Sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có cơ hội lớn về xuất khẩu ra thị trường toàn cầu

Minh Huệ Thứ năm, ngày 25/07/2024 18:34 PM (GMT+7)
Nếu chuyển sang hình thức xuất khẩu múi sầu riêng cấp đông, hoặc cấp đông nguyên quả như một số nước đang làm và nhắm đến những tiêu chuẩn chế biến chuyên sâu khác nhau, quả sầu riêng Việt Nam sẽ có những cơ hội lớn hơn nhiều.
Bình luận 0

Đa dạng thị trường và sản phẩm

Đã 10 năm nay, anh Trương A Vùng - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Toàn Thắng (xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) làm sầu riêng múi đông lạnh để xuất khẩu sang Thái Lan. 

Với kho lạnh công suất 300 tấn, mỗi ngày anh Vùng cấp đông khoảng 30 tấn sầu riêng theo 2 công nghệ (thông thường và bằng khí nito) và xuất chính ngạch cho khách hàng Thái Lan để tiếp tục chế biến thành kem sầu riêng, bánh, nước uống..., với giá bán cao gấp 3 lần so với bán sầu riêng tươi.

"Hàng loại A, trái đều và đẹp thì người ta thường bán tươi, còn để làm múi sầu riêng đông lạnh thì tôi lấy hàng dạt, đảm bảo đủ tuổi chín sinh lý nhưng có giá thấp hơn. 

Năm ngoái tôi tiêu thụ 100 container, tương đương 2.700 tấn sầu riêng cấp đông, doanh thu đạt 400 tỷ đồng, chưa tính các sản phẩm khác như xoài, chôm chôm" - anh Vùng cho biết.

Sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có cơ hội lớn về xuất khẩu ra thị trường toàn cầu, vì sao vậy?- Ảnh 1.

Anh Trương A Vùng - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Toàn Thắng thăm vườn sầu riêng tại Đồng Nai. Ảnh: N.V

Xuất khẩu sầu riêng bắt đầu có sự tăng trưởng khởi sắc từ năm 2022 với kim ngạch đạt gần 421 triệu USD và đột phá trong năm 2023 với gần 2,3 tỷ USD. Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2023 Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng tươi, sản lượng hơn 543.000 tấn.

Chia sẻ với phóng viên Báo NTNN, anh Vùng nói: "Hiện nay nhu cầu thị trường sầu riêng rất lớn, nhất là đối với sản phẩm đông lạnh bởi thời gian bảo quản lâu hơn, dễ vận chuyển hơn, tuy nhiên hiện nay chúng ta mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ thị trường. Không chỉ các thị trường Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan mà ngay cả với Thái Lan, sầu riêng Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh được.

 Ngày trước tôi cũng chỉ bán sầu riêng tươi, nhưng áp lực tiêu thụ vào mùa cao điểm thu hoạch ngày càng lớn nên tôi quyết định đi theo con đường làm hàng đông lạnh. Công ty cũng tiếp tục nâng cấp các tiêu chuẩn về chất lượng, quy trình chế biến để sản phẩm có thể bán sang Canada, Mỹ và Úc".

Tại một hội nghị ngành sầu riêng mới đây, ông Vũ Đức Côn - Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đăk Lăk cho biết, Việt Nam có 7 vùng nông nghiệp thì đã có 6 vùng với 34 địa phương trồng sầu riêng, trong đó nhiều nơi có diện tích trên 10.000ha. 

Riêng tại Đăk Lăk, tất cả 15 huyện, thị, thành của tỉnh đều có cây sầu riêng, với diện tích gần 29.000ha. Trong đó, có trên 15.000ha chưa cho thu hoạch, tức là 2-3 năm nữa, sản lượng sầu riêng của Đăk Lăk sẽ tăng rất mạnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong vấn đề tiêu thụ.

Sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có cơ hội lớn về xuất khẩu ra thị trường toàn cầu, vì sao vậy?- Ảnh 3.

Hiện nay đã có một số doanh nghiệp thử nghiệm cấp đông sầu riêng nguyên trái xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Ảnh: S.K.H

Chưa kể, khi thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao như hiện nay thì các nước cạnh tranh với sầu riêng Việt Nam như Malaysia, Campuchia, Philippines chắc chắn cũng tìm mọi cách để thâm nhập thị trường này. 

Trong khi đó, diện tích có thể phát triển sầu riêng ở Campuchia và Lào còn rất lớn, nên người Trung Quốc đã sang các nước này để hợp tác sản xuất và đưa trái sầu riêng về cung ứng cho thị trường của họ. Do đó, việc thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng cấp đông chính ngạch sẽ càng gia tăng sức mạnh và giá trị bền vững cho loại trái cây "vua" của Việt Nam.

Cũng theo ông Vũ Đức Côn, hướng xuất khẩu sầu riêng lâu nay ở Tây Nguyên cũng như nhiều địa phương khác là bán nguyên trái tươi, phục vụ nhu cầu ăn múi tự nhiên của người dùng. Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu sầu riêng chính từ Tây Nguyên và Việt Nam là do hướng tiêu thụ này. 

Tuy nhiên, sầu riêng tươi đòi hỏi thời gian vận chuyển ngắn, điều kiện bảo quản khắt khe nên chi phí cao mà lại nhiều rủi ro. Nếu đổi sang hình thức xuất khẩu múi sầu riêng cấp đông như Thái Lan, nhắm đến những tiêu chuẩn chế biến chuyên sâu khác nhau thì chắc chắn giá trị của trái sầu riêng sẽ khác.

Tận dụng tối đa lợi thế

Sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có cơ hội lớn về xuất khẩu ra thị trường toàn cầu, vì sao vậy?- Ảnh 5.

Sản phẩm múi sầu riêng cấp đông của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Toàn Thắng. Ảnh: T.H

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng khẳng định xuất khẩu sầu riêng cấp đông sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa lợi thế bảo quản để xâm nhập thị trường tốt hơn. 

Bởi, Trung Quốc là đất nước rất rộng lớn, nhiều nơi người dân chưa ăn được trái sầu riêng tươi vì điều kiện bảo quản, cho nên cấp đông sẽ giúp sầu riêng Việt Nam vươn tới những vùng xa xôi của quốc gia này. 

Hơn nữa, cấp đông sản phẩm sẽ giúp tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, những trái không đạt yêu cầu xuất tươi về mẫu mã, hoặc lớn quá hay nhỏ quá thì có thể tách lấy múi cấp đông, đem lại giá trị kinh tế cao hơn bán tươi.

Được biết, hiện nay đã có một số doanh nghiệp thử nghiệm cấp đông sầu riêng nguyên trái xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Đại diện Công ty TNHH Đức Huệ Lâm Đồng (xã Lộc Nga, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) cho biết, Đài Loan, Hàn Quốc thường nhập khẩu sầu riêng múi cấp đông, còn thị trường Mỹ và châu Âu phải là sầu riêng nguyên trái nhưng được cấp đông và bảo quản đúng quy định. 

Trái sầu riêng được thị trường Mỹ ưa chuộng là loại Ri6 trái nhỏ, tròn, đều, trọng lượng 2-2,5 kg/trái. Để đáp ứng được yêu cầu của thị trường Mỹ, Công ty TNHH Đức Huệ Lâm Đồng phải chọn lựa sầu riêng từ những vườn được canh tác theo quy trình an toàn, hoàn toàn không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật bị cấm. Lựa trái già đúng độ, sau đó ủ để trái chín đúng yêu cầu khách hàng, đưa vào cấp đông sâu.

Hiện Công ty TNHH Đức Huệ Lâm Đồng có 2 kỹ thuật cấp đông: cấp đông thường với thời gian 6 giờ để trái đạt nhiệt -50 độ C và cấp đông bằng khí nito, trái sẽ đạt nhiệt độ -50 độ C trong vòng 2 giờ. "Trái sầu riêng sau khi rã đông sẽ giữ được màu sắc, vị tươi, ngọt như trái tươi chín. 

Nếu kỹ thuật cấp đông không chính xác, khi rã đông sẽ xuất hiện tình trạng trái bị "cháy lạnh", ảnh hưởng rất lớn đến màu sắc, hương vị của trái sầu riêng. So với bán sầu riêng tươi hoặc cấp đông múi, chi phí đầu tư cho cấp đông nguyên trái cao hơn nhiều, nhưng bù lại giá bán cũng rất cao. 

Ngoài giá cả tốt, cấp đông sầu riêng còn giúp doanh nghiệp và nông dân giảm sức ép mùa vụ, có thể chủ động điều phối các đơn hàng quanh năm" - đại diện Công ty TNHH Đức Huệ Lâm Đồng thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem