Những năm qua, nhờ nguồn vốn chính sách, bà Đặng Thị Thu Hồng (thôn Tân Lập, xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm) đã vượt qua nhiều khó khăn. Bà Hồng cho biết, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo của xã, bản thân bà không có công việc ổn định, lại nuôi thêm 5 đứa con, trong đó có một bé bị tim bẩm sinh.
Từ năm 2011 đến nay, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình bà đã được tiếp cận nhiều chương trình vay vốn của Ngân hàng CSXH như: Cho vay học sinh, sinh viên (vay hơn 180 triệu đồng cho 4 con học đại học), chương trình cho vay hộ nghèo (vay 150 triệu đồng để nuôi bò sinh sản), chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Tổng dư nợ gia đình bà Hồng đang vay tại Ngân hàng CSXH là hơn 252 triệu đồng.
Nhờ sự tiếp sức của Ngân hàng CSXH, các con bà Hồng được ăn học đến nơi đến chốn. Hiện nay, 3 con lớn của bà đã ra trường, có công việc ổn định với thu nhập gần 15 triệu đồng/người/tháng, cùng chung tay với mẹ để nuôi các em và trả nợ cho ngân hàng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ trao sinh kế bền vững cho nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách mà còn tạo điều kiện an cư cho nhiều gia đình, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Đơn cử như gia đình ông Mang Huyến, người Raglai ở xã Cam Thịnh Tây, TP.Cam Ranh được vay 40 triệu đồng từ chương trình cho vay nhà ở theo Nghị định số 28/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Từ nguồn vốn này, gia đình ông đã xây căn nhà mới khang trang, rộng rãi thay cho căn nhà ván cũ đã hư hỏng. An cư rồi lạc nghiệp, hiện nay, ông Mang Huyến nỗ lực làm nghề lặn biển với thu nhập từ 200.000- 300.000 đồng/ngày, vợ chăn nuôi 3 con bò sinh sản để từng bước thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững.
Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm nghìn khách hàng đã được tiếp cận và sử dụng vốn tín dụng chính sách hiệu quả trong 10 năm qua.
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh Khánh Hòa, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 84.980 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho hơn 85.060 lao động; xây dựng 541.288 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, 404 căn nhà cho hộ nghèo; 19.478 lượt hộ gia đình tại vùng khó khăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng 889 căn nhà ở xã hội.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần trong thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 9,68% giai đoạn 2016 - 2020 xuống còn 3,86% giai đoạn 2022 - 2025.
Hiện nay, Ngân hàng CSXH tỉnh Khánh Hòa đang triển khai thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách hiện nay hơn 4.407 tỷ đồng, tăng 2.722,6 tỷ đồng so với năm 2014, với 114.950 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.
Ông Hồ Đắc Thích - Giám đốc Ngân hàn CSXH tỉnh Khánh Hòa cho biết, kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 40, đến nay, cấp ủy, HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện đã quan tâm, bố trí nguồn lực bổ sung nguồn vốn qua Ngân hàng CSXH cùng cấp để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhờ đó, nguồn vốn trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.