Ông Nguyễn Cao Cường ở xã Phú Nghĩa (huyện Bù Gia Mập) kể, cây điều thường xuyên mất mùa do sâu bệnh, hạn hán.
Năm 2023, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng theo diện hộ cận nghèo. Từ đồng vốn này, ông đầu tư và áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác điều. Nhờ đó, cây trồng phát triển khỏe mạnh, không bị sâu bệnh.
Ngoài việc vay vốn sản xuất, ông tiếp tục vay để cải thiện môi trường. Bởi vì chủ quan trong vấn đề vệ sinh môi trường nên gia đình hay bệnh tật ốm đau.
Được xét duyệt cho vay 20 triệu đồng, ông Cường khoan giếng để lấy nước sạch và xây dựng lại một nhà vệ sinh tự hoại. "Nhờ có nguồn vốn chính sách, gia đình tôi thoát nghèo và chất lượng cuộc sống cũng cải thiện đáng kể", ông Cường nói.
Gia đình ông Cao Đình Phước ở xã Lộc Thuận (huyện Lộc Ninh) có đất sản xuất nhưng không có vốn đầu tư nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, được Hội nông dân xã hỗ trợ, ông Phước vay 130 triệu đồng vốn vay hộ cận nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ông Phước kể, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình ông đã phát triển 650 nọc tiêu. Đến nay, vườn tiêu phát triển xanh tốt. Giá tiêu đang khởi sắc, ông Phước kỳ vọng kinh tế gia đình sẽ ổn định hơn.
Tại xã Lộc An (huyện Lộc Ninh), gia đình bà Lưu Thị Thu Thảo cũng được Hội Nông dân xã tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 50 triệu đồng.
Nhận ra cây ăn trái phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, bà chuyển sang trồng bơ và ổi. Hiện nay, sản phẩm của gia đình bà đang tiêu thụ ổn định, mang lại thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm.
Ông Hoàng Ngọc Anh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh cho biết, thực hiện vai trò là cầu nối, nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Hội đã triển khai kịp thời các chương trình cho vay tín dụng chính sách.
Trên địa bàn huyện đã và đang có hàng nghìn hộ hội viên nông dân được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn này đang góp phần quan trọng giúp hội viên nông dân có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Đến nay, 16/16 Hội Nông dân cấp xã ký hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội. Hội Nông dân huyện Lộc Ninh đang quản lý 92 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ đạt trên 187 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng chính sách do Hội quản lý không ngừng nâng cao qua các năm.
Ấp 2 xã Tân Lập (huyện Đồng Phú) có 417 hộ với 1.916 khẩu, đa số làm nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Duyên được Hội Nông dân xã và các thành viên tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn của ấp; được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Phú ủy nhiệm thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm của các tổ viên.
Bà Duyên cho biết, đến nay, tổ có 55 hộ vay vốn với tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách là hơn 3,6 tỷ đồng; nhiều năm không có nợ quá hạn.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cho vay ủy thác, đến nay, ấp 2 đã có nhiều hộ vay thoát nghèo, nhiều gia đình đã có nhà cửa khang trang, nhiều con em trong ấp được vay vốn trang trải chi phí học tập.
"Nhờ sử dụng đúng mục đích, nguốn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần vào việc giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn", bà Duyên chia sẻ.
Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Phước, ông Huỳnh Văn Thuận - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh Bình Phước cho biết, 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đạt nhiều kết quả.
Ngân sách tỉnh Bình Phước đã ưu tiên bố trí hơn 225 tỷ đồng ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Phước để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Số dư nguồn vốn ủy thác từ địa phương được nâng lên, đạt hơn 276 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,2% trong tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Phước.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Phước đã giải ngân gần 8 tỷ đồng, cho hơn 265.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.
Hiện nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay.
Bên cạnh kết quả đạt được, bà Huỳnh Thị Hằng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước cho biết, quá trình thực hiện tín dụng chính sách xã hội cũng còn một số khó khăn.
Đối tượng có mức sống trung bình chưa được tiếp cận vốn; nhu cầu giải quyết việc làm, nhà ở xã hội còn lớn. Dư nợ của tỉnh vẫn còn thấp so với bình quân khu vực Đông Nam bộ và cả nước. Đây là hạn chế cần sự hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời từ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và các ban, ngành liên quan.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn.
"UBND tỉnh cần xem xét cân đối, ưu tiên bố trí thêm nguồn lực, qua đó góp phần thiết thực cho mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau", Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị.