Nông dân chán nản bỏ cấy
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Cần - Giám đốc HTX Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) cho biết, so với các vùng trong huyện, xã Gia Lạc có phần bị ngập úng nhẹ hơn. Đến thời điểm hiện tại có khoảng 4ha lúa mới gieo sạ của người dân bị ngập úng, thiệt hại lên đến vài chục triệu đồng.
Tuy vậy, điều ông Cần lo ngại là sau khi lúa mùa bị thiên tai tàn phá, hàng chục hộ dân ở địa phương đã bỏ ruộng, tìm công việc khác để làm.
"Hiện nay, công việc sản xuất lúa của bà con rất vất vả, nhiều hộ chỉ giữ lại ít ruộng để cấy lấy lúa ăn. Tuy nhiên, nếu tình trạng mất mùa vẫn thường xuyên xảy ra thì bà con sẽ bỏ ruộng hết khiến tình trạng đất bỏ hoang ngày càng nhiều", ông Cần khẳng định.
Ông Cần cho biết thêm, chưa năm nào thời tiết thất thường và có nhiều mưa như vụ mùa năm nay, hiện tại có nhiều diện tích lúa mùa mới cấy, gieo sạ trên địa bàn huyện Gia Viễn bị thiệt hại rất nặng. Trong đó có xã Gia Thắng, Gia Tiến... có hàng trăm ha lúa mới gieo sạ bị ngập, hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng với thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.
"Mưa lớn kéo dài liên tục nên mọi công tác chống ngập úng đều bất lực, các tổ bơm hoạt động ngày đêm nhưng tại các đồng trũng nước ngập rất sâu nên bơm nước cũng không lại", ông Cần nói thêm.
Trò chuyện với phóng viên, ông Lê Hồng Quân, Giám HTX Thượng Hòa, xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) tỏ ra rất chán nản. Ông Quân cho biết, theo thời vụ, người dân chúng tôi bắt đầu xuống giống lúa từ 5/7. Đến 11/7, lúa mới gieo sạ đang lên đẹp gặp mưa lớn phủ đầu ngay khiến các ruộng ngập sâu.
"Địa phương đã tích cực vào cuộc huy động nhiều tổ bơm hoạt động hết công suất nhưng có ngày vừa bơm cạn đến đêm lại mưa ngay khiến mọi người trở tay không kịp. Đến giờ các máy bơm gần như vô tác dụng, càng bơm nước từ các khu dân cư, khu công nghiệp đổ về càng đầy, dâng cao hơn, người dân chán quá, không muốn ra đồng nữa", ông Quân bộc bạch.
Chưa thống kê hết thiệt hại
Ông Quân cho biết, tính đến thời điểm này, gần như toàn bộ diện tích lúa mùa mới gieo sạ của người dân tại địa phương khoảng trên 100ha có nguy cơ bị hư hỏng hết.
"Chúng tôi tính sơ bộ có khoảng 600 hộ dân bị ảnh hưởng trong đợt ngập úng với số tiền giống, phân... đã bỏ xuống ruộng, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Điều đáng nói là nhiều nông dân không còn lúa giống nên có nguy cơ phải dùng lúa ăn để ngâm, ủ, xuống giống mới kịp sản xuất. Nếu bà con không được hỗ trợ từ phía địa phương sẽ khó tái sản xuất trở lại", ông Quân nói thêm.
Để khôi phục lại sản xuất hiệu quả sau ngập úng, ông Quân đề nghị các cơ quan từ Trung ương đến địa phương sớm huy động nguồn lúa giống, phân bón chất lượng cao để hỗ trợ kịp thời cho người dân ổn định lại sản xuất.
"Nếu bà con không được hỗ trợ kịp thời sẽ dẫn đến tâm lý chán nản, bỏ ruộng", ông Quân nhận định.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Bảo Khương, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Bình cho biết, vụ mùa năm nay toàn tỉnh Thái Bình gieo cấy khoảng 75.000ha. Sau khi người dân xuống giống lại gặp mưa lớn kéo dài gây ngập úng cục bộ, tập trung chủ yếu tại các huyện Kiến Xương, Hưng Hà, Vũ Thư.
"Hiện, chúng tôi vẫn chưa thống kê được diện tích thiệt hại. Do diện tích gieo sạ xen kẽ với các diện tích lúa cấy, trong khi đó, diện tích ngập úng đa phần là lúa gieo sạ nên các địa phương chưa thống kê được chính xác. Trong khi các diện tích rau màu trên cạn không bị ảnh hưởng nhiều", ông Khương khẳng định.
Theo ông Khương, đến nay, tỉnh Thái Bình đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn vào cuộc quyết liệt để phòng chống ngập úng cho các diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
"Đến nay, chúng tôi vẫn đang duy trì 23 trạm bơm lớn qua đê hoạt động hết công suất. Hy vọng, thời tiết sẽ giảm mưa để mọi công việc ứng cứu lúa của địa phương diễn ra thuận lợi hơn", Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Bình thông tin thêm.