Theo hồ sơ vụ án, vào năm 1984, do mâu thuẫn, Trần Hồng Lưu đã dùng dao đâm chết người tại ấp Địch Trong, xã Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội.
Sau khi gây án Lưu đã bỏ trốn khỏi địa phương vào Long Khánh, Đồng Nai đổi tên thành Nguyễn Thành Ngọc (SN 1955, sinh sống tại tổ 18, ấp Bàu Trâm, xã Bàu Trâm, TP Long Khánh, Đồng Nai).
Bằng các biện pháp nghiệp vụ và qua công tác vận động, thuyết phục Trần Hồng Lưu đến cơ quan công an đầu thú khai nhận hành vi phạm của mình.
Hiện Phòng Cảnh sát hình sự Công an Đồng Nai đã bàn giao đối tượng Trần Hồng Lưu cho Cảnh sát hình sự Công an TP. Hà Nội để xử lý theo quy định.
Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật Hình sự quy định, khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, bên cạnh mục đích đặt ra yêu cầu đối với cơ quan tiến hành tố tụng về việc phải nhanh chóng điều tra, xử lý tội phạm, còn thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam đối với người phạm tội, ở chỗ coi trọng mục đích giáo dục, phòng ngừa chung hơn là trừng trị.
Căn cứ Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
Pháp luật hình sự Việt Nam từ khi áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1985 đến nay đều có quy định: Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính; thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ.
Tức, thời gian trốn truy nã không được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thời hiệu được tính lại kể từ khi người phạm tội ra tự thú hoặc bị bắt giữ.
Như vậy dù có trốn truy nã bao nhiêu năm thì thời hạn sẽ tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ nên vẫn có thể tiến hành điều tra, khởi tố, xét xử tiếp giai đoạn đang dang dở của vụ án theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, căn cứ Điều 28 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung quy định về không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật này đối với các tội phạm sau đây:
Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này.
Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này.
Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.
Như vậy, đối với các tội danh được quy định như trên sẽ không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết, đối tượng bỏ trốn và bị cơ quan công an có Lệnh truy nã thì căn cứ vào Quy định tại Khoản 3, Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định "người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ".
Như vậy, dù đã bỏ trốn 40 năm cũng sẽ phải tính lại thời hiệu từ đầu, nên đối tượng vẫn sẽ bị cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.