Đánh liều với thời tiết
Vào những ngày này, dự báo thời tiết trên loa phát thanh ở địa phương vẫn ra rả thông tin có mưa lớn nhưng ông Hoàng Văn Thường, nông dân làm cánh đồng mẫu lớn ở xã Tiêu Động, huyện Bình Lục (Hà Nam) vẫn phải lặn lội đưa xe vào Thanh Hóa để mua mạ giống về cấy lại hàng chục ha lúa mùa của gia đình vừa bị ngập úng.
"Tính đến nay, chúng tôi đã gieo cấy lại lần thứ 3 song thời tiết vẫn báo có mưa lớn nhưng chúng tôi vẫn phải làm lại để "đánh cược" với thời tiết. Nếu gieo cấy lại, may đâu ông trời lại cho ăn", ông Thường bộc bạch.
Theo ông Thường, so với các vụ mùa các năm trước, vụ năm nay thời tiết thất thường, mưa lớn nhiều hơn khiến các nông dân cấy lúa không kịp trở tay.
"Mấy ngày vừa qua, chúng tôi huy động mọi người lực, nhân công ra đồng bơm nước nhưng càng bơm mưa càng lớn. Hai máy bơm công suất lớn của tôi bơm 24/24 nhưng cũng không xuể, các ruộng lúa vẫn ngập sâu, nhiều ruộng lúa mới cấy bị mất trắng", ông Thường ngậm ngùi.
Vụ mùa năm nay, gia đình ông đang cấy khoảng 20ha, trong đó có khoảng trên 50% ruộng mới bị ngập sâu trong nước, số ruộng lúa còn lại trên cao hơn nhưng nếu vẫn mưa kéo dài thêm vài ngày, toàn bộ diện tích lúa mùa mới cấy sẽ bị xóa sổ, thiệt hại ước tính ban đầu khoảng trên 300 triệu đồng.
"Không chỉ ruộng lúa của gia đình bị thiệt hại nặng mà các khu ruộng của bà con trong vùng cũng đang rơi vào tình cảnh nguy hiểm, nguy cơ mất mùa rất cao", ông Thường khẳng định.
Ông Thường cho biết thêm, với các diện tích lúa bị ngập úng sâu trong nước bị thiếu oxy, thối rữa rất nhanh. Số diện tích lúa không bị ngâm nước nhưng nếu trời mưa dài ngày cây trồng cũng nghẹt rễ nặng dẫn đến hư hỏng hoặc còn sống cũng thoi thóp, sinh trưởng rất kém.
Cũng theo ông Thường, theo dự báo thời tiết vẫn sẽ còn mưa thêm nên người dân Tiêu Động đang phải tỉnh phương án dự phòng, chuẩn bị giống, phân để làm lại. Tuy nhiên, nếu thời tiết vẫn cứ mưa kéo dài nhiều ngày thì bà con sẽ bị chậm vụ, thiệt hại càng nặng hơn.
"Bước vào vụ mùa năm nay, bà con bị thiệt hại quá lớn, nhiều hộ sản xuất lớn với số lượng giống lên đến hàng tấn sẽ rất khó để chuẩn bị kịp để sản xuất lại nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền và các cơ quan chuyên môn", ông Thường nói thêm.
Thiệt hại thêm nông dân sẽ bỏ ruộng
Tại Ninh Bình, ông Trịnh Viết Chiến ở Ninh Khang, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) vẫn đang cảm thấy như / đang ngồi trên đống lửa. Toàn bộ diện tích lúa lúa mới sạ của gia đình khoảng trên 150 mẫu bị ngập úng, thiệt hại nặng. Lão nông này khẳng định: Hiện, gia đình đang gieo cấy lại nhưng khả năng mất mùa vẫn đang hiện hữu trước mắt.
"Các ruộng lúa của gia đình đều đã bị hư hỏng nặng, chúng tôi đã làm đủ mọi cách nhưng vẫn không lại với trời. Ngày nào cũng mưa tầm tã liên tục, các máy bơm của địa phương chạy hết công suất nhưng cũng như "muối bỏ biển", không có tác dụng. Đến giờ nước rút, chúng tôi làm đất, gieo sạ lại bằng máy bay không người lái nhưng vẫn không chắc ăn", ông Chiến buồn rầu chia sẻ.
Theo ông Chiến, ứng dụng thiết bị bay không người lái 3 trong 1 dùng để gieo giống, rải phân và phun thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Với hệ thống điều khiển từ xa, người vận hành máy bay không người lái chỉ cần đứng tại một địa hình tốt là có thể chủ động thực hiện các thao tác vận hành thiết bị. Hệ thống radar có các chức năng tự động vượt qua chướng ngại vật và mô phỏng mặt đất để hoàn toàn đảm bảo trong quá trình vận hành.
"Đối với rải giống năng suất làm việc của thiết bị từ 4 đến 5ha/h. Tương tự với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật 1 ngày làm việc máy phun đc từ 30-40 ha. Ngoài ra, khi sạ bằng máy bay không người lái, độ bao phủ đều hơn, mật độ nảy mầm lên cũng sẽ hiệu quả hơn so với sạ tay. Đặc biệt là không hề có những dấu chân trên mặt ruộng, giảm chi phí, sức lao động", ông Chiến khẳng định.
Theo ông Chiến, năm nay giá giống, phân, thuốc đều đang ở mức cao nên khi đã đầu tư vào vụ mới người dân phải bỏ ra nhiều chi phí hơn.
"Riêng gia đình tôi đã xuống giống, làm lại nhiều lần, hàng chục tấn giống, phân bón, thuốc... đã đổ xuống ruộng. Thiệt hại nối tiếp thiệt hại", ông Chiến ngậm ngùi.
Trước nguy cơ lúa mùa mới gieo cấy lại có nguy cơ gặp mưa lớn gây hư hỏng nặng, ông Chiến kiến nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn cần sớm chủ động tìm phương án dự phòng về tiêu nước và chuẩn bị thêm giống, phân, thuốc để hỗ trợ người dân kịp thời, tránh để nông dân tự bơi sẽ rất vất vả, khổ cực.
"Chúng tôi làm lúa nhiều năm nên vẫn có phương án dự phòng nhưng nhiều hộ dân phụ thuộc vào nguồn vật tư đầu vào tại các đại lý, cửa hàng ở địa phương. Theo đó, khi các đại lý không còn hàng thì người dân cũng không thể mua để tái sản xuất", lão nông ở Hoa Lư khẳng định.
Cũng theo ông Chiến, theo kinh nghiệm sản xuất của ông, từ nay đến cuối tháng 6 âm lịch, thời tiết thuận lợi, người dân ở miền Bắc vẫn có thể xuống giống sản xuất kịp cho vụ mùa. Tuy nhiên, bà con phải có sự đồng hành, hỗ trợ nhanh, kịp thời từ các cơ quan chuyên môn mới có thể sản xuất hiệu quả.
Trò chuyện với phóng viên, ông Lê Hồng Quân, Giám HTX Thượng Hòa, xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) tỏ ra rất chán nản. Ông Quân cho biết, theo thời vụ, người dân chúng tôi bắt đầu xuống giống lúa từ 5/7. Đến 11/7, lúa mới gieo sạ đang lên đẹp gặp mưa lớn phủ đầu ngay khiến các ruộng ngập sâu.
"Đến giờ nước đã rút dần, nhiều nông dân đã ra đồng làm đất, gieo cấy lại. Vụ mùa năm nay, bà con đã cấy đi cấy lại nhiều lần mà, chi phí đội lên rất cao", ông Quân cho biết thêm.
Ông Quân cho biết, tính đến thời điểm này, gần như toàn bộ diện tích lúa mùa mới gieo sạ của người dân tại địa phương khoảng trên 100ha bị hư hỏng nặng sau đợt ngập úng vừa qua, chỉ còn khoảng 20ha có khả năng phục hội lại.
"Chúng tôi tính sơ bộ có khoảng 600 hộ dân bị ảnh hưởng trong đợt ngập úng với số tiền giống, phân... đã bỏ xuống ruộng, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Điều đáng nói là nhiều nông dân không còn lúa giống nên phải dùng lúa ăn để ngâm, ủ, xuống giống mới kịp sản xuất ", ông Quân khẳng định.
Để khôi phục lại sản xuất hiệu quả sau ngập úng, ông Quân đề nghị các cơ quan từ Trung ương đến địa phương sớm huy động nguồn lúa giống, phân bón chất lượng cao để hỗ trợ kịp thời cho người dân ổn định lại sản xuất.
"Nếu thời tiết vẫn có mưa lớn kéo dài bà con không được hỗ trợ kịp thời sẽ dẫn đến tâm lý chán nản, bỏ ruộng hết", ông Quân nhận định.