Người cựu binh vừa xuất viện đã đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tôi toại nguyện rồi"

Thành An - Tất Định Thứ năm, ngày 25/07/2024 10:33 AM (GMT+7)
Người thân và người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghẹn ngào, khóc nấc tại khu vực tổ chức tang lễ tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội.
Bình luận 0

Sáng 25/7, ghi nhận của PV Dân Việt tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà – một trong 3 địa điểm tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, từ sáng sớm, hàng nghìn người đã có mặt, xếp hàng trên con đường làng dẫn vào nhà văn hóa chờ tới lượt viếng.

Người cựu binh vừa xuất viện đã vội đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tôi toại nguyện rồi"- Ảnh 1.

Sáng 25/7, hàng nghìn người dân đã đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội. Ảnh: Định An

Phía trong hội trường của Nhà văn hóa thôn, di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đặt ở vị trí trang trọng. Phía trên là dòng chữ "Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam".

Phía bên ngoài cổng Nhà văn hóa một chốt kiểm tra an ninh ngay lối cổng vào kiểm soát người ra vào. Để đảm bảo an ninh, an toàn theo yêu cầu của Bộ Công an, người dân khi đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang theo thẻ căn cước có gắn chíp (hoặc điện thoại có cài đặt VNeID) để quét mã QR tại các điểm kiểm soát.

Người cựu binh vừa xuất viện đã vội đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tôi toại nguyện rồi"- Ảnh 2.

Người thân, họ hàng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và hàng nghìn người dân theo dõi trực tiếp lễ tang tại điểm tang lễ được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thái Tông (Hà Nội) qua màn hình lớn được dựng tại sân Nhà văn hóa thôn Lại Đà - điểm thứ 2 tổ chức tang lễ Tổng Bí thư. Ảnh: Định An

Nhiều ngày qua, đường làng, ngõ xóm, các điểm thờ tự, nhà văn hóa được người dân tự giác thu dọn sạch sẽ, chính quyền xã sớm treo cờ rủ tại các trụ sở, trong khắp các ngõ xóm của thôn Lại Đà, người dân cũng chủ động treo cờ Tổ quốc đính kèm dải băng tang. 

Đúng kế hoạch, từ 6 giờ sáng nay (25/7), Lễ phát tang đã được tiến hành đối với người thân trong gia đình, nội tộc dòng họ Nguyễn Phú tại thôn Lại Đà. Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được bắt đầu từ 7 giờ.

Người cựu binh vừa xuất viện đã vội đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tôi toại nguyện rồi"- Ảnh 3.

Những tiếng khóc nghẹn ngào trong lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà Lại Đà, Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Định An

Ông Nguyễn Phú Quyền - cháu nội tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động tâm sự: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người cha, người chú, người bác, người anh mẫu mực, đáng kính của cả dòng họ Nguyễn Phú chúng tôi, là niềm tự hào của toàn dòng tộc. Tiếc thương, nhưng chúng tôi cũng ý thức, là sống như thế nào để xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của bác đối với đất nước, nhân dân".

Thượng Tá Lại Đức Mạnh, Chính trị viên, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, số lượng đăng ký viếng đã lên tới hơn 500 đoàn với hơn 14.000 lượt người tại thôn Lại Đà. Nhân dân có thể tập trung tại 2 địa điểm: trên đường Trường Sa và trước trụ sở Ủy ban nhân dân xã Đông Hội. Từ đây, sau khi xuống xe sẽ có xe điện đưa đón đoàn vào cổng thôn Lại Đà để đăng ký bước 1. Tiếp theo, các đoàn cơ động theo trục đường thôn vào Nhà văn hóa; qua cổng an ninh đăng ký lần 2 theo đoàn để Ban tang lễ giới thiệu rồi chính thức vào viếng.

Người cựu binh vừa xuất viện đã vội đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tôi toại nguyện rồi"- Ảnh 4.

Phạm Quang Thành (72 tuổi, ở xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) vừa xuất viện, sức khỏe vẫn còn yếu tuy nhiên vẫn cố gắng đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lại Đà, Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Định An

Trong hàng nghìn người lặng lẽ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội), có ông Phạm Quang Thành (72 tuổi, ở xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) - bộ đội về hưu, từng công tác ở Trung đoàn 269, Bộ tư lệnh Công Binh. Ông cho biết bản thân vừa xuất viện sau nhiều ngày điều trị tại bệnh viện nhưng khi biết tin Lễ tang của Tổng Bí thư được tổ chức tại quê nhà, ông Thành đã không quản ngại sức khỏe, đường sá xa xôi di chuyển bằng xe buýt đến thôn Lại Đà.

"Tôi cảm thấy toại nguyện khi sáng nay đã được dâng nén hương đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi thường xem các phát biểu của Tổng Bí thư tại các hội nghị. Tổng Bí thư đã đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp chung của đất nước, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sự ra đi của Tổng Bí thư để lại trong tôi niềm thương tiếc, thương xót vô bờ", ông Thành xúc động chia sẻ.

Người cựu binh vừa xuất viện đã vội đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tôi toại nguyện rồi"- Ảnh 5.

Dòng người xếp hàng dài trên con đường thôn Lại Đà dẫn vào Nhà văn hóa thôn với mong muốn viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Định An

Cụ Nguyễn Văn Tuế (93 tuổi, người dân thôn Lại Đà) mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng từ 4 giờ sáng nay đã có mặt tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà. Cụ chia sẻ, sau khi nhận tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, cả mấy đêm qua, cụ không thể ngủ được. "Không chỉ riêng tôi, cả người dân Lại Đà đều vô cùng đau xót. Quê hương Lại Đà đã sinh ra Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người con hết lòng vì đất nước, vì nhân dân", ông nói.

Gần trưa, số lượng người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mỗi lúc một đông, xếp hàng dài cả cây số.

Để chuẩn bị cho tang lễ, Ban Tổ chức đã bố trí 20 xe điện, tập trung tại trụ sở ủy ban xã Đông Hội. Đây sẽ là phương tiện để đưa các đoàn tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là các đối tượng người già, người tàn tật.

Hiện một số tuyến đường vào nơi tổ chức Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội từ 14 giờ ngày 24/7 đến hết ngày 26/7 bị cấm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem