Dân Việt

Bán buôn và bán lẻ trong kỷ nguyên số: Thương mại điện tử xuyên biên giới đe dọa và 3 "bài toán" khó

Nguyễn Thịnh 30/07/2024 15:38 GMT+7
Mặc dù ghi nhận đà tăng trưởng mạnh nhưng bán buôn và bán lẻ trên internet tại Việt Nam còn đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức.

Theo Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), tỷ trọng bán buôn và bán lẻ chiếm tới 9,83% trong GPD năm 2023. Thống kê cho thấy, hiện có khoảng hơn 54 nghìn doanh nghiệp bán lẻ, hơn 200 nghìn doanh nghiệp bán buôn, 9000 chợ truyền thống và 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa.

Bán buôn và bán lẻ trên internet ghi nhận đà tăng trưởng mạnh. Cụ thể, doanh thu thương mại điện tử B2B Việt Nam từ 2018 đến 2023 đều tăng trưởng trung bình trên 20%. Nếu năm 2018, doanh thu mới là 8,06 tỷ USD thì quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD.

Bán buôn và bán lẻ trong kỷ nguyên số: Thương mại điện tử xuyên biên giới đe dọa và 3 "bài toán" khó- Ảnh 1.

Bán buôn và bán lẻ trong kỷ nguyên số còn nhiều thách thức. Ảnh: M.Trang

B2B là viết tắt của cụm từ “Business to Business”, nghĩa là “Doanh nghiệp với Doanh nghiệp”. B2B là một hình thức giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp với nhau, chẳng hạn như giữa nhà sản xuất và nhà bán buôn, giữ nhà bán sỉ và bán lẻ. Cũng có thể hiểu đơn giản là một doanh nghiệp bán sản phẩm hay cung cấp dịch vụ cho một doanh nghiệp khác.

Thị thường thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng. Theo thống kê, một người tiêu dùng Việt Nam bình quân mua hàng trực tuyến tới 04 lần/tháng. Tiềm năng ấy nhờ nằm cạnh các thị trường lớn: Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN.

Báo cáo của Momentum Works cho biết, Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh nhất khu vực trong năm 2023. Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam trong 2023 đã tăng 52,9% so với năm trước đó. Mức tăng của thị trường Thái Lan là 34,1%.

Cùng với mức tăng này, Việt Nam đã vượt qua Philippines, trở thành thị trường TMĐT lớn thứ ba khu vực. Indonesia vẫn là thị trường TMĐT lớn nhất, đóng góp 46,9% vào GMV của khu vực, với tốc độ tăng trưởng ở mức 3,7%.

Tuy nhiên Vụ Kinh tế số và Xã hội số cũng chỉ rõ những vấn đề còn khó khăn với thương mại bán buôn và bán lẻ Việt Nam. 

Về nguy cơ, có thể thấy rõ các cửa hàng truyền thống sẽ không thể tồn tại do khả năng cạnh tranh thấp, tiếp cận thị trường hạn chế. Bên cạnh đó, bán buôn và bán lẻ trên internet cũng không cạnh tranh được với các địa phương khác hay các nước xung quanh. Thương mại điện tử bị nước ngoài xâm chiếm, an ninh hàng hoá, an ninh tài chính gặp nhiều rủi ro.

Thách thức từ thương mại điện tử xuyên biên giới đang rất lớn với bán buôn và bán lẻ Việt Nam. Đặc biệt là vị thế mới của Trung Quốc trong hoạt động ngoại thương. Hoạt động giao hàng xuyên biên giới được Trung Quốc rút ngắn từ 5-10 ngày xuống chỉ còn từ 1-3 ngày. 

Trong khi đó, bán buôn và bán lẻ đang thiếu nền tảng công nghệ, kết nối người bán & người mua B2B tại Việt Nam với đối tác trên toàn cầu. Thiếu hạ tầng logistic, nền tảng thanh toán đồng bộ, thúc đẩy hoạt động TMĐT xuyên biên giới. Nguồn hàng và thị trường tiêu thụ vẫn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.