Sáng 25/7, Lễ truy điệu, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tổ chức trọng thể trên quê hương Tổng Bí thư tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội - nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ra và lớn lên.
Trong vạn người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà hôm nay có nhiều người bạn thuở thiếu thời, học trường làng với "nhà lãnh đạo trọn đời vì nước, vì dân".
Được vợ (bà Nguyễn Thị Phấn) và con cháu hỗ trợ vào khu vực thắp hương viếng bạn học thuở thiếu thời, ông Vương Khắc Duy (85 tuổi) cố gắng nhích từng bước chân vào trong nhìn di ảnh.
Ông Duy sức khỏe yếu do căn bệnh tim mắc phải năm 2013 nên phải ngồi xe lăn đến đây. Hôm nay, 6 giờ sáng – đúng giờ gia đình Tổng Bí thư phát tang, ông Duy lặng lẽ trên chiếc xe lăn cạnh thủy đình Lại Đà, thi thoảng lại hướng mắt về phía nơi tổ chức tang lễ cho bạn tại quê nhà, nước mắt không kìm được, chốc chốc bà Phấn lại lấy khăn lau nước mắt và những giọt mồ hôi cho chồng.
"Nghe tin anh Trọng mất, tôi khóc suốt đêm, thương bạn nên không ngủ, tôi muốn đến viếng anh Trọng sớm, nên 6 giờ sáng tôi đã có mặt để xếp hàng", ông Duy nói và cho chia sẻ thêm: "Nhà tôi ở gần nhà anh Trọng, cách nhau chỉ mấy cái nhà. Thuở nhỏ, chúng tôi học trường làng, lên cấp 2, cấp 3 học xa nhà. Thời ấy đất nước còn khó khăn, ăn không đủ no, áo không đủ mặc, chúng tôi bơi vượt sông để sang học trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều, bên kia sông Đuống".
Ngưng một lúc vì xúc động, ông Duy kể tiếp: "Ở xã Đông Hội, làng Lại Đà là làng hiếu học. Dù có thiếu ăn, thiếu mặc, không ai bỏ dở việc học hành, đều nỗ lực vươn lên. Trong lứa chúng tôi, anh Trọng là người chỉn chu, học hành tiến tấn nhất.
Tốt nghiệp cấp 3, anh học Đại học Tổng hợp, rồi công tác biền biệt, đảm nhiệm các nhiệm vụ quan trọng. Chúng tôi mỗi người một ngành nhưng vẫn luôn nhớ về nhau, theo dõi sự trưởng thành của nhau.
Tôi vẫn nhớ kỷ niệm, khi anh Trọng đang công tác ở Thành ủy Hà Nội (Bí thư Thành ủy Hà Nội - PV), một lần anh về quê, tôi cùng mấy người trong làng đang quét đường làng, ngõ xóm. Anh Trọng bước xuống, chúng tôi cùng lúc reo ầm lên: "A, anh Trọng đã về!" rồi chạy ùa tới bắt tay, ôm chầm lấy anh.
Anh tươi cười, giới thiệu chúng tôi với các đồng chí đi cùng: "Đây là những người bạn thân thiết cùng học với tôi từ thuở trường làng". Tôi cảm nhận được sự nồng ấm, giản dị của anh Trọng, chúng tôi càng thương quý anh Trọng hơn".
Là một trong những người bạn học từ thuở vỡ lòng đến cấp 3 với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Ngô Bá Dục (SN 1943) tóc bạc trắng, người mảnh khảnh, chống gậy tới nơi tổ chức lễ tang.
Nhà ông Dục ở xóm 7, cách nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 6 ngõ xóm. Hơn Tổng Bí thư một tuổi, tuy nhiên ông Dục là bạn học được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời nhắc đến mỗi khi ôn lại kỷ niệm thuở củ sắn chia đôi, bát nước rau luộc sẻ cùng, bơi sông đi học.
Học xong, ra trường, ông Dục là giáo viên dạy học trường làng, sau đó, là Hiệu trưởng trường cấp 3 Cổ Loa cho tới khi nghỉ hưu. Ông cũng là người lưu giữ nhiều nhất các tư liệu, kỷ niệm của thế hệ học trò làng Lại Đà năm xưa.
Ngoài ông Duy, ông Dục còn có các ông Vương Khắc Côn (cùng xóm ông Dục), giáo viên cấp 2; ông Doãn Xuân Nùng, Tạ Sinh Kế (thôn Hội Phụ) - cựu chiến binh tù Côn Đảo… Đây là thế hệ bạn học cùng làng thuở ấu thơ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bước sang tuổi 80, các ông đã tuổi cao sức yếu, song câu chuyện kể lại cho thế hệ sau vẫn như mới hôm nào ùa về, mỗi câu chuyện đều trong trẻo và kính trọng, nhớ thương người bạn học thuở thiếu thời.