Những ngày đầu của tháng 7, giá cao su trên Sàn Giao dịch Hàng hoá Osaka (OSE, Nhật Bản) và Sàn Giao dịch Hàng hoá Thượng Hải (SHFE, Trung Quốc) đã bật tăng mạnh khi giá dầu thô thế giới tiến về mốc 88 USD/thùng và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất. OSE và SHFE hiện là hai sàn giao dịch chính của thị trường cao su kỳ hạn ở khu vực châu Á.
Tính chung cả tháng 6 vừa qua, giá cao su RSS3 trên sàn OSE đã tăng trung bình 7,4%, đạt 342,81 Yên/kg. Trên sàn SHFE, giá cao su tăng trung bình hơn 3%, đạt 15.041 Nhân dân tệ/kg.
giá mủ cao su tại Việt Nam đồng pha với đà tăng của giá cao su thế giới. Sau khi bật tăng mạnh trong tháng 5/2024, giá mủ nước và giá mủ chén tiếp tục tăng thêm trong tháng 6/2024, xác lập tháng tăng giá thứ 5 liên tiếp. Giá mủ nước trung bình trong tháng 6/2024 tăng 22 đồng/độ (+5,98%) so với tháng trước, đạt 399 đồng/đô. Trong khi đó, tính bình quân tháng 6/2024, giá mủ chén đạt 19.150 đồng/kg, tăng 945 đồng/kg (+5,19%) so với tháng 5/2024.
Trên thị trường xuất khẩu, dữ liệu sơ bộ cho thấy, tính đến tháng 6/2024 giá cao su xuất khẩu đã tăng tháng thứ 9 liên tiếp với mức tăng từ 2 - 4%/tháng.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR) cho biết, giá cao su trung bình trong 5 tháng đầu năm 2024 của tập đoàn ước đạt 38,4 triệu đồng/tấn, tăng 6 triệu đồng/tấn tương ứng tăng gần 17% so với mức trung bình cả năm 2023.
Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trên toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2028 với mức thiếu hụt rơi vào khoảng 600 - 800.000 tấn/năm.
Động lực chính giúp giá cao su trong nước bứt phá trong thời gian gần đây chủ yếu từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên, đặc biệt là từ hai quốc gia Thái Lan và Indonesia vốn có sản lượng mủ cao su chiếm 51% tổng sản lượng mủ toàn cầu.
Ngoài ra, nhu cầu phát triển lĩnh vực công nghiệp ô tô từ Trung Quốc đang hồi phục mạnh mẽ từ sau dịch Covid-19. Cùng đó, việc giá dầu thô neo cao đã giúp giá cao su tự nhiên tăng cao.
Với các diễn biến thị trường hiện nay, nhiều tổ chức tài chính đánh giá kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp cao su sẽ tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, bất ngờ khá lớn là lợi nhuận Công ty mẹ CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) vừa công bố cho thấy giảm 77% trong quý II.
Theo báo cáo tài chính riêng quý II/2024 công bố ngày 10/7, lợi nhuận ròng của PHR đạt hơn 19 tỷ đồng, giảm mạnh 77% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận của PHR sụt giảm mặc dù doanh thu vẫn tăng (đạt 186 tỷ đồng, tăng 10%) là do trong quý II năm ngoái, công ty có khoản thu nhập khác gần 70 tỷ đồng. Đây là khoản thu nhập đến từ nhượng bán, thanh lý tài sản cố định, lợi nhuận bán đất Khu công nghiệp VSIP III.
Nếu chỉ xét hoạt động kinh doanh cốt lõi, lợi nhuận gộp của PHR là 21 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp 11,2%, cải thiện hơn cùng kỳ là 6,9%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, PHR mang về 455 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với cùng kỳ; lợi nhuận ròng đạt 29 tỷ đồng, giảm 89%. Biên lợi nhuận gộp đạt 9,6%, tăng 3,1%.
Trước đó, trong quý I/2024, Cao su Phước Hòa ghi nhận với doanh thu thuần 323,4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 78,4 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ.
Năm 2024, CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) đặt kế hoạch doanh thu 1.455 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 245 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 47% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sau 6 tháng đầu năm, công ty mới thực hiện được 15% mục tiêu lợi nhuận.
Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của công ty đạt 3.103 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Lượng tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh 68% xuống con vỏn vẹn 38 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hàng tồn kho cũng giảm 37% xuống 137 tỷ đồng.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Cao su Phước Hòa là khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết với 1.360 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6, đơn vị có 6 công ty con, 2 công ty liên kết.
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả tính đến cuối quý II cũng giảm mạnh 51% xuống còn 210 tỷ đồng, trong đó nợ vay giảm hơn một nửa so với đầu năm, còn 30 tỷ đồng.
CTCP Cao su Phước Hòa là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, tập trung 2 lĩnh vực kinh doanh chính là cao su và khu công nghiệp.
Hiện, Cao su Phước Hòa là một trong 5 công ty có diện tích đất cao su lớn trong ngành, tổng quy mô khoảng 15.277ha. Doanh nghiệp chính thức niêm yết trên sàn HSX từ năm 2009.
Trái với Phước Hòa, nhiều doanh nghiệp cao su khác lại có tăng trưởng tích cực, đặc biệt là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR) và Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (mã cổ phiếu DPR).
Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hiện là doanh nghiệp cao su lớn nhất cả nước với tổng diện tích trồng 370.000 ha. Cao su vẫn là mảng đem lại nhiều lợi nhuận nhất khi đóng góp khoảng 60% tổng lợi nhuận năm ngoái.
Doanh thu từ mủ cao su trong quý I/2024 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2023, lên gần 3.400 tỷ đồng. Động lực tăng đến từ Trung Quốc (thị trường chiếm 80% lượng xuất khẩu của tập đoàn) đang gia tăng nhập khẩu cao su để mở rộng sản xuất ô tô điện.
Do đặc tính cây trồng nên việc khai thác cao su diễn ra mạnh mẽ từ tháng 3 đến tháng 12 hàng năm, do đó quý II trở đi mới là thời điểm sản lượng của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đạt đỉnh. Dự kiến doanh thu mảng cao su năm 2024 của tập đoàn này có thể tăng 15% so với năm 2023.
Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú cũng là một trong những doanh nghiệp cao su thiên nhiên lớn trong cả nước với tổng quỹ đất đến 16.000 ha tại các tỉnh Bình Phước, Đăk Nông và Campuchia. Mảng cao su chiếm tới 74% nguồn thu của doanh nghiệp này trong năm ngoái.
Trong quý I/2024, giá bán cao su của doanh nghiệp đã tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trung bình 40,9 triệu đồng/tấn. Qua đó, biên lợi nhuận gộp mảng cao su đã tăng gần gấp đôi lên mức 25,7%.
Cao su Đồng Phú thận trọng nhận định giá bán cao su trung bình cả năm nay sẽ đạt 36,5 triệu đồng/tấn, tăng 5,5% so với năm 2023.
Đáng chú ý, hiện có đến 41% diện tích cao su của Cao su Đồng Phú đang trong giai đoạn thu hoạch cao điểm và các đồn điền tái thiết giai đoạn 2013 - 2020 cũng sắp bước vào giai đoạn thu hoạch.
Trong tháng 6 vừa qua, Cao su Đồng Phú đã nhận tiền đền bù khoảng 40 tỷ đồng từ dự án Tiến Hưng 2 và dự kiến sẽ ghi nhận luôn vào kết quả kinh doanh quý II/2024.
DPR (Cao su Đồng Phú) được dự báo lợi nhuận trước thuế quý II/2024 đạt 132 tỷ đồng (tăng 169% so với cùng kỳ) chủ yếu từ giá cao su tăng 21% và nhận tiền đền bù đất trên cây cao su.
DPR được đánh giá cao nhờ tình hình tài chính lành mạnh khi hiện có 1.610 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền (chiếm 37,7% tổng tài sản). Công ty cũng không có nợ vay ngắn hạn và dài hạn. Do đó, nhiều nhận định cho rằng DPR sẽ tiếp tục duy trì mức cổ tức tiền mặt 15-30% trong giai đoạn 2024-2025.