Một trong sáu người thiệt mạng là bà Sherine Chong, một phụ nữ Mỹ gốc Việt 56 tuổi, bị tình nghi là người thực hiện vụ đầu độc. Tuy nhiên cuộc điều tra đã phát hiện các tình tiết mới.
Báo Khaosod tiếng Anh của Thái ngày 18/7 cho biết, cảnh sát nước này đã thẩm vấn hướng dẫn viên người Việt Nam Phan Ngoc Vu, 35 tuổi, có quen biết bà Thi Nguyen Phung Lan, 47 tuổi, một trong những người thiệt mạng.
Anh này cho biết bà Phung Lan đã nhờ anh mua thuốc nọc rắn (được biết đến như một loại thuốc chữa đau khớp) với giá 11.000 baht. Sau đó, anh ta nhờ một người hướng dẫn khác có biệt danh là "người dẫn đường cho hổ" để mua. Cảnh sát hiện đang tìm kiếm hướng dẫn viên thứ hai này và kiểm tra đoạn phim từ camera an ninh.
Nguồn tin của báo Khaosod của Thái nói: "Nếu bà Thi Nguyen Phung Lan là người mua thuốc độc thì bà sẽ là một nghi phạm khác trong vụ đầu độc này".
Cảnh sát cũng đã thẩm vấn ông Hung, chồng bà Thi Nguyen Phung Lan trong 5 giờ đồng hồ. Ông Hung cho biết, ông sang Nhật Bản chỉ để du lịch, không liên quan đến kinh doanh.
Ông đã ly thân với bà Thi Nguyen Phung Lan, họ có con với nhau nhưng không sống cùng nhau. Ông không biết vợ cũ tham gia vào công việc kinh doanh gì. Tuy nhiên, trước khi vợ cũ qua đời, ông đã gọi điện video với bà.
Theo người thân, bà Sherine Chong, nghi phạm sử dụng chất độc xyanua đã nhờ bà Thi Nguyen Phung Lan làm môi giới để thuyết phục cặp vợ chồng bà Thi Nguyen Phuong và ông Hong Pham Thanh - một nhà thầu làm đường ở Việt Nam đầu tư 278.000 USD (khoảng 10 triệu baht Thái) xây dựng bệnh viện tại Nhật Bản.
Khi việc đầu tư không có tiến triển gì, cặp vợ chồng này bắt đầu liên tục yêu cầu bà Sherine Chong hoàn lại tiền cho họ. Ban đầu họ đồng ý gặp nhau ở Nhật Bản để giải quyết vấn đề, nhưng khi một người không xin được visa, họ đã đổi địa điểm gặp sang Thái Lan. Cặp đôi này cũng nằm trong số những người bị đầu độc chết.
Các nhân chứng cho biết, bà Sherine Chong thường tự giới thiệu mình là một nữ doanh nhân Mỹ đáng tin cậy trước giới doanh nghiệp Việt Nam và mời họ đầu tư cùng bà. Bà từng có tiền án bị trình báo cảnh sát San Francisco cách đây 10 năm về tội gian lận liên quan đến đơn xin nhập quốc tịch Hoa Kỳ, nhưng vụ việc không bị truy tố.
Theo AP, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller tại Washington đã gửi lời chia buồn tới gia đình những người thiệt mạng. Ông cho biết Mỹ đang theo dõi chặt chẽ tình hình và sẽ liên lạc với chính quyền địa phương.
Theo các thông tin trước đó, kết quả khám nghiệm tử thi sơ bộ của sáu thi thể được Bệnh viện Chulalongkorn ở Bangkok công bố vào ngày 17/7. Tiến sĩ Chanchai Sittipunt, trưởng khoa y tại Chulalongkorn, tuyên bố rằng sự hiện diện của xyanua đã cung cấp đủ bằng chứng để kết luận rằng nó có thể là nguyên nhân gây ra những trường hợp tử vong.
Trưởng khoa pháp y tại trường y thuộc Đại học Chulalongkorn, Tiến sĩ Kornkiat Vongpaisarnsin thông báo rằng chất xyanua được phát hiện trong máu của cả sáu cá nhân. Ngoài ra, quét CAT cho thấy không có dấu hiệu nào của chấn thương do lực tác động, hỗ trợ cho giả thuyết rằng ngộ độc là nguyên nhân gây tử vong.
Chất độc xyanua trước đây từng dính líu đến một vụ giết người hàng loạt gây chấn động xã hội Thái Lan vào năm 2023. Một nữ nghi phạm có biệt danh là "Am Cyanide" bị buộc tội giết ít nhất 14 người bằng cách tẩm xyanua vào thức ăn của họ. Từ năm 2015 đến 2023 xảy ra 15 vụ ngộ độc trên 8 tỉnh, làm 14 người chết và 1 người sống sót.
Sau vụ án "Am Cyanide", cảnh sát đã tiến hành một cuộc điều tra lớn về nguồn gốc của kali xyanua. Cuộc điều tra cho thấy xyanua được sử dụng trong những trường hợp này là PanReac từ Tây Ban Nha, được một trong 15 công ty Thái Lan nhập khẩu. Xyanua này có nồng độ 75%.
Cuộc điều tra này dẫn đến việc thẩm vấn 31 người đã đặt mua xyanua, trong đó có nữ diễn viên nổi tiếng Thái Lan Ice Preechaya. Cô đã đặt hàng trực tuyến xyanua với giá khoảng 3.000 baht để tiêu diệt những loài động vật có nọc độc xâm nhập vào nhà nhưng chưa mở gói hàng ra. Khi biết đó là chất cấm, cô đã giao nộp cho cảnh sát.