Dân Việt

Góc nhìn pháp lý vụ khởi tố nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Phi Long 23/07/2024 16:12 GMT+7
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý về tội danh nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa bị khởi tố.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an đang điều tra vụ án "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; Buôn lậu; Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị liên quan.

Góc nhìn pháp lý vụ khởi tố nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường- Ảnh 1.

Cơ quan cảnh sát điều tra vừa khởi tố nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ảnh: CA.

Căn cứ kết quả mở rộng điều tra vụ án, ngày 22/7, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với 5 bị can về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, gồm: 

Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Văn Thuấn, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Hoàng Văn Khoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Hồ Đức Hợp, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Yên Bái; Lê Công Tiến, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái.

Luật sư Hoàng Anh Sơn phân tích, đối với tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Về mặt khách thể của tội phạm: Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xâm phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp (gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị).

Về mặt chủ quan của tội phạm: Người thực hiện tội phạm với lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là hành vi không được phép nhưng vẫn muốn thực hiện hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc dù không mong muốn nhưng vẫn có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Động cơ và mục đích không phải dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Thông thường người phạm tội này vì vụ lợi. Lưu ý, yếu tố vụ lợi chỉ là cấu thành định khung không phải là cấu thành cơ bản của tội phạm này.

Về mặt chủ thể của tội phạm: Người thực hiện tội phạm phải đáp ứng điều kiện là những người được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (thông thường là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước)

Về mặt khách quan của tội phạm: Là hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí của người được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

Các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước được quy định tại Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng tài sản Công năm 2017 bao gồm:

Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công. Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.

Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng.

Sử dụng xe ô tô và tài sản công khác do tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.

Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật.

Xử lý tài sản công trái quy định của pháp luật. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công. Chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản công. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật.

Hành vi bị nghiêm cấm khác trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật có liên quan.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Người thực hiện hành vi khách quan chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi hậu quả gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Nếu hậu quả xảy ra thấp hơn mức quy định trên, người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng phải chịu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; sự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước.

Khung hình phạt đối với tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí được quy định tại Điều 219, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau:

Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: Vì vụ lợi; Có tổ chức; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Theo luật sư Sơn, những người bị Khởi tố tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" có thể bị xử lý ở khung hình phạt cao nhất là 20 năm, đồng thời, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.