biến hạt điều với 148 doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, 1.254 doanh nghiệp siêu nhỏ. Chế biến hạt điều mỗi năm đóng góp từ 27 - 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Sở Khoa học và Công nghệ đang xem xét đề xuất Công ty Mass C&G Hàn Quốc về dự án phát triển thương hiệu và kinh doanh hạt điều mang CDĐL "Bình Phước" tại thị trường Hàn Quốc.

Tuy nhiên, bà Bùi Thị Minh Thúy - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cũng cho biết, cho đến nay, CDĐL hạt điều Bình Phước vẫn chưa phát huy hết giá trị vốn có của nó. 

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu ảnh hưởng xấu đến năng suất, chất lượng điều; giá bán vật tư nông nghiệp tăng cao trong khi giá bán hạt điều lại duy trì ở mức thấp. Nhiều nông dân không còn mặn mà với cây điều, và diện tích canh tác điều có xu hướng giảm.

Dù giá bán các sản phẩm hạt điều mang CDĐL cao hơn so với sản phẩm thường nhưng mức chênh lệch không đáng kể. Thậm chí, một số thị trường nước ngoài không đòi hỏi CDĐL với hạt điều nhân trắng. Một số doanh nghiệp lúc đầu rất tâm huyết với CDĐL nhưng về sau không còn mặn mà với việc này nữa. 

Chưa kể, việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về CDĐL hạt điều diễn ra khá phổ biến. Nhiều sản phẩm hạt điều kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn gắn nhãn mác mang địa danh Bình Phước, được bày bán tràn lan trên thị trường cả nước.

Khai thác hiệu quả hơn chỉ dẫn địa lý

Ông Vũ Thái Sơn - Giám đốc Công ty CP Long Sơn kể, từ những năm 1990, điều Bình Phước đã nổi tiếng nhờ chắc hạt, có hương vị thơm ngon, béo và ngọt. Khách quốc tế và trong nước rất thích điều Bình Phước. Tuy nhiên về sau, vì nhiều lý do, điều Bình Phước mất dần vị thế.

Ông Sơn cho rằng, nguyên nhân trước hết là việc các doanh nghiệp chế biến điều Bình Phước đã nhập điều thô châu Phi về sản xuất. Tuy nhiên, điều nhập khẩu không được tách bạch riêng mà nhập vào, bán chung điều Bình Phước. 

"Đương nhiên, mùi vị điều châu Phi thì ai cũng biết là thua xa điều Bình Phước" - ông Sơn nói. Thứ nữa, công nghệ chế biến ở nhiều nhà máy hiện nay cố gắng giảm tỷ lệ hạt bể, muốn vậy thì phải hồi ẩm cao. Hơi nước đã làm thay đổi kết cấu bên trong, hạt điều bị đục và không còn trắng. Cho dù sau đó có sấy lại thì hạt điều cũng không ngon như trước.

Trên cương vị là Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, ông Sơn cho rằng, việc đăng ký CDĐL hạt điều Bình Phước, và kiểm soát chất lượng điều Bình Phước là rất quan trọng. Hiện nay, doanh nghiệp ít tham gia đăng ký CDĐL vì thấy khá rắc rối về thủ tục, trong khi hiệu quả thực tế mà CDĐL mang lại không cao. "Tỉnh Bình Phước cần đơn giản hóa thủ tục hành chính về CDĐL cho các doanh nghiệp dễ dàng tham gia" - ông Sơn đề nghị.

Theo bà Bùi Thị Minh Thúy, việc duy trì và phát triển CDĐL hạt điều Bình Phước vẫn là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững ngành điều. Ngành khoa học công nghệ sẽ phối hợp các đơn vị liên quan mở rộng phạm vi bảo hộ CDĐL, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý CDĐL gắn với đăng ký mã số vùng trồng; tăng cường xúc tiến thương mại để đưa CDĐL hạt điều Bình Phước thành một dấu hiệu được người tiêu dùng lựa chọn. 

"Tất cả các nhiệm vụ và giải pháp nhằm hướng đến mục đích cuối cùng là mang lại thu nhập tốt nhất cho người trồng điều để họ gắn bó lâu dài với cây điều" - bà Thúy nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem