Cần lên phương án ứng phó khi mưa vẫn còn diễn ra trong các ngày tới
Theo Cục Trồng trọt, sau khi rà soát các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng cho thấy, có 45.000 ha sẽ phải dặm tỉa gieo cấy lại. Hiện nhiều xã đã triển khai hỗ trợ người dân nguồn thóc giống, sân nhà, đường đi được tận dụng để làm mạ. Ngành nông nghiệp yêu cầu chà mạ này phải hoàn thành gieo cấy xong trong 10 ngày tới để đảm bảo năng suất.
Trong gần 1 triệu ha lúa mùa ở miền Bắc, hiện diện tích chưa cấy chỉ còn 30.000 ha tập trung các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Việc có thêm hàng chục nghìn ha phải cấy lại đòi hỏi các tỉnh phải khoanh vùng, xác định diện tích có nguy cơ bị ngập úng và lên phương án ứng phó khi mưa vẫn còn diễn ra trong các ngày tới.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định: Các địa phương cần phải kiểm tra, rà soát và có đánh giá cụ thể về mức độ thiệt hại để có phương án hỗ trợ hiệu quả cho người dân khôi phục lại sản xuất.
Theo ông Cường, hiện có 2 phương án hỗ trợ. Thứ nhất là có văn bản hỗ trợ giống. Thứ 2 có văn bản hỗ trợ bằng tiền theo Nghị định 02 của Chính phủ (Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh).
"Trước mắt các tỉnh, thành bị ảnh hưởng trong đợt mưa lớn, ngập úng cần khẩn trương, huy động mọi biện pháp, phương án cần thiết để tiêu thoát nước, chống úng cho các diện tích lúa, hoa mầu.
Theo đó, các địa phương cần phân loại diện tích lúa bị ngập úng để có biện pháp khắc phục kịp thời; có điều kiện tiêu triệt để nước đệm trên hệ thống "rút cạn lòng sông" đề phòng mưa lớn còn tiếp diễn", Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định.
Đối với các diện tích lúa mới gieo cấy bị ngập dài ngày, ông Cường để nghị các tỉnh cần có phương án hỗ trợ kịp thời và tuyên truyền để nông dân đưa các giống lúa ngắn ngày vào sản xuất mới đảm bảo được thời vụ. Đồng thời, các địa phương cần thống kê, tổng hợp số liệu thiệt hại để có văn bản hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ.
"Chúng ta rất sẵn giống lúa nên người dân không phải lo thiếu giống sản xuất, điều quan trọng là chúng ta phải linh hoạt và dùng các giống lúa ngắn ngày để gieo cấy lại cho kịp thời vụ", ông Cường nhấn mạnh thêm.
Khẩn trương gieo cấy các giống lúa ngắn ngày để đảm bảo năng suất
Là địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng trong đợt ngập úng vừa qua, đến nay, Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình đang yêu cầu các huyện, thành phố khẩn trương hướng dẫn nhân dân các biện pháp kỹ thuật khôi phục sản xuất. Đối với cây lúa, những diện tích chưa cấy thì tiến hành rút nước, tập trung làm đất, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, phấn đấu gieo cấy xong trong tháng 7/2024.
Theo cơ quan này, đối với những diện tích lúa bị ngập có khả năng phục hồi sau khi nước rút tiến hành vệ sinh đồng ruộng, sử dụng mạ thừa, mạ dự phòng dặm tỉa bổ sung đảm bảo mật độ, tuyệt đối không bón ngay phân đạm hoặc các loại phân bón có hàm lượng đạm.
Sau 2-3 ngày bón bổ sung 5-7 kg super lân/sào để kích thích sự phát triển của bộ rễ, giúp cây nhanh hồi phục, khi cây ra lá mới bón bổ sung 2-3 kg phân đạm Ure/sào. Đồng thời theo dõi chặt chẽ và phòng trừ kịp thời ốc bươu vàng, chuột hại.
Đối với những diện tích lúa mới gieo bị dồn, trôi mộng mạ hoặc những diện tích lúa mới cấy bị ngập úng không có khả năng phục hồi, hướng dẫn người dân chủ động sử dụng các giống ngắn ngày như: Khang dân 18, Bắc thơm số 7, QR1… để gieo cấy lại.
Do điều kiện dự kiến thời tiết tiếp tục có mưa, Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình khuyến cáo các địa phương hạn chế sử dụng phương thức gieo thẳng, chú trọng sử dụng phương thức gieo mạ nền để cấy, phấn đấu gieo cấy hết diện tích theo kế hoạch.
Tại Hải Dương, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh bà Lương Thị Kiểm cho biết đã đề nghị các địa phương chuẩn bị nguồn giống lúa cực ngắn ngày, ngắn ngày như P6ĐB, KD18, HN6, BT7... để gieo cấy lại kịp thời nếu lúa thiệt hại từ 50% trở lên, lưu ý thời gian gieo cấy lại kết thúc trước ngày 5/8 để đảm bảo thời vụ.
"Riêng những diện tích lúa có thể phục hồi được, lãnh đạo ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương và bà con nông dân khẩn trương dọn sạch bèo, rong rêu, dồn dặm, chăm sóc, bón phân cho cây lúa phục hồi và phát triển; đồng thời, tập trung cấy dặm để đảm bảo đủ mật độ lúa trên đồng ruộng", bà Kiểm cho biết thêm.