Dân Việt

NÓNG: Vùng áp thấp ở khu vực giữa Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới

An Nguyên 13/07/2024 17:35 GMT+7
Theo tin áp thấp nhiệt đới mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều tối nay (13/7), vùng áp thấp trên vùng biển phía Tây của khu vực giữa Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Hiện trạng áp thấp nhiệt đới

Hồi 16 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây của khu vực giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8; di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc với tốc độ 5-10km/h.

NÓNG: Vùng áp thấp ở khu vực giữa Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới- Ảnh 1.

Hiện trạng của vùng áp thấp nhiệt đới trên biển Đông (Ảnh: NCHMF)

Dự báo diễn biến áp thấp nhiệt đới (trong 24 đến 48 giờ tới)

Thời điểm dự báo

Hướng, tốc độ

Vị trí

Cường độ

Vùng nguy hiểm

Cấp độ rủi ro thiên tai (Khu vực chịu ảnh hưởng)

16h/14/7

Tây Bắc, khoảng 10 km/h

15,2 N-111,1E; trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa

6-7, giật 9

12,0N-17,0N; 109,5-115,0E

Cấp 3: Phía Tây của khu vực Giữa Biển Đông, phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông và vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi

16h/15/7

Tây Bắc, khoảng 10 km/h

16,7N-109,3E; trên vùng biển ngoài khơi từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi

7, giật 9

13,5N-18,0N; Phía Tây kinh tuyến 113,0E

Cấp 3: Phía Tây Bắc của khu vực Giữa Biển Đông, phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông và vùng biển ngoài khơi từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi

Cảnh báo diễn biến áp thấp nhiệt đới (từ 48 đến 72 giờ tới)

Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và suy yếu dần.

Dự báo tác động của áp thấp nhiệt đới:

Vùng biển phía Tây của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh.

Từ ngày 14/7, vùng biển ngoài khơi từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định gió mạnh lên cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh.

Vùng biển phía Tây của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) sóng biển cao 2,0-4,0m.

Từ ngày 14/7, vùng biển ngoài khơi từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sóng biển cao 1,5-3,0m.

Biển Đông có thể đón bão, áp thấp nhiệt đới những ngày tới

Trước đó, hệ thống Dự báo toàn cầu thuộc Trung tâm dự báo môi trường Hoa Kỳ (GFS) và Trung tâm Dự báo Thời tiết hạn vừa Châu Âu (ECMWF) đưa ra nhận định, trong khoảng cuối tuần này và đầu tuần tới, trên biển Đông có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới hoạt động.

NÓNG: Vùng áp thấp ở khu vực giữa Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới- Ảnh 2.

Biển Đông có thể đón 2 cơn bão những ngày tới.

Cụ thể, khoảng cuối tuần này (13-14/7), trên biển Đông có khả năng hình thành một dải hội tụ nhiệt đới. Trên dải hội tụ nhiệt đới này có thể hình thành nên xoáy thuận nhiệt đới (bão/áp thấp nhiệt đới) gây ảnh hưởng đến thời tiết miền Bắc, miền Trung nước ta.

Ngoài ra, khoảng cuối tuần này trên khu vực giữa Biển Đông có thể thiết lập một dải hội tụ nhiệt đới. Trên dải này khả năng cao sẽ hình thành các nhiễu động, có thể mạnh lên thành vùng áp thấp, áp thấp nhiệt đới hoặc bão. Những nhận định ban đầu cho thấy, xoáy thuận nhiệt đới này có thể ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh miền Bắc, miền Trung nước ta vào cuối tuần này và đầu tuần tới.

Các mô hình cũng nhận định, khu vực ngoài khơi Philippines trong những ngày tới có khả năng hình thành một xoáy thuận nhiệt đới, có thể di chuyển vào Biển Đông.