Dân Việt

Công an Lâm Đồng "lấy cần cù, bù tài năng" khi truy quét tội phạm tín dụng đen

Văn Long 12/07/2024 19:03 GMT+7
Vì những phần mềm truy quét hoạt động tín dụng đen trên không gian mạng phải mua từ nước ngoài, chi phí hàng chục tỷ đồng nên Công an tỉnh Lâm Đồng phải làm việc với phương châm "lấy cần cù, bù tài năng".

Sáng ngày 12/7, HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tiếp tục thực hiện chương trình của Kỳ họp thứ 16. Tại kỳ họp, đại biểu HĐND tại huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) phản ánh, hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi đang diễn biến rất phức tạp, không chỉ diễn ra ở các đô thị mà còn len lỏi vào các buôn làng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Trả lời chất vấn của đại biểu, đại tá Trương Minh Đương – Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, công an địa phương đã khởi tố 15 vụ, 21 đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng đen, nhiều hơn 9 vụ so với năm 2023.

Công an Lâm Đồng "lấy cần cù, bù tài năng" khi truy quét tội phạm tín dụng đen- Ảnh 1.

Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng trả lời chất vấn liên quan đến tội phạm tín dụng đen trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, tại Lâm Đồng, không có tổ chức tín dụng, các công ty hoạt động tín dụng đen núp bóng. Chủ yếu là các đối tượng từ nơi khác đến, đến địa phương móc nối với các đối tượng hình sự tại địa phương để thực hiện hoạt động tín dụng đen. Lãi suất cho vay nặng lãi dao động từ 365% thậm chí đến 800% một năm

"Việc giao dịch mượn tiền trong tín dụng đen đều thực dưới dạng giao dịch ngầm. Cả người vay và người cho vay đều không muốn tiết lộ cho nhiều người biết. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân như uy tín gia đình, lo sợ bị đe dọa...Vì vậy, nhiều trường hợp người dân không dám tố cáo hành vi của các đối tượng cho vay.

Có những trường hợp cả người vay và người cho vay kết hợp với nhau để đối phó với cả lực lượng công an. Vì vậy, việc điều tra càng trở nên khó khăn trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ. Việc xử lý vấn đề này cũng rất cân nhắc, có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân của người đi vay", đại tá Trương Minh Đương nói.

Công an Lâm Đồng "lấy cần cù, bù tài năng" khi truy quét tội phạm tín dụng đen- Ảnh 2.

Một nhóm đối tượng liên quan đến các hoạt động cho vay tín dụng đen trên địa bàn TP.Đà Lạt bị Công an tỉnh Lâm Đồng bắt giữ vào năm 2023.

Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, hiện nay, các phần mềm truy quét hoạt động tín dụng đen đều do nước ngoài sản xuất, phải mua từ nước ngoài. Vì vậy, việc truy tìm các đối tượng cho vay nặng lãi là rất khó khăn. Công an tỉnh Lâm Đồng chỉ có cách duy nhất là động viên tinh thần của lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao là "lấy cần cù, bù tài năng", "làm ngày, làm đêm", truy quét trên mạng liên tục dù có "sợi chỉ mỏng manh" cũng phải cố gắng thu thập tài liệu để xử lý cho được loại tội phạm này.

"Công an tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung tham mưu các cấp ủy, chính quyền các cấp huy động hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng ngừa xã hội, như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan tín dụng đen. Có các chính sách an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động và triển khai các giải pháp tín dụng dễ dàng để hỗ trợ cho người có nhu cầu cần vay vốn. 

Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa nghiệp vụ, chủ động nâng cao công tác nắm tình hình, phát hiện các vấn đề liên quan tín dụng đen. Rà soát, lập danh sách đưa vào diện theo dõi, quản lý các đối tượng, các công ty tài chính, tín dụng, cho vay trực tuyến trên điện thoại để có các biện pháp quản lý...", Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết.