Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung khẩn trương rà soát, lập danh mục và kinh phí sửa chữa 184 đường ngang cắt qua tuyến đường sắt quốc gia.
Việc sửa chữa đường ngang nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi họp về đề xuất kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
Để thực hiện những ý kiến trên, Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) khẩn trương rà soát, lập danh mục đường ngang và dự kiến kinh phí thực hiện sửa chữa 184/566 đường ngang còn lại.
Cùng đó, Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm rà soát, xác định nhu cầu vốn thực hiện trong năm 2024 và năm 2025 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo kết luận số 350/TB-VPCP ngày 25/7/2024.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam, VNR chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt dự toán bảo đảm tuân thủ quy định về quản lý chi phí, đơn giá, định mức…
Song song đó, tổ chức sửa chữa các đường ngang bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả và không để xảy ra tiêu cực, lãng phí; Chịu trách nhiệm về việc quản lý sử dụng nguồn vốn được giao, bảo đảm đúng quy định pháp luật (không trùng lặp nguồn chi thường xuyên ngân sách Nhà nước và nguồn vốn khác đã giao của Bộ GTVT.
Đồng thời, khẩn trương báo cáo tổng kết toàn diện kết quả thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/62014, trong đó nêu rõ tồn tại hạn chế, bất cập, nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm của các bộ, cơ quan, địa phương.
Ngoài ra, chỉ rõ những bất cập, tồn tại liên quan đến công tác quy hoạch, phát triển đô thị, thể chế; Đề xuất giải pháp xử lý tổng thể (xác định rõ nguồn lực, thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt theo quy định của pháp luật hiện hành) để giải quyết đồng bộ, hiệu quả, khả thi.
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, việc nâng cấp sửa chữa các đường ngang cắt qua đường sắt là rất cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, nâng cao chất lượng chạy tàu.
Hạ tầng đường sắt bị xuống cấp không được nâng cấp sửa chữa kịp thời dẫn tới những thiệt hại lớn cho ngành đường sắt.
Điển hình trong quý II/2024 xảy ra hai vụ sạt lở hầm vào tháng 4, tháng 5, gây ách tắc đường hàng chục ngày, ảnh hưởng phát sinh nhiều chi phí liên quan đến điều hành GTVT, đặc biệt là chạy tàu rỗng.
Các sự cố về hạ tầng gây thiệt hại lớn tới kết quả kinh doanh các các đơn vị đường sắt. Việc chạy tàu hàng chỉ có lãi khi đoàn tàu đủ chiều dài tấn số, 22 toa xe chẳng hạn và chạy hàng hai chiều. Khi xảy ra sạt lở, tắc đường, sẽ phải hoặc là chạy tàu về điểm xuất phát để trả hàng cho khách, hoặc chuyển tải, rồi chạy toa xe rỗng về…
Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã có báo cáo tài chính quý II/2024, ghi nhận doanh thu đạt gần 784 tỷ đồng, tăng hơn quý II/2023 hơn 149 tỷ, tương đương tăng 23,54%.
Báo cáo cho thấy, lợi nhuận kế toán sau thuế chỉ được hơn 6 tỷ, trong khi cùng kỳ 2023 được hơn 25,3 tỷ, giảm hơn 19,2 tỷ.