Một khu rừng ở Lào Cai thấy la liệt cây cổ thụ tuổi thọ hàng trăm năm, có cây đã 1.000 tuổi?

Mùa Xuân Thứ tư, ngày 15/05/2024 05:54 AM (GMT+7)
Thôn Sín Chải, xã Nậm Chảy, huyện biên giới Mường Khương, tỉnh Lào Cai có một khu rừng nguyên sinh. Trong khu rừng này vẫn còn hàng trăm cây cổ thụ quý hiếm. Đó là những cây nghiến cổ thụ có tuổi đời trăm năm, thậm chí có cây nghiến đã 1.000 năm tuổi, được chính quyền và người dân bảo vệ nghiêm ngặt.
Bình luận 0

Clip: Chỉ trong phạm vi khu rừng nguyê sinh ở một thôn của vùng biên giới Lào Cai mà tới nay vẫn còn tồn tại la liệt cây cổ thụ. Đó là những cây nghiến cổ thụ, khổng lồ có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi, thậm chí dân cho rằng có cây cổ thụ thọ 1.000 năm tuổi.

Những cây cổ thụ-cây nghiến khổng lồ nơi biên cương

Được cán bộ xã Nậm Chảy dẫn đi thăm rừng nghiến cổ thụ, từ trung tâm xã Nậm Chảy men theo con đường bê tông hoá khang trang vào thôn Sín Chải khoảng 3km, chúng tôi được mục sở thị những cây gỗ nghiến cao, to khổng lồ. 

Đây là cánh rừng gỗ nghiến nguyên sinh quý hiếm được bà con trong thôn bảo tồn nguyên vẹn trên một núi đá vôi gồ ghề.

Đi sâu vào trong rừng càng hiện lên những cây nghiến to cao đến hàng chục mét, thân cây khổng lồ được ví như "kho vàng" bám chặt vào những vách đá tai mèo lởm chởm. 

Trải qua hàng trăm năm thẩm thấu nắng mưa, những cây nghiến vỏ xù xì đầy rêu mốc, rễ luồng lách qua từng kẽ đá đâm sâu vào lòng đất như để minh chứng cho sức sống bền bỉ, cứng cáp. Có những cây to đến mức cả 4-5 ôm không xuể.

Một khu rừng ở Lào Cai thấy la liệt cây cổ thụ tuổi thọ hàng trăm năm, có cây đã 1.000 tuổi?- Ảnh 1.

Những cây nghiến ở thôn Sín Chải, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Mang câu chuyện những cây gỗ nghiến về thôn, bà Ma Seo Páo, năm nay đã hơn 80 tuổi, thôn Sín Chải, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương (Lào Cai), chia sẻ: Chẳng còn ai nhớ cây nghiến đã có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ đời này qua đời khác, cây nghiến đã ở đó, che chở, gắn bó cho bao nhiêu thế hệ con cháu khôn lớn và trưởng thành.

Một khu rừng ở Lào Cai thấy la liệt cây cổ thụ tuổi thọ hàng trăm năm, có cây đã 1.000 tuổi?- Ảnh 2.

Những cây nghiến luôn được người dân bảo vệ nghiêm ngặt như kho báu. Ảnh: Mùa Xuân.

"Khi đang ở tuổi đôi mươi tôi vào thôn này lập gia đình đã thấy những cây gỗ nghiến cao to, sừng sững ở trong thôn rồi. Rừng nghiến này luôn được bà con nhân dân trong thôn bảo vệ tốt, không cho người dân hay người lạ vào chặt phá dù chỉ những cành bé để làm củi đốt" - bà Páo tâm sự.

Một khu rừng ở Lào Cai thấy la liệt cây cổ thụ tuổi thọ hàng trăm năm, có cây đã 1.000 tuổi?- Ảnh 3.

Cán bộ xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương (Lào Cai) thực hiện đo đường kính gốc cây nghiến tại thôn Sín Chải. Ảnh: Mùa Xuân.

Một khu rừng ở Lào Cai thấy la liệt cây cổ thụ tuổi thọ hàng trăm năm, có cây đã 1.000 tuổi?- Ảnh 4.

Gốc cây nghiến có đường kính 6m. Ảnh: Mùa Xuân.

Nói về cách nhận biết loài cây nghiến này, bà con trong thôn Sín Chải bảo rằng, cây nghiến thường dễ nhận biết hơn so với các loại cây gỗ khác. 

Với cây nghiến chỉ cần nhìn bằng mắt thường, như cây lớn lên trên các tảng đá, thân xù xì, lớp vỏ cây một năm sẽ thay vỏ một lần...

Rừng nghiến cổ được đưa vào khu rừng cấm để bảo vệ

Ông Ma Chiến Phúc, Bí Thư Đảng uỷ xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho biết: Rừng nghiến tại thôn Sín Chải là một trong những rừng nghiến duy nhất của xã và tồn tại hàng trăm năm đến hàng nghìn năm tuổi. 

Những năm qua, được sự chỉ đạo của các lực lượng chức năng cũng như huyện Mường Khương, khu rừng nghiến này đã được đưa vào khu rừng cấm, bảo vệ nghiêm ngặt.

Theo ông Phúc, hiện xã đã giao cho Ban quản lý thôn Sín Chải cũng như các hộ dân trong thôn có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ. Đối với những cây bị đổ xã đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng tuyên truyền cho người dân không khai thác, buôn bán, vận chuyển loại gỗ quý này.

Đặc biệt, để nâng cao nhận thức trách nhiệm trông coi, bảo vệ rừng nghiến tại thôn Sín Chải, hằng năm cấp uỷ, chính quyền địa phương đã cùng bà con nhân dân trong thôn tổ chức lễ cúng rừng cầu mong thần rừng phù hộ cho một năm mới mưa thuận gió hoà, để mọi người có sức khoẻ dồi dào, cửa nhà êm ấm, làm ăn phát đạt. Bên cạnh đó, người dân cũng tuyên truyền, bảo ban nhau bảo vệ và phát triển rừng ngày càng tươi tốt.

Một khu rừng ở Lào Cai thấy la liệt cây cổ thụ tuổi thọ hàng trăm năm, có cây đã 1.000 tuổi?- Ảnh 5.

Cây nghiến cao hàng chục mét ở thôn Sín Chải, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Một khu rừng ở Lào Cai thấy la liệt cây cổ thụ tuổi thọ hàng trăm năm, có cây đã 1.000 tuổi?- Ảnh 6.

Cây nghiến sẽ thay vỏ một năm một lần để cây tươi tốt. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Giàng Sín Xài, Trưởng thôn Sín Chải, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương (Lào Cai) thông tin: Thôn Sín Chải hiện có 51 hộ dân, gồm dân tộc Nùng, Mông, Thu Lao, Bố Y cùng sinh sống. 

Đối với khu rừng nghiến cổ thụ này đã được đưa vào khu rừng cấm 7 năm nay và bà con trong thôn hằng năm đều tổ chức lễ cúng rừng. Trong những năm qua, khu rừng nghiến quý hiếm này luôn được bà con bảo vệ tốt, nghiêm cấm tuyệt đối bà con vào khai thác các loại lâm sản trái phép.

Theo thông tin từ Hạt kiểm Lâm huyện Mường Khương, hiện nay tại thôn Sín Chải vẫn còn 108 cây gỗ nghiến, với diện tích trên 16 ha. Gỗ nghiến thuộc nhóm IIA quý hiếm, là loại gỗ tốt, có tính cơ học cao, dai, bền, không vân, không mối mọt.

Một khu rừng ở Lào Cai thấy la liệt cây cổ thụ tuổi thọ hàng trăm năm, có cây đã 1.000 tuổi?- Ảnh 7.

Phía xa giáp ranh những mái nhà fibroxi măng chính là rừng nghiến xanh bạt ngàn thôn Sín Chải, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Xã Nậm Chảy là xã vùng cao của huyện Mường Khương, cách trung tâm huyện khoảng 8 km về phía Tây Nam. Tổng diện tích tự nhiên trên địa bàn xã hơn 4.780 ha, trong đó, diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp là hơn 3.526 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 53%.

Xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, trưởng thôn tập trung triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR trên địa bàn xã; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng, các ban, ngành và các xã giáp ranh. 

Đồng thời để quản lý và bảo vệ rừng được giao khoán, các thôn thành lập các nhóm bảo vệ rừng. Mỗi nhóm từ 5-10 người khỏe mạnh trong thôn chịu trách nhiệm luân phiên tuần tra trên diện tích rừng đã được giao quản lý. 

Mặc cho những thăng trầm của thời gian, những cây nghiến hàng trăm, hàng nghìn năm tuổi vẫn được bà con nhân dân quý như báu vật. Tin rằng, tương lai không xa những cây gỗ nghiến này sẽ trở thành sản phẩm du lịch nơi vùng biên cương xa xôi của Mường Khương (Lào Cai), góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem