Vườn lê VH6 được trồng, chăm sóc bài bản theo đúng quy trình kỹ thuật của anh Tráng Seo Khúa nằm ngay dọc đường tỉnh lộ 159.
Tại đây, chúng tôi được chứng kiến những quả lê được bọc bằng túi đang chín mọng nước, gia đình anh Khúa đang tranh thủ thời gian để thu hái những quả lê cuối vụ.
Anh Tráng Seo Khúa, thôn Hoàng Hạ, xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, kể: Sau khi học hết THPT vì điều kiện gia đình khó khăn nên tôi nghỉ ở nhà phụ giúp bố, mẹ làm nương rẫy rồi lập gia đình.
Trước đây, thu nhập của gia đình tôi chỉ phụ thuộc vào trồng ngô thôi nhưng năng suất thấp, hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Bởi vậy, ở vùng quê khó khăn này cái nghèo vẫn cứ mãi đeo bám.
Năm 2013, trong một lần đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại Trại Nghiên cứu và Sản xuất rau quả Bắc Hà, nhận thấy loại cây lê VH6 phát triển tốt, phù hợp với khí hậu mát lạnh ở vùng cao nguyên trắng Bắc Hà.
Do vậy, anh Khúa đã mang 400 gốc lê VH6 về trồng trên nương thay thế cây ngô. Sau khoảng 5 năm trồng, chăm sóc, vườn lê đã cho những trái ngọt đầu tiên.
Tuy nhiên, thời điểm đó anh Khúa mới tiếp cận loại cây trồng này nên còn thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc,vườn lê cho hiệu quả chưa được như ý muốn.
Dù đã có những lúc thất bại nhưng anh Khúa vẫn quyết tâm đi học hỏi kỹ thuật chăm sóc, bón phân... tại Trại Nghiên cứu và Sản xuất rau quả Bắc Hà và một số địa phương khác. Từ đó, về áp dụng vào thực tiễn tại vườn của gia đình.
Nhờ vậy, anh Khúa đã biết trồng lê đúng khoảng cách, bón phân, tỉa cành đúng thời vụ để vừa giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, vừa giữ quả cho cây.
Bên cạnh đó, cây lê VH6 khi ra quả có nhiều côn trùng đốt quả, anh Khúa đã mua túi về để bọc từng quả trên cây, giúp quả chất lượng ngon hơn, không bị thối...
Sau nhiều năm nhân rộng diện tích, đến nay, gia đình anh Khúa có 3.500 gốc lê VH6, trong đó, có 400 gốc đã cho thu hoạch.
Nếu như vụ năm 2023, gia đình anh Khúa thu được gần 90 triệu đồng từ bán quả lê thì vụ năm nay, anh Khúa đã thu về khoảng 150 triệu đồng từ bán quả lê, dự kiến hết vụ sẽ bán được khoảng 2-3 tấn quả nữa.
Theo anh Khúa, năm nay, quả lê của gia đình anh bán được giá cao hơn, tuỳ thuộc vào từng loại quả. Loại 1 (2-3 quả/kg), giá 70 – 90 nghìn đồng/kg; loại 2 (4-5 quả/kg), bán với giá 50 nghìn đồng/kg và loại thấp nhất (6-7 quả/kg) là 20 nghìn đồng/kg. Hiện đầu ra cơ bản ổn định, bởi số lượng quả cũng chưa nhiều.
Được biết, mô hình trồng lê VH6 của gia đình anh Tráng Seo Khúa, thôn Hoàng Hạ, xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà hiện đang được sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để trừ sâu, bệnh hại quả, tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng.
Quả lê được bọc bằng túi chuyên dụng từ khi có đường kính 3-5cm, khoảng sau khi đậu quả 40-50 ngày.
Do đó, quả lê có mẫu mã đẹp và không bị sâu bệnh phá hoại, không bị ruồi đục quả. Đồng thời, được cấp mã số truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
Không chỉ trồng lê bán quả, anh Tráng Seo Khúa còn dựng một số chòi bằng gỗ để cho du khách, người dân đến tham quan, trải nghiệm hái quả lê tại vườn; tạo không gian check- in cho mọi người đến cao nguyên trắng Bắc Hà mỗi khi vào mùa hoa lê nở rộ trắng xoá...
Đánh giá về mô hình lê VH6 trên địa bàn xã, ông Trần Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, cho biết: Hiện nay, mô hình trồng lê của gia đình Tráng Seo Khúa cũng như nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã đang từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các lọại cây trồng khác.
Nhận thấy cây lê VH6 bén rễ ở vùng đất nơi đây có tín hiệu lạc quan, UBND xã Hoàng Thu Phố đã xây dựng kế hoạch trình UBND huyện Bắc Hà để nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả ôn đới.
Đến nay, có 100 hộ dân đã tham gia thành lập Tổ hợp tác để trồng cây lê VH6, với diện tích 170 ha. Đây được xem là một trong những cây trồng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân.
Chia tay anh Tráng Seo Khúa, thôn Hoàng Hạ, xã Hoàng Thu Phố khi mặt trời đã khuất dần sau núi, sau lưng anh gùi đầy những quả lê chín ngọt, với những giọt mồ hôi chắt ra từ sự chịu thương, chịu khó, không quản ngại khó khăn ấy đã tô vẽ nên bức tranh tươi mới cho vùng quê này.