Bộ Công an vừa công bố dự thảo hồ sơ xây dựng luật Dẫn độ. Luật này được tách một phần từ Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007 nhưng có bổ sung nhiều nhiều nội dung chưa từng xuất hiện trong Luật. Trong đó có trình tự, thủ tục "bắt khẩn cấp để dẫn độ" theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bộ Công an đánh giá, quy định về dẫn độ trong Luật TTTP năm 2007 đã bộc lộ 7 hạn chế, sau 15 năm thi hành. Ví dụ, luật hiện hành không quy định biện pháp "bắt khẩn cấp" (bắt trước khi nước yêu cầu dẫn độ đưa ra yêu cầu chính thức), nhằm ngăn chặn ngay việc người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn. Trong khi theo thông lệ quốc tế và nhiều điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết, đều có quy định này.
Theo dự thảo Luật Dẫn độ, trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam bắt khẩn cấp để dẫn độ theo quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó là thành viên thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thể ra quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày xác định chính xác nơi ở của người đó tại Việt Nam nếu đáp ứng được các điều kiện sau:
Nước yêu cầu bắt khẩn cấp để dẫn độ cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được quy định trong điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó là thành viên;
Nước yêu cầu bắt khẩn cấp để dẫn độ cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật Việt Nam;
Có căn cứ cho rằng người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn hoặc gây khó khăn, cản trở việc xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc thi hành quyết định dẫn độ.
Cũng theo Dự thảo Luật Dẫn độ, yêu cầu bắt khẩn cấp để dẫn độ gồm các nội dung: Tên, địa chỉ và thông tin liên lạc của cơ quan đưa ra yêu cầu; Lý do và mục đích của yêu cầu bắt khẩn cấp để dẫn độ;
Thông tin về người bị yêu cầu dẫn độ, bao gồm: họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, nghề nghiệp; số hộ chiếu, số căn cước công dân, số chứng minh thư nhân dân; đặc điểm nhận dạng; nơi cư trú trước khi bỏ trốn, địa điểm bỏ trốn và các thông tin cần thiết khác có thể giúp cho việc xác định và truy tìm người bị yêu cầu dẫn độ;
Văn bản cam kết sẽ gửi yêu cầu dẫn độ chính thức; Thông tin về tội danh bị nêu trong yêu cầu dẫn độ và khung hình phạt áp dụng đối với người bị yêu cầu dẫn độ hoặc thời gian còn lại người bị yêu cầu dẫn độ phải thi hành hình phạt;
Tóm tắt nội dung vụ án là căn cứ đưa ra yêu cầu dẫn độ, bao gồm: thông tin về hành vi phạm tội, phương thức, thủ đoạn phạm tội, địa điểm và thời gian phạm tội, các chứng cứ thu thập được, hậu quả của tội phạm và các thông tin cần thiết khác về tội phạm bị yêu cầu dẫn độ;
Lệnh bắt, thông báo đỏ của Interpol (nếu có) hoặc quyết định của toà án về việc tuyên hình phạt;Bản cam kết bồi thường thiệt hại trong trường hợp có oan, sai đối với người đã bị áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp để dẫn độ;
Các nghĩa vụ khác được quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó là thành viên.
Trình tự, thủ tục bắt khẩn cấp để dẫn độ được thực hiện theo quy định về bắt tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam.
Trong Dự thảo mới nhất, Bộ Công an cũng bổ sung quy định về chuyển giao vật chứng, tài sản. Theo đó, trong trường hợp cần phải chuyển giao vật chứng liên quan đến người bị yêu cầu dẫn độ cho nước yêu cầu dẫn độ thì Bộ Công an chuyển giao vật chứng đó cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu dẫn độ tại thời điểm bàn giao người bị yêu cầu dẫn độ hoặc vào thời điểm khác theo thỏa thuận với nước yêu cầu dẫn độ.
Đối với những vật chứng không thể chuyển giao mà buộc phải tiêu hủy thì Bộ Công an thông báo cho nước yêu cầu dẫn độ và đề nghị cơ quan bảo quản vật chứng hủy vật chứng đó theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Việc chuyển giao tài sản do phạm tội mà có cho nước yêu cầu dẫn độ thực hiện theo thủ tục TTTP hình sự, quy định tại các điều ước quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam về xử lý tài sản do phạm tội mà có.
Bộ Công an cho biết, Luật Dẫn độ dự kiến được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (tổ chức vào tháng 10/2024).