Chanh là một trong những sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân huyện Bến Lức và các vùng lân cận. Diện tích trồng chanh không hạt trên địa bàn tỉnh hơn 11.370ha, diện tích cho trái gần 10.200ha, trong đó huyện Bến Lức chiếm hơn 60%. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Bến Lức - Lê Văn Nam chia sẻ, huyện đã có nhiều nỗ lực thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững cây chanh không hạt. Một trong những kết quả nổi bật là việc đưa chanh không hạt trở thành cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân.
Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây chanh được huyện tập trung thực hiện. Đến nay, toàn huyện có 426ha chanh ứng dụng công nghệ cao (theo kế hoạch đến năm 2025 đạt 520ha). Hiện nay, vai trò liên kết giữa Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và DN ngày càng chặt chẽ, giúp nâng cao chất lượng, sản lượng chanh không hạt. Cây chanh không hạt đã trở thành cây trồng làm giàu cho nông dân. Chanh không hạt Long An bây giờ không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn chinh phục thị trường châu Âu, Trung Đông và cả thị trường châu Á, Bắc Mỹ.
Tại huyện Bến Lức, có rất nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia liên kết cùng nông dân để tạo ra sản phẩm chanh không hạt đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm như Nông trang Hải Âu, Công ty TNHH XNK Hoàng Kim Việt Nam - chi nhánh Long An, Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ (TFR), Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức,...
Theo Giám đốc Marketing của TFR - Nguyễn Thị Mỹ Hiệp, với hình thức kỹ sư cùng nông dân ra đồng, chanh không hạt trồng tại tỉnh Long An đạt các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP,... được xuất khẩu sang nhiều thị trường nước ngoài như châu Âu, Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản,... Chanh không hạt được người nước ngoài ưa chuộng, dùng trong chế biến món ăn, nước giải khát,...
Cũng theo ông Lê Văn Nam, ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng, sản lượng, DN tại huyện Bến Lức còn tập trung nhiều giải pháp để đưa chanh không hạt ra thị trường nước ngoài. Điển hình như HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức (xã Lương Hòa) đã cử người sang chợ đầu mối Dubai (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất - UAE, khu vực Trung Đông) để tìm hiểu, mở văn phòng và trực tiếp ký hợp đồng cung ứng chanh cho nhiều quốc gia khu vực Trung Đông. Điều này đã tạo bước đi ổn định, mang lại giá trị cao cho mặt hàng nông sản này.
Công việc chính của người được giao nhiệm vụ là mỗi sáng có mặt tại chợ đầu mối Dubai để cập nhật, thăm dò nhu cầu tiêu thụ nông sản của khu vực Trung Đông. Việc có mặt tại chợ giúp người này kịp thời nắm bắt thông tin, từ đó linh hoạt, chủ động thương lượng giá cả với đối tác rồi báo cáo về cho HTX. Việc HTX cử người sang Dubai đã làm cho việc xuất khẩu chanh không hạt suôn sẻ hơn. Ngoài chanh không hạt, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức còn dự tính xuất khẩu các nông phẩm khác như thanh long, ổi,... sang Dubai.
Tuy chanh không hạt trồng tại Long An có danh tiếng, chất lượng sản phẩm đã được thị trường trong và ngoài nước khẳng định nhưng việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho trái chanh không hạt trước đây vẫn chưa được thực hiện một cách bài bản.
Nhằm khai thác tiềm năng, nâng cao giá trị sản phẩm chanh không hạt Bến Lức - Long An, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ký hợp đồng với Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK để triển khai, thực hiện đề tài Tạo lập, quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Bến Lức - Long An” cho quả chanh không hạt, tỉnh Long An (gọi tắt là Đề tài) nhằm sử dụng công cụ chiến lược sở hữu trí tuệ để nâng cao danh tiếng, giá trị và vị thế sản phẩm chanh không hạt của tỉnh.
Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận CDĐL, nhãn hiệu chứng nhận “Bến Lức - Long An”. Theo Giám đốc Sở KH&CN - Nguyễn Minh Hải, một khi nông sản được cấp giấy chứng nhận CDĐL sẽ tạo nên giá trị rất lớn, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng và được xem như giấy thông hành để sản phẩm vươn tầm trong nước, quốc tế.
Thông tin từ Sở NNPTNT Long An, với hơn 11.370ha chanh đang được trồng trên địa bàn tỉnh, vùng nguyên liệu chanh đã hình thành 3.000ha sản xuất công nghệ cao với 165,5ha VietGAP và 220ha GlobalGAP. Trong đó, tỉnh đã có 41 mã số vùng trồng và 31 mã số cơ sở đóng gói. Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ là 1 trong 3 DN của tỉnh đủ điều kiện sử dụng CDĐL chanh không hạt Bến Lức - Long An.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hiệp cho rằng, việc chanh không hạt có CDĐL là động lực lớn cho DN và nông dân nhằm thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô thương mại. DN tin rằng, với giấy thông hành này, chanh không hạt Bến Lức - Long An có thêm một công cụ hữu hiệu để bảo hộ sản phẩm của tỉnh. DN cũng cam kết sẽ phát triển CDĐL, nâng cao hiệu quả công tác quản lý vùng trồng nhằm giữ vững chất lượng, uy tín ở thị trường trong và ngoài nước.
Theo Giám đốc Sở Công Thương - Huỳnh Văn Quang Hùng, tuy chanh không hạt được DN thu mua, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới nhưng thương hiệu chanh Long An hiện vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng đang có. Lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM tìm giải pháp xây dựng thương hiệu sản phẩm chanh Long An.
Mong muốn của lãnh đạo tỉnh là chanh trồng tại Long An phải được quảng bá rộng rãi, có đủ các giấy thông hành, khi người tiêu dùng dùng chanh sẽ nghĩ ngay đến “chanh Long An”. Qua đó, sản phẩm được xây dựng thương hiệu sẽ được nâng tầm vị thế, giá trị, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, chanh được tiêu thụ rộng rãi hơn, người trồng chanh có nguồn thu nhập cao và cây chanh phát triển bền vững trên đất Long An.
Ngành Công Thương và ngành Nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh các hoạt động dự báo về thị trường, liên kết với doanh nghiệp, xúc tiến thương mại để mở rộng tiêu thụ, nâng giá trị nông sản cũng như luôn tạo động lực mới để nông dân và DN đầu tư hiệu quả hơn cho sản xuất, phục vụ xuất khẩu.