Dân Việt

Huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Hồng Cẩm 02/08/2024 10:17 GMT+7
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 750/QĐ-TTg, ngày 1/8/2024, công nhận huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Sáng 2/8, thông tin từ UBND huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang), ngày 1/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 750/QĐ-TTg, ngày 1/8/2024, công nhận huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh An Giang có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND huyện Thoại Sơn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao- Ảnh 1.

Huyện Thoại Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Ảnh: TLTS

Huyện Thoại Sơn nằm ở phía Nam tỉnh An Giang thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên, có diện tích tự nhiên 47.103,8 ha, chiếm 13,32% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, là huyện có diện tích lớn thứ hai trong tỉnh.

Huyện Thoại Sơn có 17 đơn vị hành chính cấp xã gồm 14 xã và 3 thị trấn. Năm 2018, huyện Thoại Sơn vinh dự là huyện đầu tiên trong tỉnh An Giang đạt chuẩn huyện nông thôn mới (vượt lộ trình kế hoạch 1 năm). Đến nay, huyện đã có 14/14 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 3 thị trấn đạt đô thị văn minh.

14/14 xã trên địa bàn huyện đã được UBND huyện Thoại Sơn phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng xã đến năm 2040 và phê duyệt đồ án chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 trung tâm xã hoặc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 các dự án khu dân cư trên địa bàn các xã phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của địa phương và phù hợp với định hướng đô thị hóa theo quy hoạch của huyện và của tỉnh.

Huyện Thoại Sơn có 1 tuyến Quốc lộ 80 đi qua với chiều dài 1,2km; 3 tuyến đường tỉnh (ĐT943, ĐT960, ĐT947) đi qua với tổng chiều dài 61,9km; 12 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 144,3km, mặt đường được nhựa hóa 100%, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm và kết nối liên thông từ trung tâm huyện tới trung tâm hành chính các xã. 100% các tuyến đường huyện được bảo trì hàng năm.

Đường ấp và đường liên ấp trên địa bàn được nhựa hóa hoặc bê tông hóa và bảo trì hàng năm; có các hạng mục cần thiết theo quy định (biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh…) và đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp, đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật. Đường ngõ, xóm đến thời điểm hiện tại, đường ngõ, xóm được cứng hóa và đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp.

Huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao- Ảnh 2.

Sản xuất nông nghiệp của huyện Thoại Sơn đã có bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mạnh mẽ. Ảnh: TLTS

Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2023 tăng 6,8% so năm trước. Trong mức tăng trưởng chung thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,62%; công nghiệp – xây dựng tăng 7,32%; khu vực dịch vụ tăng 8%. 

Cơ cấu kinh tế của huyện Thoại Sơn năm 2023 tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng 46,15% công nghiệp - xây dựng chiếm 19,16% và thương mại - dịch vụ chiếm 34,69%.

Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp đã có bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mạnh mẽ; phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch cũng đã từng bước phát triển; đã thu hút được doanh nghiệp lớn vào sản xuất thu hút được khoảng 10.000 lao động tại địa phương. 

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn huyện đạt 73,5 triệu đồng/người/năm và giá trị sản xuất bình quân/ha đất nông nghiệp đạt 215 triệu đồng/ha, tỉ lệ hộ nghèo giảm dần theo hàng năm, đến nay còn 1,32%.

Đến nay, địa bàn 14 xã có 27.909/31.766 hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố, chiếm tỷ lệ 87,86%.

Qua hơn 13 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Thoại Sơn rút ra bài học kinh nghiệm xuyên suốt đó là phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, sử dụng vốn đúng mục đích công khai, minh bạch nguồn vốn đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân...