Chuyên gia khí tượng: Kịch bản nào cho áp thấp nhiệt đới sắp xuất hiện trên biển Đông?

An Nguyên Thứ bảy, ngày 22/06/2024 08:20 AM (GMT+7)
Chia sẻ với Dân Việt, chuyên gia Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia thông tin, khoảng ngày 23 - 24/6, trên biển Đông có khả năng hình thành vùng áp thấp và sau đó mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Bình luận 0

Kịch bản cho áp thấp nhiệt đới sắp xuất hiện trên biển Đông

Khoảng 23-24/6, trên biển Đông có thể xuất hiện một vùng áp thấp. Vùng áp thấp này có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với xác suất khoảng 65-75%, dự báo có thể ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam hoặc Trung Quốc.

Chuyên gia Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nói về tình hình vùng thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Nguồn: nchmf

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hiện nay, trên khu vực Bắc và giữa Biển Đông hình thành một rãnh áp thấp có trục Tây Bắc - Đông Nam.

"Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, khoảng ngày 23 - 24/6, rãnh áp thấp này có khả năng hình thành vùng áp thấp và mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với xác suất 65-75%. Vùng áp thấp khi mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới có khả năng có 2 hướng dịch chuyển là đi vào đất liền Trung Quốc, hoặc đi vào vịnh Bắc Bộ và khả năng ảnh hưởng đến đất liền của Việt Nam", ông Nguyễn Văn Hưởng nói.

Theo ông Hưởng, với diễn biến quy luật khí hậu giai đoạn này, áp thấp nhiệt đới có thể di chuyển theo hai hướng. Hướng thứ nhất, áp thấp nhiệt đới có khả năng đi vào đất liền Trung Quốc. Hướng thứ hai, áp thấp nhiệt đới có khả năng đi vào vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng đến đất liền nước ta.

Cũng theo ông Hưởng, sự xuất hiện của rãnh áp thấp làm thay đổi thời tiết miền Bắc trong những ngày tới.

Chuyên gia khí tượng: Kịch bản nào cho áp thấp nhiệt đới sắp xuất hiện trên biển Đông?- Ảnh 1.

Trên khu vực Bắc và giữa Biển Đông có khả năng hình thành một vùng áp thấp.

Do gió đông nam hoạt động tăng cường làm vùng áp thấp nóng phía Tây suy yếu nên nắng nóng ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ suy giảm dần. Từ ngày 22/6, nắng nóng dịu dần ở miền Bắc, từ 23/6, nắng nóng kết thúc. Ở miền Trung từ 23/6, đợt nắng nóng gay gắt nhiều ngày qua sẽ suy giảm đáng kể.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp và gió mùa tây nam hoạt động tăng cường nên khu vực giữa Biển Đông và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan trong những ngày tới có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8, đề phòng độ cao sóng có lúc tăng lên trên 2.5m.

Ngoài ra, hiện nay (22/6), ở khu vực Giữa Biển Đông và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển phía Đông Nam khu vực Bắc Biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan đang có mưa rào và dông.

Dự báo ngày và đêm 22/6, ở khu vực Giữa Biển Đông và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8, đề phòng độ cao sóng có lúc tăng lên trên 2.5m.

Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 1.5-3.0m.

Dự báo tác động: Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió giật mạnh và sóng lớn.

Từ nay đến tháng 9, có khả năng xuất hiện khoảng từ 5-7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định, từ nay đến tháng 9, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 5-7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền.

Mùa mưa bão năm nay cũng được nhận định sẽ rất phức tạp, cần đề phòng các cơn bão dị thường, trái quy luật cũng như các cơn bão/áp thấp nhiệt đới có khả năng hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.

Trước đó, chiều 30/5, vùng áp thấp trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, đến chiều ngày 31/5, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, là cơn bão đầu tiên trên khu vực Biển Đông trong năm 2024, có tên quốc tế là bão MALIKSI.

Để chủ động ứng phó, cũng trong ngày 21/6, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có công văn đề nghị ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến gió mạnh, sóng lớn trên biển và vùng áp thấp có khả năng hình thành trong những ngày tới.

Thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem