Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm khi có trên 20 năm đảm đương các vị trí trong "tứ trụ" của nước nhà như gần 14 năm làm Tổng Bí thư (2011 - 2024), hơn 5 năm làm Chủ tịch Quốc hội (2006-2011), hơn 2 năm làm Chủ tịch Nước (2019-2020). Có thể khẳng định chắc chắn một điều, sự đóng góp của ông với sự phát triển của đất nước, của Đảng ta là rất lớn.
Với một khát vọng lớn lao, ông mong muốn Đảng ta phải thật trong sạch để dân có thể tin vào Đảng. Ông đã nhìn ra vấn đề sâu xa và đã noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn là một hình mẫu về đạo đức của người cộng sản chân chính.
Chúng ta hãy nhớ lại, khi ông đảm trách cương vị Tổng Bí thư được 1 năm, với chủ trương đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực trong Đảng, ông đã có những chỉ đạo quyết liệt về chủ trương nói trên. Song, tại Hội nghị Trung ương 6 Khoá XI vào tháng 10/2012, ông đã nghẹn ngào và nhỏ lệ như VTV từng đưa. Điều đó cho thấy ở ông cả một nỗi buồn sâu thẳm khi thấy chưa làm được những điều mình mong mỏi, tâm huyết để Đảng thực sự trong sạch.
Chỉ mãi đến Đại hội Đảng khoá XII vào năm 2016, chiến dịch chống tham nhũng của Đảng dưới sự lãnh đạo của ông mới dần chuyển mình và bước đầu thành công. "Lò" càng đốt càng đỏ lửa. "Củi tươi" dù có vào lò thì cũng vẫn cháy... Từ đó, trong nội bộ Đảng ta và quần chúng nhân dân mới thực sự phấn khởi, yên tâm và tuyệt đối tin tưởng ở người đứng đầu Đảng ta.
Không dừng lại ở đó, trong suốt nhiệm kỳ Đại hội XII và XIII, dưới sự lãnh đạo của ông, nhờ có bàn tay sạch và công minh, nhiều vụ việc được các cơ quan kiểm tra của Đảng, cơ quan pháp luật phanh phui. Hàng loạt những sai phạm của cán bộ cấp cao đã bị xử lý. Chỉ một nhà lãnh đạo có "bàn tay sạch" như ông mới đủ sức và bản lĩnh để làm và dám làm mạnh mẽ đến như vậy.
Ông kêu gọi các quan chức, nếu ai tự thấy mình chưa đủ uy tín và trót "dính chàm" thì chủ động báo cáo và xin rút khỏi chính trường. Nếu chủ động nhận ra như vậy thì sẽ giảm nhẹ hình thức xử lý.
Sự xuất thần và bản lĩnh trong tư tưởng chỉ đạo đấu tranh chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiệm kỳ vừa qua thật đáng trân trọng và kính phục.
Ông không bao giờ giấu diếm nỗi đau khi phải xử lý đồng chí mình khi họ "nhúng chàm", những người mà ông rất kỳ vọng và tin cậy, những người tưởng như sẽ là lực lượng hoàn hảo kế nhiệm ông sau này... Nhưng ông cũng hiểu, nếu như nể nang, vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng mà cho qua thì liệu rằng với bộ máy ấy, Đảng có giữ được niềm tin với nhân dân, đất nước có ổn định mà phát triển?
Cũng ở đâu đó vẫn còn những lời nói thiếu thiện chí hướng về phía ông. Họ cho rằng ông muốn thâu tóm quyền lực và không muốn rời bỏ quyền lực cho nên đã làm vậy. Đây là những lời xuyên tạc độc địa, thiếu hiểu biết và thực sự vô cùng sai lầm nếu hiểu rõ về con người của ông.
Theo tôi hiểu, một khi Đảng còn chưa thật yên tâm về người kế nhiệm ông thì tất nhiên, với người làm cách mạng chân chính như ông, ông đành phải chịu điều tiếng để kiên trì theo đuổi con đường ông đã lựa chọn từ đầu.
Tôi tuyệt đối tin rằng, một con người liêm khiết, trong sáng như ông không bao giờ có tư tưởng đó, bởi lẽ: Một người ham quyền lực, vật chất, danh vọng sẽ không bao giờ có chuyện cứ đến ngày sinh của mình, của vợ mình, ngày Tết của dân tộc lại đóng cửa, hạn chế tiếp khách.
Ông từng giải đáp thắc mắc này với một người bạn thân của tôi, người có vinh hạnh được tháp tùng ông trong rất nhiều chuyến công tác, rằng: "Mình giờ đang đương chức, tổ chức sinh nhật thì vui đấy và ai chả muốn đến chúc mừng. Song mình không muốn làm bởi mình nghĩ, rồi sau này, khi mình nghỉ hưu sẽ thế nào. Lúc đó họ không đến chúc mừng thì nảy sinh tâm tư, nghĩ ngợi. Như thế có hay gì?".
Hay nếu là một người ham quyền lực, vật chất, danh vọng, sẽ không bao giờ có chuyện để các con mình luôn "nằm ngoài" tầm ngắm của tổ chức khi họ đã có ý cất nhắc con mình lên những vị trí cao hơn.
Tôi được biết, cả hai con ông đều là những cán bộ công chức viên chức bình thường, không có sự cất nhắc đặc biệt nào về vị trí công tác. Ngay cả chuyện xin việc cho con mình từ khi các con mới tốt nghiệp Đại học, ông cũng chỉ nhờ qua bạn bè xem có chỗ quen biết nào phù hợp thì giới thiệu giúp cho một câu, dù khi đó ông đã đảm đương vị trí quan trọng trong Trung ương.
Nếu là một người ham quyền lực, vật chất, danh vọng, sẽ không bao giờ có chuyện ông đãi khách đến nhà chỉ là chén rượu quê nhà Đông Hội được người thân tự nấu lấy cùng với những viên lạc rang, táo vườn người làng gửi cho gia đình ông.
Nếu là một người ham quyền lực, vật chất, danh vọng, sẽ không có chuyện suốt gần hai chục năm hơn không thay đổi xe công mà vẫn dùng chiếc xe nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã dùng từ năm 1998. Ông vui vẻ dùng chiếc xe cũ, như mặc những chiếc áo cũ sờn chỉ cả chục năm, không đòi hỏi, không cần thay thế dù quyền cao chức trọng thế nào.
Nếu là một người ham quyền lực, vật chất, danh vọng, sẽ không bao giờ có chuyện nếu đi việc riêng như hội họp cựu sinh viên (lớp Đại học) ông lại nhờ bảo vệ chở bằng xe máy đến dự và luôn mong đồng môn coi mình là bạn, đừng gọi ông bằng chức tước bởi theo ông, đó chỉ là thứ phù du...
Nhà giáo Nguyễn Hùng Vỹ, người từng chở ông bằng xe máy đi về trường dạy học khi ông đang là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhớ lại: Khi đó tiền thù lao trường Đại học Tổng hợp trả cho ông không đáng là bao. Nhưng ông vẫn vui vẻ nhận lời và cho rằng đó là vinh dự với ông, một cựu sinh viên được quay lại trường và chia sẻ cho cánh hậu sinh...
Chỉ một vài điều giản dị như vậy thôi cũng giúp tôi hiểu sâu sắc rằng, ông thực sự là một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, liêm chính, đức độ và trọn một đời vì dân vì nước.
Ông xứng đáng được coi là hậu duệ xuất sắc của các bậc tiền bối của Đảng ta như lãnh tụ Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng...