Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng ở các tỉnh Tây Nguyên. Hiện nay, giá sầu riêng đang ở mức cao và việc thu mua tiêu thụ, xuất khẩu khá thuận lợi nên có khá nhiều doanh nghiệp đến thu mua.
Để ngăn chặn tình trạng tranh mua, tranh bán, bảo kê, ép giá và trộm cắp, gian lận mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sầu riêng Việt Nam, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ở Tây Nguyên cũng đã đưa ra những khuyến cáo.
Nhằm tăng cường quản lý hoạt động thu mua, xuất khẩu sầu riêng vụ mùa năm 2024, UBND tỉnh Đắk Lắk giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan phối hợp chặt chẽ với Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan nắm chắc tình hình xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, kịp thời phát hiện, phối hợp xác minh làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi gian lận thương mại, nguồn gốc xuất xứ và chỉ dẫn địa lý; các đơn vị sử dụng mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sầu riêng để xuất khẩu không bảo đảm quy định, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến người trồng và doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng nếu bị phía đối tác phát hiện.
Công khai các mã số vùng trồng, mã đóng gói sầu riêng đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt, hồ sơ đang chờ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt một cách minh bạch.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 32.785ha sầu riêng, trong đó diện tích trồng thuần là 9.556ha, chiếm 29,14%, diện tích trồng xen 23.229ha, chiếm 70,85% và diện tích cho thu hoạch sản phẩm 15.852ha, chiếm 48,35%.
Hiện nay, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích, sản lượng sầu riêng đứng thứ 2 cả nước sau Tiền Giang và hiện nay giá sầu riêng đang ở mức cao dao động từ 80.000-110.000 đồng/kg tùy loại. Nhiều năm nay, cây sầu riêng đang trở thành cây trồng chính và mang lại nguồn thu nhập lớn cho người nông dân ở Đắk Lắk.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh đã cấp 266 mã số vùng trồng với tổng diện tích 7.292ha, chiếm 79,8% diện tích trồng thuần và 46% so với diện tích cho sản phẩm. Trong đó có 68 mã số vùng trồng với diện tích 2.521ha đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt và 198 vùng trồng với diện tích 4.771ha đang chờ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.
Trong 68 mã số vùng trồng được phê duyệt hầu hết do các tổ chức như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đứng tên đại diện, duy nhất chỉ có 1 vùng trồng do cá nhân đại diện.
Về cơ sở đóng gói, cả nước có 168 cơ sở đóng gói sầu riêng được phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số, trong đó tỉnh Đắk Lắk có 23 cơ sở.
Mới đây, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị huyện Đạ Huoai, nơi có diện tích, sản lượng sầu riêng lớn nhất tỉnh này tăng cường quản lý việc mua bán sầu riêng trên địa bàn, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán sầu riêng.
Hiện nay, huyện Đạ Huoai có gần 6.000 ha sầu riêng; trong đó, diện tích thu hoạch khoảng 3.500 ha. Theo UBND huyện Đạ Huoai, địa phương đã bước vào vụ thu hoạch sầu riêng và vụ mùa chỉ kéo dài trong khoảng 2 tháng, nếu không tăng cường các biện pháp quản lý quyết liệt thì sẽ thất thu ngân sách. Chính vì vậy, huyện Đạ Huoai đã yêu cầu các địa phương trong huyện tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh sầu riêng, đặc biệt là việc thu thuế kinh doanh, mua bán sầu riêng.
Liên quan đến vấn đề quản lý, kiểm soát thu mua sầu riêng, sáng 31/7, trao đổi với báo chí về tình hình sản xuất và xuất khẩu tháng 7 và 7 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, diện tích sầu riêng cả nước đạt 125.000ha, giá sầu riêng khi xuất khẩu được vào thị trường Trung Quốc đã tăng lên rất nhiều, giá trị năm 2023 đạt trên 2 tỷ USD.
Theo ông Tiến những bất cập trong quá trình tổ chức sản xuất (cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói) thời gian qua được Cục Bảo vệ thực vật theo dõi rất sát sao, báo cáo lãnh đạo Bộ để có chỉ đạo kịp thời, từ đó giữ vững thương hiệu sầu riêng của Việt Nam.
Ông Tiến cho rằng, do sản xuất nhỏ lẻ nên những bất cập là "không thể tránh khỏi", tuy vậy, với việc Việt Nam đang hội nhập sâu rộng như hiện nay thì dần dần chúng ta sẽ cập nhật được thị trường, các tiêu chuẩn, quy chuẩn... và "không có cách nào khác" ngoài việc chúng ta phải xây dựng được thương hiệu, tổ chức lại sản xuất, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phải đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.
Về vấn đề dịch bệnh và tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi, ông Tiến cho biết, thời gian gần đây, dịch tả lợn châu Phi có xảy ra ở một số địa phương, một phần nguyên nhân của dịch là do triển khai tiêm vaccine chưa tốt.
“Ở cùng một khu vực, những trang trại không tiêm vaccine xảy ra dịch, lợn chết nhiều, trong khi ở nơi lợn được tiêm vaccine không bị ảnh hưởng”, Thứ trưởng chia sẻ kết quả trong chuyến kiểm tra tại Hòa Bình mới đây.
Trước tình hình đó, Thủ tướng đã có chỉ thị riêng về dịch tả lợn châu Phi và Bộ NNPTNT đã đẩy mạnh truyền thông về vấn đề này để người chăn nuôi có thể nắm được.
“Từ nay đến cuối năm, với những kết quả sản xuất của 7 tháng vừa qua, có thể tin tưởng, yên tâm về nguồn cung thực phẩm. Sang tháng 8, Bộ sẽ tổ chức hội nghị về phát triển chăn nuôi lợn trong những tháng còn lại của 2024 để đảm bảo được nguồn cung”, ông Tiến thông tin thêm.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, với động lực từ thành tựu khoa học, công nghệ trong nông nghiệp, ngành sẽ tập trung thúc đẩy các kết quả nghiên cứu vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm mới có chất lượng cao, có sức cạnh tranh và có giá trị gia tăng lớn trong tất cả các lĩnh vực.
Để tăng giá trị nông sản, việc thu hút, đưa thêm các doanh nghiệp vào các chuỗi liên kết cũng là vấn đề được ngành nông nghiệp quan tâm. Song song đó là việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để có được những thương hiệu mạnh, tương xứng với sản lượng, chất lượng của nông sản Việt Nam.
Liên quan vấn đề biến đổi khí hậu và thiên tai, ông Tiến cho biết, khi xảy ra xâm nhập mặn, Bộ NNPTNT đã có những dự báo và chỉ đạo rất chính xác. Chỉ có một số địa phương xuống giống không theo khuyến cáo mới bị ảnh hưởng. Còn lại, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật của Bộ NNPTNT khuyến cáo giúp sản lượng lúa thời gian qua không bị ảnh hưởng nhiều.
“Bằng nhiều biện pháp, Bộ NNPTNT đã cùng với các địa phương và bà con nông dân giảm được thiệt hại do thiên tai gây ra. Giữ được sản lượng, giữ được chất lượng và giữ được thị trường”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 34,27 tỷ, tăng 18,8%; nhập khẩu 24,85 tỷ USD; xuất siêu 9,42 tỷ USD, tăng 60%. Đóng góp vào kết quả này có nông sản 18,21 tỷ USD, tăng 23,4%; lâm sản 9,41 tỷ USD, tăng 21,1%; thủy sản 5,29 tỷ USD, tăng 7,3%; chăn nuôi 288 triệu USD, tăng 4,8%.
Cụ thể, các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Gỗ và sản phẩm gỗ 8,7 tỷ USD, tăng 21,9%; Cà phê 3,5 tỷ USD, tăng 30,9%, với lượng 964.000 tấn; Gạo 3,2 tỷ USD, tăng 25,1%, với lượng 5,18 triệu tấn; Hạt điều 2,3 tỷ USD, tăng 22,1%, với lượng 424.000 tấn; Rau quả 3,8 tỷ USD, tăng 24,3%; Tôm 2 tỷ USD, tăng 7,5%; Cá tra 1,02 tỷ USD, tăng 7,1%.
Giá xuất khẩu bình quân một số mặt hàng cũng tăng, đơn cử như: Gạo 632 USD/tấn, tăng 18,2%; Cà phê 3.669 USD/tấn, tăng 51,7%; Cao su 1.555 USD/tấn, tăng 14,8%; Hạt tiêu 4.665 USD/tấn, tăng 45%; Chè 1.728 USD/tấn, tăng 1,6%.