Vùng trồng rau ngót rộng lớn ở xã Đại Đức (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.
Vùng sản xuất rau màu tập trung ở xã Đại Đức nổi bật với màu xanh mướt của bạt ngàn ruộng trồng rau ngót.
Cũng là rau ăn lá nhưng đây là cây trồng lâu năm và cho thu hoạch quanh năm, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều nông dân. Đây cũng là vùng chuyên canh rau ngót duy nhất ở Hải Dương.
Bà Đỗ Thị Hường ở thôn Lộng Khê là một trong những hộ đầu tiên trồng rau ngót với diện tích lớn. Ban đầu, bà chỉ trồng ở vườn nhà để phục vụ nhu cầu của gia đình nhưng sau đó đã mở rộng dần ra ruộng.
Hiện gia đình bà có 8 sào chuyên canh rau ngót.
Bà Hường cho biết, trồng rau ngót rất đơn giản, chi phí thấp mà không mất nhiều công chăm sóc. Rau giống cắt từ những cây đã trưởng thành sau đó cắm cành xuống ruộng, 2 -3 năm sau mới phải trồng lại.
Thời điểm này, rau ngót chỉ bán 2.000 – 2.500 đồng/mớ nhưng cũng có thời điểm loại rau này bán được giá 8.000 – 9.000 đồng/mớ.
Cứ 15 – 20 ngày, rau lại cho thu hoạch một lứa. "Năm ngoái, chúng tôi thu lãi từ 15 – 20 triệu đồng/sào. Ngoài giá trị kinh tế ổn định, ưu điểm lớn nhất của rau ngót là không chịu áp lực thời vụ, lúc nào bận rộn có thể lùi thời điểm thu hoạch”, bà Hường nói.
Với giá 2.500 đồng/mớ như hiện nay thì bà con thu lãi khoảng 2 triệu đồng/sào/đợt. Vào mùa mưa bão hay thời tiết nắng nóng, nguồn rau khan hiếm, giá rau ngót tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với hiện tại.
Thêm vào đó, việc tiêu thụ rất thuận lợi vì tư thương đến tận ruộng để thu mua. Rau ngót trồng một lần có thể thu hoạch trong vài năm, mỗi năm thu hái từ 12 – 15 đợt.
Đại Đức là xã thuần nông nên việc lựa chọn cây trồng chủ lực để phát triển là điều hết sức quan trọng. Trước đây, Đại Đức là một trong những vùng chuyên canh ớt của tỉnh Hải Dương.
Sau đó cây ớt cho thu nhập bấp bênh nên người dân chuyển dần sang trồng rau ngót.
Đến nay, vùng trồng rau ngót của xã đã rộng lớn tới 10 ha với khoảng 70 hộ trồng. Đây là vùng trồng rau ngót tập trung lớn duy nhất của tỉnh, chiếm tới gần 80% diện tích rau màu của xã.
Cây rau ngót ít sâu bệnh nên nông dân trồng rau ngót ở xã Đại Đức, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương hạn chế phun thuốc.
Do phù hợp với đồng đất nên cây rau ngót sinh trưởng phát triển tốt, chi phí đầu tư ít. Nông dân chỉ cần tập trung bón thúc cho cây vào sau mỗi đợt thu hoạch. Cây rau ngót ít sâu bệnh nên hạn chế việc phải phun thuốc.
Trước đây, người dân thường sản xuất theo kinh nghiệm. Sau khi được tuyên truyền, tập huấn, biết được tác hại của phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật nên các hộ chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật đối với một số sâu bệnh nặng, tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly để sản phẩm bảo đảm sạch, an toàn.
Chủ động từ khâu chọn giống, chăm sóc, bón phân, theo dõi từng giai đoạn phát triển của cây rau ngót là những yếu tố quyết định giúp sản phẩm luôn bảo đảm chất lượng.
Clip: Xanh mướt vùng trồng rau ngót xã Đại Đức, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Rau ngót được thương lái tới thu mua tận ruộng và chở đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố. Đầu năm 2023, vùng rau ngót của xã Đại Đức đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng.
Ông Vũ Văn Hăng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Đại Đức (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) chia sẻ: “So với các loại cây trồng khác thì cây rau ngót mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao, có giá cả và đầu ra ổn định. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi ha rau ngót cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Chính từ hiệu quả của loại cây trồng này mang lại nên khoảng 5 năm nay, diện tích trồng rau ngót ngày càng được mở rộng. Rau ngót đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực của người dân trong vùng”.