Những ngày này, cứ 4 giờ 30 phút sáng, chị Ngô Thị Minh Ngọc (31 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) cùng những người thân lại tất bật ra đầm sen của gia đình để thu lượm sen về ướp trà. Theo chị Ngọc, trà sen chỉ mang hương vị tuyệt vời nhất khi được làm từ những bông hoa mới hé mở, hái vào thời điểm mặt trời chưa ló rạng, lúc đó hương còn đượm và cánh hoa còn nguyên vẹn.
Chị Ngọc cho biết: “Để làm được 1kg trà sen cần tới khoảng 1.000 bông sen, với các công đoạn ướp sấy phức tạp. Đó cũng là lý do loại trà ướp sen này có giá bán cao, lên tới hàng chục triệu đồng/kg, với loại cao cấp nhất. Sen được sử dụng để ướp trà là loại sen Bách Diệp. Bên cạnh đó, loại trà được ưu tiên sử dụng thường là trà tôm nõn thượng hạng tại Thái Nguyên”.
Theo quan sát của phóng viên, hoa sen sau khi thu hái về, nhanh chóng được tách cánh, phơi nhụy, tách lấy những hạt gạo… để chuẩn bị ướp trà. Một tay chị Ngọc giữ sen, tay còn lại trút trà vào đài sen, vừa làm chị vừa nói: “Công việc ướp trà cần phải được thực hiện nhẹ nhàng. Cho trà vào xong, lại phải khẽ khàng vuốt nhẹ từng cánh sen, xếp cánh hoa lại cho bông sen ủ kín trà và gói cả bông lại bằng lá sen buộc lạt cho hương sen không thể bay ra ngoài. Sen gói xong được cắm ngập trong nước qua một đêm, để giữ hoa cho sen có thời gian thở, ủ hết hương vào trà”.
Bà Đỗ Thị Huệ - người đã có hơn 10 năm làm nghề ướp trà sen ở Tây Hồ chia sẻ, kể từ năm 2010 đến nay, người Hà Nội rộ lên phong trào làm trà sen "ướp xổi" (ủ trà trong bông sen tươi). “Người ta thường mua trà sen ướp xổi về để trong tủ đá, càng để lâu uống càng ngon. Mức giá dao động từ 35.000 đồng đến 80.000 đồng/bông. Cao điểm, tôi thu về từ 3 đến 5 triệu đồng mỗi ngày nhờ công việc bán trà sen Tây Hồ”.
Bà Huệ cho hay, công việc ướp trà sen Tây Hồ thường diễn ra trong ba tháng hè (trùng với mùa hoa sen). Sau đó, những bông trà sen sẽ được bảo quản trong tủ đông hoặc đem đi sấy thăng hoa để bảo quản ở nhiệt độ thường và bán quanh năm. “Thời điểm cao điểm, tôi phải 'huy động' thêm người nhà phụ giúp. Có những ngày cần 5 - 7 người hái sen và 7 - 8 người ướp trà sen mới kịp tiến độ”.
Không chỉ cầu kỳ trong khâu chế biến, để thưởng thức trà sen đúng cách cũng đòi hỏi nhiều sự tỉ mỉ của người pha. Ông Phạm Việt Quang (50 tuổi, Tây Hồ) đã quen uống trà sen Tây Hồ từ nhỏ. Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Quang cho biết: “Trà sen pha trong ấm đất là ngon nhất. Kỹ thuật bóc, tách từng lớp cánh sen để lấy trà và gạo sen cũng rất kỳ công. Người pha cần dùng nước đun sôi để tráng ấm thật nóng, chứ tuyệt đối không tráng trà. Đợi trà sen ngấm trong nước sôi khoảng 30 giây là có thể thưởng thức”.
Nhâm nhi từng ngụm trà sen Tây Hồ ngay giữa đầm sen, ông Quang tiếp lời: “Hàng ngày tôi đều uống trà sen và khi gần hết mùa sen thì tôi sẽ mua về dự trữ, cho vào ngăn đá tủ lạnh để uống dần. Riêng trong những ngày ‘chính vụ’ trà sen Tây Hồ, tôi thường xuyên ra đầm sen thưởng thức trà sen. Ở đây khung cảnh rất tuyệt vời, tôi ngồi giữa đầm sen và xung quanh bốn hướng đều phảng phất hương hoa sen, rất trong lành”.
Ngoài việc mua về thưởng thức, nhiều người lựa chọn sử dụng trà sen Tây Hồ làm quà biếu. Chị Trần Thị Mai Anh (25 tuổi, Đông Anh) bộc bạch: “Tôi thường lựa chọn mua các bông trà sen để mang biếu, vừa tiết kiệm lại vừa 'sang'. Thay vì việc mua trà sen theo cân với mức giá hàng chục triệu đồng, tôi chỉ cần bỏ ra khoảng 500.000 đồng để mua 10 bông trà sen, như vậy là đã có món quà rất lịch sự rồi”.
“Lựa chọn quà đi biếu cũng cần có ‘tâm’. Sau khi thử trà sen Tây Hồ và thấy ưng ý, tôi mới quyết định mua làm quà. Tôi cũng thường đặt mua ở các cơ sở uy tín, có thể tận mắt chứng kiến họ làm luôn nên sẽ yên tâm về chất lượng”, chị Mai Anh cho biết thêm.