Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cam kết đối ứng, giúp Bắc Kạn có bước đột phá về nguồn lực

Chiến Hoàng Thứ ba, ngày 16/07/2024 17:33 PM (GMT+7)
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cam kết sẽ đối ứng với tỉnh Bắc Kạn để đảm bảo trong thời gian tới địa phương có bước đột phá về nguồn lực, có những hiệu quả mang tính đột phá.
Bình luận 0

Ngày 16/7, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Trong 10 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn thường xuyên chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW và các văn bản của tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Triển khai Chỉ thị số 40, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành 4 văn bản, UBND tỉnh ban hành 8 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện truyền tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến 100% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn.

Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cam kết gì với Bắc Kạn?- Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội tại Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn đã tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với vốn tín dụng chính sách thuận lợi, kịp thời; giải ngân trên 7.222 tỷ đồng cho 173.485 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay.

Tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị, xã hội tính đến ngày 30/6/2024 là 3.297 tỷ đồng, chiếm hơn 98% tổng dư nợ với 43.671 hộ vay đang còn dư nợ. Nợ quá hạn ủy thác 3,8 tỷ đồng, chiếm 0,11% dư nợ ủy thác.

Các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách xã hội. Sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị được phát huy; huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn phát triển bền vững.

Tại Hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đề nghị Ban Kinh tế Trung ương có ý kiến với Ban Bí thư nghiên cứu, xem xét ban hành Chỉ thị mới về tín dụng chính sách xã hội phù hợp với tình hình thực tế trong thời kỳ mới.

Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cam kết gì với Bắc Kạn?- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội tại tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Bắc Kạn cũng đề nghị Quốc hội, hằng năm, ngoài định mức thời kỳ ổn định ngân sách, hỗ trợ kinh phí thêm cho tỉnh Bắc Kạn để địa phương có nguồn kinh phí ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ thực hiện một số hoạt động của các chương trình mục tiêu Quốc gia; đề nghị Chính phủ bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách đối với hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình để các đối tượng này có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu; bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách đối với hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn để xây dựng, sửa chữa nhà ở, phù hợp với tiêu chí đánh giá việc tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản khi điều tra, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cam kết gì với Bắc Kạn?- Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tại Hội nghị tổng kết thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Ảnh: Chiến Hoàng

Ngoài ra, Bắc Kạn đề nghị cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm, giúp người dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Cùng với đó, xem xét nâng mức cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tối đa lên 25 triệu đồng/công trình để đáp ứng chi phí cần thiết xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh đảm bảo chất lượng.

Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Bắc Kạn đề nghị tiếp tục quan tâm, bổ sung nguồn vốn cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ cho tỉnh Bắc Kạn có cân nhắc đến yếu tố khó khăn đặc thù của tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn nhấn mạnh, vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh. Tín dụng chính sách xã hội ngày càng khẳng định rõ vai trò trụ cột của hệ thống chính sách trên địa bàn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn yêu cầu các đơn vị bố trí nguồn vốn ngân sách các cấp ủy thác; lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm; nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương ghi nhận sự quyết liệt vào cuộc của tỉnh Bắc Kạn trong việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TƯ.

Với những tồn tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn nêu ra như tăng cường nguồn lực ủy thác địa phương cho hoạt động chính sách xã hội, tăng cường vốn tín dụng trung ương trên địa bàn tỉnh, bà Hằng cho biết, về các nguồn vốn trung ương liên quan đến các chương trình Trung ương quản lý như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam sẽ đáp ứng 100% những hộ đúng đối tượng, đủ điều kiện có nhu cầu vay vốn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

"Đối với nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, chúng tôi cam kết đối ứng với tỉnh Bắc Kạn để đảm bảo trong thời gian tới sẽ có bước đột phá về nguồn lực để có những hiệu quả mang tính đột phá. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cam kết sẽ đồng hành với tỉnh Bắc Kạn, tiếp tục tham mưu để triển khai hiệu quả tín dụng chính sách, lồng ghép với các đề án phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong thời gian tới" - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam khẳng định.

Nhân dịp này, UBND tỉnh Bắc Kạn đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 15 cá nhân; Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tặng Giấy khen cho 6 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem