Lợi ích liên kết với doanh nghiệp nuôi gà
Năm 2015, Hợp tác xã chăn nuôi Tài Lực ở xã Bình An, huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) được đầu tư hơn 5 tỷ đồng, xây dựng 7 chuồng nuôi trên diện tích 4ha với quy mô hơn 40.000 con gà thịt/lứa liên kết với Tập đoàn Golden Stars. Bình quân, mỗi năm, HTX xuất chuồng hơn 210 tấn gà thương phẩm, doanh thu gần 11 tỷ đồng, lợi nhuận 1,1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đình Quý, Phó Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Tài Lực, cho biết: Nuôi gà liên kết, vốn đầu tư ban đầu khá lớn, bù lại cho thu nhập khá cao và ổn định. Đặc biệt, được Công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên không phải lo đầu ra. Bởi thế, người chăn nuôi yên tâm, ổn định cuộc sống".
Theo ông Quý, khi xác định chăn nuôi theo hướng liên kết đòi hỏi quy mô phải lớn, đầu tư chuồng trại bài bản, người nuôi phải có quỹ đất rộng để xây dựng chuồng trại theo đúng yêu cầu kỹ thuật, tuân thủ thực hiện chăm sóc, vệ sinh phòng dịch và đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Phía công ty liên kết đầu tư con giống, thức ăn, thuốc thú y, vắc xin phòng bệnh và có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trị bệnh cho gà. Người chăn nuôi sẽ có cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật, có thêm kinh nghiệm để đáp ứng phương thức nuôi mới đạt hiệu quả.
"Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nên gà có chất lượng thịt thơm, ngon. Trước khi xuất bán, cán bộ của công ty đều đến lấy mẫu để xét nghiệm các tiêu chuẩn về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu đạt tiêu chuẩn mới được công ty bao tiêu toàn bộ nên đòi hỏi người chăn nuôi phải chấp hành nghiêm túc quy trình mà đối tác đưa ra", anh Quý cho biết.
Chị Đinh Thị Lĩnh, ở thôn Chùa, xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh: "Sau nhiều năm chăn nuôi gà nhỏ lẻ theo phương thức truyền thống, mặc dù có mang lại thu nhập nhưng bấp bênh do không chủ động được đầu ra cũng như số lượng nuôi hạn chế. Sau nhiều trăn trở, năm 2020, gia đình đã chuyển hướng chăn nuôi gà tập trung theo hướng liên kết, quy mô gần 7.000 con/lứa".
Từ thực tế mô hình chăn nuôi gà liên kết với công ty, áp dụng quy trình nuôi khép kín, an toàn sinh học, gà sinh trưởng tốt, không mắc dịch bệnh và lớn nhanh, thời gian nuôi ngắn hơn, tiết kiệm được thức ăn so với chăn nuôi truyền thống, thịt gà chắc, có độ thơm ngon, bán được giá cao hơn và dễ tiêu thụ", chị Lĩnh phấn khởi nói.
Quy mô đàn gà lớn, thu lãi hàng tỷ đồng
Hiện mô hình chăn nuôi gà liên kết của chị Lĩnh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, doanh thu đạt 450 triệu đồng/lứa, mỗi năm 3 lứa cho doanh thu 1,4 tỷ đồng/năm; sau khi trừ chi phí giống, thức ăn, nhân công, điện, nước, chị thu lãi 300-350 triệu đồng/năm. Hiện nay, gia đình chị Lĩnh đang tiếp tục mở rộng thêm 2 chuồng, với quy mô 10.000 con/chuồng nuôi.
Xây dựng mô hình chăn nuôi liên kết trong sản xuất nông nghiệp là xu hướng phù hợp, thông qua mô hình chăn nuôi liên kết giúp người dân tiếp cận với khoa học công nghệ, gắn kết chặt chẽ giữa khâu sản xuất và tiêu thụ. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các địa phương tại Hà Tĩnh đều có mô hình nuôi gà công nghiệp quy mô lớn, liên kết với doanh nghiệp hoặc các trang trại, gia trại quy mô từ 500 con gà, vịt 1 lứa trở lên. Qua đó, góp phần phát triển ngành chăn nuôi, duy trì nhịp điệu sản xuất, hạn chế dịch bệnh, cung ứng cho thị trường nguồn thực phẩm quan trọng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.
Hà Tĩnh hiện có tổng đàn gia cầm trên 10 triệu con, chủ yếu là gà. Trong đó, đã có 46 trang trại nuôi liên kết với các tập đoàn lớn như Japfa, CP, Golden Stars... Sản lượng thịt gia cầm năm 2023 toàn tỉnh đạt gần 26.000 tấn, sản lượng trứng đạt gần 360 triệu quả, mang về nguồn thu cho người chăn nuôi hàng trăm tỷ đồng.
Mục tiêu đến năm 2025, giá trị chăn nuôi gia cầm tăng trưởng 3,5%. Để hiện thực hóa được điều đó, chăn nuôi trang trại, công nghiệp theo hướng liên kết sản xuất chính là giải pháp đang được ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đẩy mạnh.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phan Quý Dương – Trưởng phòng Quản lý chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, cho biết: "Cái được của chăn nuôi liên kết là thị trường tiêu thụ ổn định, người chăn nuôi không lo bị tư thương ép giá nên yên tâm sản xuất. Sản phẩm từ mô hình chăn nuôi gà liên kết có sự kiểm soát về quy trình kỹ thuật nên đạt chất lượng tốt, có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường. Ngoài ra, còn giảm thiểu được nhiều chi phí trung gian, qua đó, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm".
"Trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp trên đàn vật nuôi nói chung và trên đàn gà nói riêng, người chăn nuôi phải tuân thủ quy trình chặt chẽ mà đối tác đưa ra, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm hàng năm", ông Phan Quý Dương nhấn mạnh.
"Hàng năm, các hộ chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của pháp luật, rà soát các điều kiện đảm bảo trong chăn nuôi, kịp thời củng cố, bổ cứu để phát triển lâu dài, bền vững. Chính quyền các địa phương cần tăng cường hỗ trợ người dân trong việc tìm kiếm, phối hợp các đối tác liên kết theo chuỗi giá trị nhằm tạo thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm khi ra tiêu thụ ngoài thị trường", ông Phan Quý Dương – Trưởng phòng Quản lý chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, nói.