Sau khi thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần được công bố, trên các nền tảng mạng xã hội, không ai bảo ai, từ thường dân cho đến công chức, viên chức, doanh nhân, văn nghệ sĩ, chính khách đều đồng loạt đăng ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trích dẫn những câu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư, chuyển ảnh đại diện sang màu đen, treo hình cờ rủ hoặc có những dòng trạng thái xúc động để bày tỏ sự tiếc thương.
Các tờ báo điện tử, trang tin điện tử, Cổng thông tin điện tử cũng tự động chuyển từ màu bình thường sang màu đen dù chưa hề có bất kỳ một yêu cầu nào từ cơ quan chức năng. Các cơ quan báo chí cũng tiết giảm tối đa những thông tin tiêu cực, những thông tin giải trí đơn thuần để tập trung đưa thông tin về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chỉ ngần đó thôi cũng đủ để thấy sự đồng lòng, đồng cảm sâu sắc khi có đất nước có tang sự. Một việc trước nay hiếm thấy!
Những ngày tiếp theo, tràn ngập trên các nền tảng mạng xã hội là những đoạn video, những câu nói, những hình ảnh liên quan đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời. Có cảm giác như đó là những ngày mà mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây… người dân sống trọn vẹn nhất với khoảnh khắc cuối cùng bên vị Tổng Bí thư đáng kính của dân tộc.
Còn gì nữa? Những cụ ông, cụ bà nhiều năm liền nằm một chỗ vì tai biến, bước đi phải có sự hỗ trợ của người nhà… nhưng tờ mờ sáng đã đòi con cháu cho lên xe lăn đưa đến nhà văn hóa thôn Lại Đà – quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để dâng lên một nén tâm hương.
Một người phụ nữ ở Hà Đông (Hà Nội) vì xem nhầm giờ được vào viếng mà sẵn sàng ngồi chờ 9 tiếng đồng hồ trước cổng Nhà tang lễ Quốc gia để được vào vái chào tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
Nhìn cảnh đồng bào mình xếp hàng nghiêm ngắn chờ được vào viếng dưới tiết trời nóng nực, những người dân Lại Đà không ngần ngại lôi quạt điện trong nhà ra bật cho dân mình được mát. Nhiều người tình nguyện mua nước mát, quạt tay, khăn ướt… để trao cho đồng bào trong sự yêu thương và đùm bọc.
Những người trẻ đã tự nguyện nhường chiếc ô của mình để đứng che cho các đồng chí công an được phân công làm nhiệm vụ phân luồng, dẹp an ninh khi đoàn xe tang đi qua dưới trời nắng nóng…
Trên truyền hình, Biên tập viên Khánh Trang dẫn tường thuật trực tiếp Lễ Quốc tang trong sự thổn thức, nức nở, suýt bật khóc trước ống kính truyền hình. Ngoài phố, một nữ công an đang đứng nghiêm làm nhiệm vụ nhưng khi thấy đoàn xe tang chở lĩnh cữu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua đã không kìm được lòng mà bật khóc.
Trong nhà tang lễ, cái ôm thật chặt và những giọt nước mắt sẻ chia của bà Naly Sisoulith - Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào với bà Ngô Thị Mận – Phu nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Rồi những hàng người ken kín nối nhau đứng chờ dọc các tuyến phố của Hà Nội – nơi đoàn xe chở linh cữu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua, bất chấp nắng nóng, bất chấp đường sá xa xôi... chỉ để được nhìn thấy vị lãnh đạo kính yêu lần cuối, để được hát vang “Quốc ca” tiễn biệt Tổng Bí thư hoặc chắp tay thành kính vái chào lần cuối cho trọn tình dân.
Trong suốt mấy ngày liền chúng ta luôn được chứng kiến cảnh người dân Việt sát kề vai nhau, cùng buồn chung, cùng đau chung, cùng sẻ chia sự mất mát, cùng một tấm lòng hướng về vị lãnh đạo đáng kính của Đảng với tất cả sự biết ơn và tiếc thương.
Trong đau thương, người Việt Nam lại xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Cái truyền thống đoàn kết, đùm bọc, sẻ chia và tự cường của một dân tộc từng kinh qua bao biến động lại tiếp tục được nhân lên, được lan tỏa. Sự đẹp đẽ và nhân văn của một dân tộc khát khao tự do, yêu chuộng hòa bình, trọng tình trọng nghĩa bừng sáng.
Cũng chính trong thời điểm này, người ta càng nhận thấy rõ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không chỉ để lại cho thời đại một nhân cách sáng ngời, một lý tưởng cách mạng cao đẹp, một tấm gương vĩ đại… mà còn đặt nền móng vững chắc cho sự đoàn kết toàn dân tộc.
Sự đoàn kết ấy là sức mạnh để Việt Nam mạnh mẽ vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách… hiện thực hóa những điều mà lúc sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn mong mỏi.