Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hải Dương là vùng đất có nhiều trò chơi dân gian truyền thống, được người dân giữ gìn và ngày càng phát triển, lan tỏa rộng rãi. Thế nhưng đến nay mới chỉ có pháo đất ở xã Nghĩa An (Ninh Giang) được nâng tầm là sản phẩm OCOP đặc thù của địa phương.
Trò chơi pháo đất ở Nghĩa An có từ bao giờ đến nay không có tài liệu nào ghi chép lại, song có 3 giả thuyết về nguồn gốc.
Trước hết, pháo đất ra đời do tín ngưỡng của cư dân trồng lúa nước. Người dân mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt nên đã tạo ra tiếng pháo thay cho lời cầu khấn kêu lên đấng tối cao.
Thứ hai, vào thời Hai Bà Trưng, để đánh nghi binh và uy hiếp tinh thần giặc, 2 bà đã cho đục thân cây to rồi nhét vào đó những mũi tên khổng lồ, cùng với việc gieo pháo tạo ra tiếng nổ ầm ầm giả như quân ta có sự trợ giúp của thần thánh làm cho giặc run sợ.
Giả thuyết cuối đó là trong cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông năm 1288, voi của Trần Hưng Đạo bị sa lầy trong trận Bạch Đằng, nhân dân dùng đất ném xuống cho voi thoát lên. Trong khi ném tạo ra những tiếng nổ và từ đó hình thành nên pháo đất.
Từ bao thế hệ, pháo đất là trò chơi không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Nghĩa An. Tất cả các thôn trong xã đều có người chơi được pháo đất, song thôn Trịnh Xuyên là cái nôi sản sinh ra nhiều pháo thủ tầm cỡ, đạt được kết quả cao trong các giải thi đấu.
Điểm khác biệt mà ít nơi chơi pháo đất có được là người Nghĩa An có thể gieo được pháo đại, trọng lượng từ 70 - 100 kg/quả.
Chị Đào Thị Mai Anh, cán bộ văn hóa, thông tin xã Nghĩa An cho biết: “Nhiều gia đình có mấy thế hệ nối tiếp nhau chơi pháo đất, trẻ em được ông cha truyền cho tình yêu ngay từ nhỏ, chị em, thậm chí các bà, các mẹ đã 60-70 tuổi cũng thích và tham gia chơi. Trò chơi này được người dân nơi đây mặc định trong tổ chức lễ hội đình làng”.
Là thành viên cứng của đội pháo đất xã Nghĩa An tham gia thi đấu nhiều giải trong tỉnh, ông Nguyễn Văn Ngữ ở thôn Trịnh Xuyên cho biết: “Gia đình tôi có nhiều người chơi pháo đất, giờ cả 2 bố con tôi cùng tham gia trong đội của xã. Tôi thấy trò này khá bổ ích, rèn luyện tính cẩn thận, tỉ mỉ và sức khỏe cho người chơi”.
Từ khi pháo đất được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là sản phẩm OCOP vào năm 2023, việc giữ gìn, phát triển trò chơi này được xã Nghĩa An chú trọng hơn.
“Nói như vậy không có nghĩa là trước đây chúng tôi không có ý thức giữ gìn mà giờ đây trò chơi pháo đất được tổ chức quy củ, nền nếp hơn”, anh Phạm Quang Điệp, thành viên đội pháo đất OCOP Nghĩa An khẳng định.
Việc đầu tiên là xã thành lập Đội pháo đất OCOP Nghĩa An, gồm 35 thành viên, đều là những người có kinh nghiệm và đạt thành tích cao trong các cuộc thi pháo đất của huyện, tỉnh. Đội có quy chế hoạt động, xây dựng nguồn quỹ, may đồng phục cho các thành viên. Trước khi thi đấu, đội đều dành thời gian luyện tập và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
Khâu nào trong chơi pháo đất cũng quan trọng, nếu một công đoạn không cẩn thận sẽ hỏng cả quả pháo. Trước đây, việc lấy đất làm pháo tự phát, người chơi có thể lấy ở bất kỳ đâu nên nhiều lúc không bảo đảm chất lượng.
Còn hiện nay, xã Nghĩa An đã quy hoạch 350 m2 ở khu vực Triều Sam thuộc thôn Trịnh Xuyên để chuyên lấy đất làm pháo. Đất ở đây được đánh giá đẹp như “gan gà” bởi độ mịn, không có sỏi. Xã cũng bố trí một người bảo vệ khu đất này tránh tình trạng người dân khai thác tự do.
Trong quá trình làm pháo đất, việc sơ chế, bảo quản đất là cả một nghệ thuật. Đất lấy về được loại bỏ hết tạp chất, bảo quản trong túi ni lông tránh không khí vào và vận chuyển đến nơi thi đấu. Khi sơ chế phải nhào nặn cho đất thật nhuyễn, mịn và có độ dẻo, kết dính nhất định, song không được quá mềm hoặc quá cứng.
Quả pháo làm ra có hình bầu dục, phải cân đối giữa đầu pháo, cuối pháo và mông pháo, ở giữa phải dày hơn hai bên. Tất cả các bộ phận của pháo đều được các thành viên trong đội chau chuốt tỉ mỉ, không được lơ là bất kỳ phần nào.
Khi mang pháo ra vị trí gieo cần phải có đội hỗ trợ, những người này phải hiểu được thói quen của nhau thì mới làm việc ăn ý. Người gieo pháo được lựa chọn cẩn thận, không chỉ nắm vững kỹ thuật mà còn phải có sức khỏe tốt bởi quả pháo rất nặng.
Lựa chọn bàn gieo pháo cũng được thành viên trong đội pháo đất OCOP Nghĩa An chú trọng. Khi tham gia thi đấu, các anh thường phải làm lại bàn gieo sao cho bằng phẳng để khi pháo gieo xuống thật kín. Người gieo pháo phải chọn tư thế đứng phù hợp, hai tay tì vào bụng đỡ pháo, chân đứng vuông góc với vai, khi gieo lực của chân dồn hết xuống gối. Quả pháo gieo thành công là ngoài tiếng nổ to thì manh pháo phải dài...
Một kinh nghiệm nữa của người chơi pháo đất ở Nghĩa An là đất làm pháo chỉ sử dụng tối đa 2 lần, sau đó bỏ đi. Bởi khi gieo xuống đất sẽ lẫn tạp chất và nhào lặn nhiều sẽ không còn độ kết dính cần thiết nữa.
Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP, Đội pháo đất OCOP Nghĩa An nhận được nhiều lời mời tham gia trình diễn tại các lễ hội hay giao lưu với các đội pháo khác trong và ngoài tỉnh nên càng được nhiều người biết đến. Để duy trì đội pháo đất, bên cạnh những người cao tuổi, đội cũng kết nạp thêm những người trẻ và dạy cho họ những kỹ thuật cơ bản.
Với sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương, chắc chắn trò chơi pháo đất Nghĩa An sẽ được gìn giữ, phát triển bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.