Di tích đền Sinh - đền Hóa tọa lạc lưng chừng núi Ngũ Nhạc, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Đền Sinh - đền Hóa ngày nay còn có tên là đền Thánh Phi Bồng, gắn với huyền tích về “phiến đá biết khóc” hay còn gọi là “phiến đá sinh thần”.Theo ngọc phả đền Sinh – đền Hóa, xưa kia tại trang Chi Ngại, Yên Mô, huyện Phượng Nhãn, xứ Kinh Bắc có một phiến đá vuông như một chiếc chiếu lớn. Bấy giờ vào giờ dần ngày 8 tháng 5 khi Mặt trời vừa gác núi, trẻ mục đồng thường tụ tập chốn này. Hôm nay chúng chợt nghe có tiếng trẻ nhỏ khóc ở dưới núi bèn gọi nhau đến đó, thấy một hài nhi có dáng vẻ kỳ dị khôi ngô, thiên tư đĩnh ngộ, nằm trên chỗ lõm của khối Thạch Linh mà khóc vang như tiếng chuông lớn.
Bọn trẻ lấy tay làm kiệu, lấy nón làm lọng, lấy khăn làm cờ, bế bồng đón về. Bỗng nhiên gió mưa sấm chớp đùng đùng, cát bay đá cuộn khắp nơi. Hài nhi hét lên một tiếng rồi bay thẳng về trời, chỉ nghe trong không trung có tiếng vọng lại: “Ta là Phi Bồng Hiệu Thiên đại tướng quân giáng hạ”. Mọi người tụ tập nơi đó, thấy khối Thạch Linh bị mài mòn hơn một thước thì rất lấy làm kinh ngạc, liền lập miếu thờ.Sách “Lĩnh Nam chích quái” và “Đại Nam nhất thống chí” cũng ghi: Ở xã An Mô, Chí Linh, địa đầu xã này có một quả núi hình như bình phong. Ở đó có một khối đá rộng bằng hai cái chiếu, ở giữa nứt ra một hố rộng chừng một thước.
Khối đá kết nổi này phần nào có dáng vẻ người mẹ trong tư thế sinh nở. Tương truyền ngày trước trẻ chăn trâu tụ hội ở chân núi nghe có tiếng trẻ khóc, đến nơi thấy một em bé ngồi ở chỗ đá nứt, tiếng như chuông đồng.
Em bé ấy bay thẳng lên không, nghe có tiếng nói vọng lại: “Ta là thần Phi Bồng Hạo Thiên giáng hạ, nay bị lộ hóa về trời”. Người địa phương lấy làm kinh dị lập đền thờ. Chỗ Mẫu Mẹ Thạch Linh sinh ra em bé lập đền Sinh, chỗ em bé hóa về trời lập đền Hóa.
Ngọc phả cuối thời Nguyễn khắc ở bia đền, kể rằng: Ngày xưa ở trang An Mô, có một người họ Chu tên Thức, vợ là Hoàng Thị Ba, hiệu là Diệu La, gia đình phong lưu phú quý.
Vợ chồng vốn là người lương thiện, chuyên tâm làm phúc, tận lực hành nhân, lấy nghề nông làm chính. Ông bà tuổi đã cao mà chưa có con nối dõi tông đường, nên hàng ngày vợ chồng làm phúc, cầu sinh, mong có con kế tự.
Một hôm đến chùa Trường Liêu bày lễ nghi cầu Phật, cầu tiên rồi ngủ lại chùa. Sáng hôm sau trở về, vừa ra đến cửa chùa thấy một dấu chân.
Hoàng Nương dậm lên, dấu chân tự biến. Từ đó Hoàng Nương thấy trong người khoan khoái lạ thường. Chim chóc cũng đến hót mừng vợ chồng đã hợp dấu chân thần.
Ngày tròn tháng đủ đến giờ ngọ ngày 5 tháng 5 năm Ngọ, bỗng nhiên trời đất tối sầm, mưa gió dữ dội, hương thơm đầy nhà, thụy khí huy hoàng.
Đến giờ thân, thai nhi chuyển động, một cậu bé ra đời, mặt như Mặt trời mùa Hạ. Cậu bé cất tiếng khóc, tự nhiên trời đất xoay vần, cây cối chuyển động rồi trời quang, mây tạnh khiến mọi người lấy làm lạ.
Tam quan di tích đền Sinh - đền Hóa, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Thần tướng hiển linh giúp nhà Trần
Ngọc phả thời Nguyễn cũng kể, cậu bé sinh được trăm ngày diện mạo khôi kỳ tưởng như trong mộng, cha mẹ đặt tên là Hạo, tự Phúc Uy. Ngày tháng trôi qua, cậu bé thường ngồi trong phòng yên lặng nghiền ngẫm văn chương, ban đêm luyện võ, thảo binh thư.
Rồi mọi kinh sách đều thông hiểu. Năm 15 tuổi, cha mẹ qua đời, Uy Công phục tang vô cùng hiếu kính. Dân làng cho là thần thánh nên ai cũng nghe theo.
Năm 19 tuổi, Uy Công nổi tiếng anh hùng cái thế. Bấy giờ Lý Nam Đế khởi nghĩa ở An Thảo chống quân Lương đô hộ, Phúc Uy liền gia nhập nghĩa quân, được Nam Đế phong là Phi Tướng, sau lại gia phong Uy Vũ đại tướng quân, trấn thủ xứ Hải Dương.
Khi giặc phương Bắc xâm lược nước ta, Lý Nam Đế cử ông trấn giữ Bắc đạo, ông mang đại binh đến cự chiến. Quân giặc qua giáp như nêm, cờ bay rợp trời, chống cự quyết liệt với quân ta tại sông Thiên Đức. Quân ta phải rút về trấn giữ Việt Yên. Ông hy sinh tại đây ngày 11 tháng 8.
Đến triều hậu Lý, Lý Thái Tông đi chơi ở chùa Cổ Pháp, bên sông Thiên Đức, hỏi người già mới biết sự tích Phi Bồng liền cho đắp tượng, dựng đền, cho người trông nom, thờ phụng. Vua lại ban sắc “Thượng đẳng thần”, sau lại gia phong cho danh hiệu “Hạo Thiên Phi Bồng”. Khi đánh dẹp giặc Chiêm Thành, Thái Tông liên tiếp chiến thắng, người cho rằng do Phi Bồng ngầm giúp.
Đến thời Trần, khi giặc Nguyên xâm lấn (thế kỷ 13), Trần Hưng Đạo cũng từng cầu đảo trước miếu Phi Bồng và ông cảm thấy linh thiêng hiển ứng.
Lúc đó, quân Nguyên Mông kéo sang xâm lược nước ta, kinh thành Thăng Long bị vây hãm. Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn phục mệnh cầm quân dẹp giặc. Trên đường truy đánh giặc, Trần Hưng Đạo hội quân đồn trú ở Côn Sơn và hành lễ tại đền thờ Yên Mô.
Tiết chế tỉnh dậy, biết trong mơ gặp thần liền làm lễ tạ. Bỗng trời đất thay đổi mây đen bốn bề mù mịt mưa gió ập đến. Tiếng ầm ù như sấm sét thuyền bay lên bờ. Quốc công tiết chế vỗ tay nói, lòng trời thương đến cho thần âm phù, liền hô binh sĩ cùng đuổi quân giặc đến sông Bạch Đằng, quyết chiến một trận, quân Nguyên đại bại. Chiến thắng trở về nhà vua mở tiệc phong thưởng tướng sĩ, Hưng Đạo Đại vương tấu rằng quân Nguyên sớm được bình định là dựa vào sức phù trợ ngầm của thần linh.
Vua Trần sắc phong Phi Bồng Hiệu Thiên tối linh thượng đẳng thần, sắc chỉ ban cho thần tử ở Yên Mô - Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn thờ phụng. Từ đó về sau đều tỏ rõ linh ứng. Thần hộ quốc giúp dân, xóm làng yên ổn, vinh hoa cầu nắng cầu mưa đều được linh nghiệm.
Hiện nay, trong hậu cung đền Sinh vẫn còn chứa phiến đá Thạch Linh trong huyền tích. Tương truyền phiến đá mang dáng hình của một người phụ nữ lúc lâm bồn, nhưng do phiến đá ấy được che phủ bởi một lớp vải lễ nên khách thập phương cũng không rõ hình dạng, dù ai đến đền đều rất tò mò. Phía trước hậu cung là nơi thờ Mẫu Thạch Linh áo đỏ - tượng bà Hoàng Thị Ba và vị thần Phi Bồng Hạo Thiên.
Theo lịch sử và thần tích thì đền Sinh – đền Hóa ra đời từ thế kỷ 11. Tuy nhiên, di tích hiện còn là kết quả của cuộc tái lập đền vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đền Sinh xây dựng theo hình chữ Tam gồm 3 tòa liền nhau, phần hậu cung xây trùm lên khối đá kỳ dị được mô tả trong huyền thoại.
Đền Hóa có hình thức và kiến trúc tương tự đền Sinh nhưng quy mô lớn hơn trên một khu đất bằng phẳng. Trung từ tái tạo năm Tự Đức Kỷ Mão (1879), trong hậu cung có tượng tướng quân Chu Phúc Uy và nhiều đồ tế tự cổ xưa.
Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, đền Sinh – đền Hóa trở thành nơi họp kín của cơ sở cách mạng (1943 - 1944). Năm 1947, đền Sinh – đền Hóa thành nơi hội họp của các tổ chức cách mạng tại địa phương.
Cuối năm 1947, đầu năm 1948, xưởng quân khí của huyện Chí Linh – Nam Sách – Kinh Môn đã chọn đền Hóa làm nơi sản xuất vũ khí. Trong kháng chiến chống Mỹ (1969 – 1972), đền Sinh – đền Hóa là nơi tạm trú để giảng dạy và học tập của cán bộ, sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp. Năm 1994, Bộ Văn hóa – Thông tin đã ra quyết định xếp hạng khu di tích đền Sinh – đền Hóa.
Tục đón bóng, thả đèn trời
Sau hàng nghìn năm, huyền tích xưa vẫn sống mãi trong tiềm thức người địa phương. Đền Sinh - đền Hóa trở thành địa chỉ tín ngưỡng linh thiêng không chỉ của người trong vùng, mà còn thu hút đông đảo khách thập phương tìm đến cầu con.
Tương truyền, vì ngôi đền gắn với huyền tích “phiến đá sinh thần” nên những cặp vợ chồng hiếm muộn đến cầu khấn thì rất linh ứng. Đó cũng là một trong những lý do mà đền Sinh – đền Hóa lúc nào cũng đông khách.
Theo Ban Quản lý di tích Chí Linh, lễ hội truyền thống đền Sinh - đền Hóa diễn ra từ 6 – 8/5 (âm lịch). Nếu ở những ngôi đền khác người ta kiêng kị người mang thai, trẻ sơ sinh không đến đền thì ở đền Sinh - đền Hóa lại rất đông bà bầu và những bà mẹ bế trẻ sơ sinh tìm đến. Họ là những người cầu tự đã được ứng nghiệm nên đến để tạ mẫu.
Ở lễ hội truyền thống đền Sinh - đền Hóa có hai tục quan trọng nhất là lễ đón bóng Thánh và lễ rước kiệu Thánh. Trong đó, lễ rước kiệu từ đền thánh Hóa về đền mẫu Sinh được hiểu là rước con về trình mẹ, thể hiện đạo hiếu trong tín ngưỡng dân gian.
Lễ đón bóng được diễn ra ở cả hai đền, để tưởng nhớ ngày sinh và hóa về trời của đức Thánh. Chuẩn bị đến giờ đón bóng, không khí trang nghiêm hồi hộp mong chờ giờ khắc đức thánh giáng sinh.
Sau ba hồi trống chiêng điểm, một già làng đại diện lên thắp nhang và đọc văn đón bóng đức Thánh. Biểu hiện lúc này đức Thánh đã giáng sinh. Sau khi đọc văn đón bóng thì nghi lễ thả đèn trời để tiễn chân đức Thánh cũng được diễn ra.
Đây là một nét đẹp đặc trưng chỉ có ở lễ hội đền Sinh - đền Hóa. Thả đèn trời với ý nghĩa tượng trưng cho hình ảnh đức Thánh giáng sinh và hóa về trời.
Ngoài nghi lễ đón bóng và thả đèn trời trong lễ hội, tại đền Sinh - đền Hóa còn diễn ra lễ ban khước áo Thánh áo Mẫu cho dân thôn, cùng đông đảo quý khách thập phương, những người nhất tâm với Thánh với Mẫu.
Theo quan niệm thì những ai có mặt trong giây phút linh thiêng của lễ đón bóng Thánh ngày 8/5 là một may mắn, và nếu nhận được lộc khước Thánh khước Mẫu thì đó còn là một điều quý giá và thiêng liêng hiếm có sẽ được ban lộc, ban tài, cầu được ước thấy trong cả một năm.
Khước của Thánh của Mẫu như một chiếc bùa hộ mệnh luôn phù hộ và che chở cho mỗi người. Đó là lá bùa tâm linh mang đầy niềm tin mà không phải ai cũng may mắn có được.
Sau lễ đón bóng, lễ ban khước là lễ rước truyền thống, lễ dâng hương thể hiện lòng ngưỡng mộ, thành kính của người dân đối với công lao của đức Thánh đã linh ứng giúp đỡ và che chở cho dân làng ngàn đời nay được ấm no, hạnh phúc.
Trải qua hàng ngàn năm, hầu hết các phong tục lễ hội đặc sắc và quan trọng ở đền Sinh - đền Hóa vẫn được người dân nhiệt tâm gìn giữ và truyền lại như: Tục hát chầu văn dâng Mẫu, dâng Thánh, cúng lễ bằng lợn đen xôi trắng, phụ nữ không được vào trong cung cấm, dâng lễ vào cung cấm chỉ có lễ chay; những người ăn thịt chó, đi viếng đám ma không vào lễ đền; kiêng dùng tên húy hai chữ “Phi Bồng”...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.