Bộ Công an đề xuất trình Quốc hội 3 dự án luật tại Kỳ họp thứ 8
Bộ Công an đề xuất trình Quốc hội 3 dự án luật tại Kỳ họp thứ 8
Quỳnh Nguyễn
Thứ bảy, ngày 13/07/2024 07:10 AM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, Bộ Công an đã xây dựng xong hồ sơ và trình Chính phủ 3 luật gồm: Luật Dữ liệu, Luật Dẫn độ và Luật Chuyển giao thi hành án phạt tù.
Thông tin trên được Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh khi phát biểu tại buổi tổng kết Kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, Bộ Công an là đơn vị trình Chính phủ và Quốc hội 2 luật đã được cho ý kiến ở tại kỳ họp thứ 7, đó là Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Luật Phòng chống mua bán người. Hai dự án luật này dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Ông Hùng cũng cho biết, Bộ Công an đã đề xuất trình Quốc hội 3 dự án Luật Dữ liệu, Luật Dẫn độ và Luật Chuyển giao thi hành án phạt tù tại Kỳ họp thứ 8.
"Chúng tôi đã có hồ sơ, xây dựng xong hồ sơ và trình Chính phủ 3 luật. Đến nay, Luật Dữ liệu đã qua các vòng của Thường trực Chính phủ và Chính phủ. Còn 2 luật là, Luật Dẫn độ và Luật Chuyển giao thi hành án phạt tù đang nỗ lực làm để kịp tiến độ", Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Dự án Luật dẫn độ và Luật Chuyển giao thi hành án phạt tù sẽ được thực hiện trên cơ sở tách các quy định về dẫn độ trong Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, có sửa đổi, kế thừa các quy định về dẫn độ còn phù hợp của Luật Tương trợ tư pháp.
Với Luật dẫn độ là nhằm luật hoá quy định của điều ước quốc tế về dẫn độ, luật hoá các vấn đề phát sinh từ thực tiễn công tác dẫn độ và đồng bộ hoá giữa các quy định của Luật dẫn độ mới với các đạo luật chuyên ngành có liên quan đến dẫn độ ở Việt Nam.
Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Canada, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia... đều đã xây dựng và ban hành luật riêng về dẫn độ. Liên Hiệp Quốc cũng đã thông qua Luật mẫu về dẫn độ (năm 2004) để làm cơ sở cho các quốc gia tham khảo, xây dựng pháp luật trong nước.
Với Luật Chuyển giao thi hành án phạt tù nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, đáp ứng công tác này trong tình hình mới.
Về mặt pháp luật quốc tế, việc xây dựng luật riêng về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù cũng phù hợp với cách tiếp cận chung hiện nay của thế giới trong lĩnh vực Tương trợ tư pháp là phân tách các điều ước quốc tế trong từng lĩnh vực cụ thể cũng như xây dựng các luật riêng trong từng lĩnh vực cụ thể.
"Việc xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp phù hợp với pháp luật quốc tế, về cải cách tư pháp", theo Bộ Công an.
Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, dự kiến trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội làm việc 24 ngày, khai mạc ngày 21/10 và bế mạc ngày 28/11. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật.
Do số lượng nội dung lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tại kỳ họp thứ 8 rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp nên Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tiếp tục tổ chức kỳ họp theo 2 đợt.
Theo đó, đợt 1, Quốc hội làm việc trong 15 ngày (từ ngày 21/10 đến ngày 8/11), chủ yếu thảo luận các nội dung trình biểu quyết thông qua và thảo luận ở tổ một số dự án luật trình cho ý kiến. Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn cũng dự kiến được bố trí trong đợt 1.
9 ngày từ 18/11 đến 28/11, Quốc hội sẽ họp đợt 2, chủ yếu để biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết; thảo luận ở tổ và hội trường một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến.
Trường hợp có dự án luật, nghị quyết được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, ông Bùi Văn Cường cho biết thời gian tiến hành kỳ họp sẽ tăng thêm 1-2 ngày, dự kiến bế mạc muộn nhất vào 30/11.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.