Dân Việt

Con tôm Bạc Liêu… “khát nước”

Kim Trung – Kiên Nhẫn 05/08/2024 06:14 GMT+7
Đến nay, Bạc Liêu được xác định là một trong những tỉnh trọng điểm về nuôi tôm và xếp vào tốp 3 của cả nước về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu.

Thế nhưng, sự phát triển của con tôm cũng đặt ra nhiều thách thức cho phát triển bền vững. Trong đó, suy thoái, ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề nóng và cảnh con tôm "khát nước ngọt" được dự báo sẽ còn gay gắt hơn trong điều kiện hạn mặn ngày càng gia tăng.

Dẫn đầu cả nước về nuôi tôm công nghệ cao

Bạc Liêu có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 140.000ha, cho sản lượng năm 2023 trên 388.740 tấn. Trong đó, tỉnh có nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả như: nuôi thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh, tôm - lúa, tôm - rừng, được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao về tính bền vững, lợi nhuận cao hơn từ 15 - 30% so với độc canh cây lúa. Đây chính là tiền đề vững chắc để Bạc Liêu bứt phá và làm giàu từ con tôm.

Con tôm Bạc Liêu… “khát nước” - Ảnh 1.

Thu hoạch tôm ở Tập đoàn Việt - Úc. Ảnh: T.Cường

Trong những năm qua, các doanh nghiệp tại tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng được những mô hình nuôi tôm hiện đại ứng dụng công nghệ cao đứng đầu cả nước mà điển hình là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của Tập đoàn Việt - Úc. 

Tập đoàn này đã xây dựng các khu phức hợp ứng dụng công nghệ cao bên trong các nhà kín. Các ao nuôi đều được lót bạt dưới đáy, nguồn nước mặn được xử lý tiệt trùng bằng một ao lắng với nhiều trang thiết bị hiện đại. 

Mỗi ao nuôi đều được trang bị thiết bị thu sóng siêu âm sonar, quạt nước, máy bơm oxy… hoạt động liên tục 24/24 giờ, nhằm đảm bảo các điều kiện cần thiết cho con tôm phát triển.

Bên cạnh mô hình nuôi tôm trong nhà kính, Tập đoàn Việt – Úc còn áp dụng mô hình nhà màng bong bóng nuôi tôm. Mỗi ao có diện tích 500m2, mật độ nuôi là 300 con/m2 và cho thu hoạch từ 12 - 16 tấn/vụ/năm, mang về lợi nhuận hàng chục tỷ đồng/ha/năm cho các mô hình nuôi hiện đại bậc nhất này.

Ngoài Tập đoàn Việt - Úc, Bạc Liêu còn xuất hiện nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi tôm với các mô hình hiện đại khác cho siêu lợi nhuận như: Công ty Long Mạnh, Công ty Trúc Anh, Hợp tác xã nuôi tôm ứng dụng cao Đông Hải…

Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, con tôm đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GRDP và giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng ngàn lao động của địa phương. 

Năm 2022, ngành tôm Bạc Liêu đã phát huy vai trò nòng cốt và góp phần đưa tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh đạt 9,6%, đứng thứ 4/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và đứng thứ 15/63 tỉnh, thành cả nước. Năm 2023, Bạc Liêu tiếp tục đứng vào tốp đầu của khu vực ĐBSCL về tăng trưởng kinh tế (đứng thứ 5/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL).

Tài nguyên nước là "cốt lõi"

Ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu: Hạ tầng phục vụ phát triển nuôi tôm gặp nhiều khó khăn

Để giải quyết các khó khăn về hạ tầng thủy lợi phục vụ cho sản xuất, Bộ NNPTNT đã cho triển khai Dự án "Hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng phía Nam Quốc lộ 1A", với tổng vốn đầu tư 1.451 tỷ đồng và dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào năm 2025.

Có thể nói, con tôm đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bạc Liêu, nhưng cũng chính sự phát triển nóng của con tôm, nhất là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đã kéo theo hàng loạt các vấn nạn về ô nhiễm môi trường và đã đến lúc phải cảnh báo.

Ông Đỗ Kiên (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) than: "Mấy năm nay, nông dân nuôi tôm khó lắm, nuôi tôm công nghiệp tự phát phát triển nhanh và gần như không có kiểm soát. 

Đáng lo là khi tôm chết, mạnh nhà nào nhà nấy xả nước ô nhiễm ra kênh nội đồng, dù hệ thống kênh thủy lợi rất cạn và cứ chảy đi, chảy lại chứ không thoát được ra ngoài. 

Thế là cả khu vực phải chấp nhận lấy "nước kho", nghĩa là nguồn nước bị ô nhiễm ấy cứ được lấy vào phục vụ cho nuôi tôm mới, khi tôm bị chết lại thải ra và hộ khác lại lấy vào, cứ "kho" đi "kho" lại nguồn nước cũ rồi kéo nhau thiệt hại hết".

Theo phản ánh của nhiều hộ nuôi tôm, nguyên nhân làm cho thiếu nước trầm trọng là ngoài hệ thống kênh thủy lợi ít được nạo vét thì một số công trình khác còn "làm khổ" người dân khi thi công theo "tiến độ rùa" và vấn đề này đã được phản ánh nhiều lần với UBND tỉnh, nhất là các công trình thủy lợi cho vùng Nam Quốc lộ 1A. 

Không chỉ có địa bàn huyện Đông Hải, khu vực ven biển TP.Bạc Liêu mà nhiều dự án thủy lợi khác ở vùng Nam Quốc lộ 1A cũng thế. 

Nhu cầu về thủy lợi phục vụ cho nuôi tôm thì bức xúc, nhưng qua thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, hệ thống kênh mương thủy lợi hiện nay chỉ mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu nước cho con tôm, trong khi lượng nước thải từ con tôm cứ tăng theo cấp số nhân.

Con tôm Bạc Liêu… “khát nước” - Ảnh 2.

Nông dân Bạc Liêu sử dụng bơm chìm để khai thác nước ngầm phục vụ cho nuôi tôm. Ảnh: K.T

Theo tính toán của ngành tài nguyên - môi trường, thông thường các ao nuôi tôm công nghiệp có chiều sâu hơn 1,3 - 1,5m. Như vậy, với hơn 20.000ha nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp ở khu vực ven biển, mỗi vụ sẽ phát sinh khoảng 2.600 triệu m3 nước thải ra môi trường. 

Trong khi đó, nước thải sau vụ nuôi tôm chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh như: Vibrio, Aeromonas, E.coli, Pseudomonas, Proteus, Staphylococcus..., cùng nhiều loại nấm và nguyên sinh động vật không được xử lý triệt mà thải thẳng ra nguồn nước tiếp nhận, gây ô nhiễm nguồn nước, lan tràn dịch bệnh và gây nên thiệt hại trên diện rộng.

Một vấn đề đáng cảnh báo khác là sự phát triển nóng của con tôm còn làm cạn kiệt nguồn nước ngầm và kéo theo tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng. Đó là thực trạng vào mùa khô, độ mặn vượt lên con số từ 30 - 40‰, trong khi độ mặn thích nghi và giúp con tôm sống được chỉ dừng ở mức từ 15 - 20‰.

Để "giải khát" và cứu con tôm, các hộ nuôi tôm buộc phải khoan giếng hút nước ngầm, nhằm pha loãng nước mặn phục vụ cho nuôi tôm, làm cho mực nước ngầm xuống thấp dẫn đến sụt lún đất nền tự nhiên bình quân 1 - 2cm/năm. 

Từ đó, mỗi khi triều cường lên cao, diện tích ngập úng càng lớn hơn và kéo theo nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt nguồn tài nguyên nước ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, vùng Nam Quốc lộ 1A lại là vùng nuôi tôm công nghiệp chính và trọng điểm của tỉnh với các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh có diện tích 4.000ha, nuôi thâm canh, bán thâm canh diện tích gần 22.000ha.

GS - TSKH Nguyễn Ngọc Trân - nhà nghiên cứu các vấn đề chiến lược của vùng ĐBSCL, cảnh báo: "Người nông dân vùng ĐBSCL sẽ phải trả giá đắt nếu như khai thác và gây lãng phí nguồn nước ngầm. Với việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong và biến đổi khí hậu, nông dân sẽ "chết khát", nạn sụt lún, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ liên tiếp diễn ra nếu như không có ngay các giải pháp cứu lấy môi trường và quản lý tài nguyên nước".

Với những thách thức được đặt ra cho thấy, một trong những giải pháp hàng đầu trong thực hiện đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước hiện nay chính là tập trung giải bài toán về môi trường, nhất là bảo vệ môi trường nước. 

Tài nguyên nước không chỉ đóng vai trò là "cốt lõi", mà còn là vấn đề mang tính sống còn cho phát triển bền vững của cả ĐBSCL trong hiện tại và tương lai, nhất là tình trạng khô hạn, thiếu nguồn nước ngọt ở khu vực ĐBSCL trong mùa khô năm 2024 đã gióng lên một hồi chuông về những thách thức mà nguồn nước chính là "mạch sống" trong sản xuất nông nghiệp và tạo ra sinh kế cho hàng triệu nông dân của vùng ĐBSCL.

Con tôm Bạc Liêu… “khát nước” - Ảnh 3.